.
BÍCH NHAM LỤC
Tác giả:Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980
ML
01
02
03
04
05
06
07
08
09
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
TẮC 66: NHAM ĐẦU THÂU KIẾM HOÀNG SÀO

LỜI DẪN: Đương cơ đối mặt đề cao cơ hãm hổ, chánh án bàng đề, bày ra mưu lược bắt giặc. Sáng hiệp tối hiệp, hai buông hai thâu, giỏi đùa rắn chết, lại là tác giả kia. 

CÔNG ÁN: Nham Đầu hỏi Tăng: Ở đâu đến ? Tăng thưa: Tây Kinh đến. Nham Đầu hỏi: Sau khi giặc Hoàng Sào qua rồi, lại thâu kiếm được chăng ? Tăng thưa: Thâu được. Nham Đầu đưa cổ ra, nói: Hè ! Tăng nói: Đầu Thầy rụng. Nham Đầu cười ha hả ! Sau vị Tăng này đến Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi: Ở đâu đến ? Tăng thưa: Ở Nham Đầu đến. Tuyết Phong hỏi: Có ngôn cú gì ? Tăng thuật lại việc trước. Tuyết Phong đánh ba mươi gậy đuổi ra.

GIẢI THÍCH: Phàm là người quảy túi mang bát vạch cỏ xem gió, phải đủ con mắt hành cước mới được. Vị Tăng này mắt tợ sao băng, cũng bị Nham Đầu khám phá xong, xỏ xâu lại. Đương thời nếu là kẻ kia, hoặc chết hoặc sống cử đến liền dùng. Vị Tăng lôi thôi này lại nói: “Thâu được.” Đi hành cước thế ấy, lão Diêm-la sẽ đòi tiền cơm ông. Ông này đi nát bao nhiêu đôi giày cỏ thẳng đến Tuyết Phong. Khi ấy nếu có đôi phần mắt sáng, liền biết liếc qua há chẳng thích sao ? Một nhân duyên này có chổ khúc mắc. Việc ấy tuy nhiên không được mất, mà được mất rất to, tuy nhiên không giản trạch, trong này lại cần đủ con mắt giản trạch. Xem Long Nha khi còn đi hành cước đặt câu hỏi, hỏi Đức Sơn: Học nhân nương kiếm Mạc Da nghĩ lấy đầu Thầy thì thế nào ? Đức Sơn đưa cổ ra nói: Hè ! Long Nha nói: Đầu Thầy rụng. Đức Sơn liền trở về phương trượng. Sau Long Nha thuật lại với Động Sơn, Động Sơn hỏi: Khi ấy Đức Sơn nói gì ? Long Nha thưa: Sư không nói. Động Sơn bảo: Sư không nói gác lại, cho mượn đầu Đức Sơn rụng xem ? Long Nha ngay câu nói đại ngộ, thắp hương trông xa về Đức Sơn lễ bái sám hối. Có vị Tăng truyền đến Đức Sơn, Đức Sơn nói: Lão Động Sơn chẳng biết tốt xấu, kẻ này chết bao lâu rồi, cứu được dùng vào chỗ nào ? Công án này với Long Nha là một loại. Đức Sơn trở về phương trượng ắt trong tối rất mầu. Nham Đầu cười to, trong cái cười có độc. Nếu có người biện được thì đi dọc ngang trong thiên hạ. Vị Tăng này khi ấy nếu biện được thì vượt qua ngàn xưa, khỏi bị kiểm trách, mà dưới cửa Nham Đầu một trường lầm lỗi. Xem lão nhân Tuyết Phong là bạn đồng tham nên biết chỗ rơi, cũng chẳng vì kia nói phá, chỉ đánh ba mươi gậy đuổi ra khỏi viện, khả dĩ không trước bặt sau. Cái này là nắm lỗ mũi hàng tác gia Thiền khách, thủ đoạn vì người mà chẳng vì họ thế này hoặc thế nọ, khiến họ tự ngộ. Bậc bổn phận Tông sư vì người, có khi đậy kín không cho ló đầu, có khi tung ra cho chết dở, lại cần có chỗ xuất thân. Cả thảy Nham Đầu, Tuyết Phong ngược lại bị gã Tăng lôi thôi khám phá. Câu Nham Đầu hỏi: giặc Hoàng Sào qua rồi, có thâu được kiếm chăng, các ông hãy nói trong đây nên hạ lời gì khỏi bị kia cười, lại khỏi bị Tuyết Phong đánh đuổi ra ? Trong cái lầm lẫn này, nếu chẳng từng thân chứng thân ngộ, dù cho có lanh mồm lợi khẩu, cứu kính thấu thoát sanh tử cũng chẳng được. Sơn tăng bình thường dạy người xem chỗ chuyển của cơ quan này. Nếu suy nghĩ, xa đó càng xa. Đâu chẳng thấy Đầu Tử hỏi Tăng Diêm Bình: Sau khi giặc Hoàng Sào qua rồi, lại thâu được kiếm chăng ? Tăng lấy tay chỉ dưới đất. Đầu Tử nói: Ba mươi năm đùa cỡi ngựa, ngày nay lại bị lừa đá. Xem vị Tăng này quả là bậc tác gia, chẳng nói thâu được, cũng chẳng nói thâu chẳng được, so với vị Tăng ở Tây Kinh như cách trời biển. Chơn Như niêm: Cổ nhân kia một người làm đầu, một người làm đuôi. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:   Hoàng Sào quá hậu tằng thâu kiếm

                Đại tiếu hoàn ưng tác giả tri

                Tam thập sơn đằng thả khinh thứ

                Đắc tiện nghi thị lạc tiện nghi.

DỊCH:    Hoàng Sào giặc dứt từng thâu kiếm

                Cười lớn lại là tác giả tri

                Ba mươi gậy hãy còn tha nhẹ

                Được tiện nghi là mất tiện nghi.

GIẢI TỤNG: Hai câu “Hoàng Sào giặc dứt từng thâu kiếm, cười lớn lại là tác giả tri”, Tuyết Đậu tụng vị Tăng này cùng chỗ Nham Đầu cười to. Cái nhỏ xíu này mà người trong thiên hạ mò tìm chẳng được. Hãy nói Sư cười cái gì ? Phải là bậc tác gia mới biết, trong cái cười này có quyền có thật, có chiếu có dụng, có chết có sống. Câu “ba mươi gậy hãy còn tha nhẹ”, tụng vị Tăng này sau đến Tuyết Phong đối diện, vẫn như xưa lỗ mãng, Tuyết Phong cứ lệnh mà hành, đánh ba mươi gậy đuổi ra. Hãy nói vì sao như thế ? Ông cần tận tình hiểu thoại này chăng ? “Được tiện nghi là mất tiện nghi.”

?

TẮC 67: PHÓ ĐẠI SĨ GIẢNG KINH XONG

CÔNG ÁN: Lương Võ Đế thỉnh Phó Đại sĩ giảng kinh Kim Cang, Đại sĩ lên tòa ngồi vỗ bàn một cái, bước xuống tòa. Võ Đế ngạc nhiên, Chí Công hỏi: Bệ hạ hội chăng ? Võ Đế nói: Chẳng hội. Chí Công nói: Đại sĩ giảng kinh xong.

GIẢI THÍCH: Cao Tổ Lương Võ Đế họ Tiêu, húy là Diễn, tự Thúc Đạt, lập công nghiệp cho đến nối ngôi nhà Tề. Sau khi tức vị, ông riêng chú ngũ kinh giảng nghị, kính thờ Lão Tử rất mực, tánh tình chí hiếu. Một  hôm, ông suy nghĩ về pháp xuất thế để đền ơn cha mẹ, liền bỏ đạo Lão theo đạo Phật. Ông thọ giới Bồ-tát với Pháp sư Lũ Ước, mặc áo cà-sa giảng kinh Phóng Quang Bát-nhã để đền ơn cha mẹ. Khi ấy, Chí Công Đại sĩ hiển dị hoặc chúng, bị giam trong khám. Chí Công phân thân du hóa trong thành ấp, một hôm, vua nhận biết cảm ngộ và rất kính trọng. Chí Công có những hạnh thầm hộ ẩn hiển không thể lường. Tại Vụ Châu có Đại sĩ ở núi Vân Hoàng, tự tay trồng hai cây gọi là Song thọ, tự xưng Đương Lai Thiện Huệ Đại sĩ. Một hôm, ông biên thư sai đệ tử dâng lên cho vua. Bấy giờ, triều thần cho ông không có tư cách quân thần nên chẳng nhận. Phó Đại sĩ sắp vào trong thành Kim Lăng bán cá. Võ Đế thỉnh Chí Công giảng kinh Kim Cang. Chí Công tâu: Bần đạo không thể giảng, trong chợ có Phó Đại sĩ hay giảng kinh này. Vua hạ chiếu mời Đại sĩ vào trong cung. Phó Đại sĩ đã đến, lên giảng tòa vỗ bàn một cái, xuống tòa. Khi ấy liền xô nhào khỏi thấy một trường rối bời, lại bị Chí Công nói: Bệ hạ hội chăng ? Vua nói: Chẳng hội. Chí Công tâu: Đại sĩ giảng kinh xong. Thế là một người làm đầu một người làm đuôi. Chí Công nói thế ấy, mộng thấy Phó Đại sĩ không ? Nhất đẳng là đùa tinh hồn, cái này thật là kỳ đặc, tuy là rắn chết khéo đùa cũng sống. Đã là giảng kinh, sao không phân làm hai ? Như Tọa chủ tầm thường nói: “Thể Kim Cang kiên cố, mọi vật không thể hoại, dụng nó sắc bén hay dẹp muôn vật.” Giảng thuyết như thế, mới gọi là giảng kinh. Tuy nhiên như vậy, quí vị đâu chẳng biết Phó Đại sĩ chỉ nêu then chốt hướng thượng, lược bày mũi nhọn, khiến người biết chỗ rơi, chặt thẳng vì ông vách đứng vạn nhẫn. Vừa lúc bị Chí Công chẳng biết tốt xấu lại nói Đại sĩ giảng kinh xong. Chính là hảo tâm mà không được báo tốt. Như một chung rượu ngon, bị Chí Công lấy nước chế vào. Như một nồi canh, bị Chí Công lượm một viên phân chuột bỏ vào làm nhơ rồi. Hãy nói đã chẳng phải giảng kinh, cứu kính gọi là gì ?

TỤNG:   Bất hướng Song Lâm ký thử thân

                Khước ư Lương độ nhạ ai trần

                Đương thời bất đắc Chí Công lão

                Dã thị tê tê khứ quốc nhân.

DỊCH:    Chẳng ở Song Lâm gởi thân tàn

                Lại vào Lương độ dấy bụi vàng

                Bấy giờ chẳng gặp Chí Công lão

                Cũng phải bôn ba đến nước người.

GIẢI TỤNG: Hai câu “chẳng ở Song Lâm gởi thân tàn, lại vào Lương độ dấy bụi vàng”, Phó Đại sĩ cùng Đạt-ma gặp nhau một lối. Đạt-ma mới đến Kim Lăng gặp Võ Đế, Võ Đế hỏi: Thế nào là Thánh Đế nghĩa thứ nhất ? Đạt-ma đáp: Rỗng thênh không Thánh. Đế hỏi: Đối trẫm là ai ? Đạt-ma đáp: Không biết. Đế chẳng khế hội. Ngài liền qua sông đến Ngụy. Võ Đế đem việc đó hỏi Chí Công, Chí Công tâu: Bệ hạ biết người này chăng ? Đế nói: Chẳng biết. Chí Công tâu: Đây là Bồ-tát Quán Âm truyền tâm ấn Phật. Đế nghe hối hận sai sứ đi tìm. Chí Công tâu: Chớ bảo bệ hạ sai sứ đi mời, người trong cả nước mời cũng chẳng trở lại. Vì thế, Tuyết Đậu nói: “Bấy giờ chẳng gặp Chí Công lão, cũng phải bôn ba đến nước người.” Bấy giờ nếu chẳng phải Chí Công vì Phó đại sĩ nói ra, cũng sẽ bị đuổi ra nước ngoài. Chí Công đã lắm lời, Võ Đế bị Sư lừa một trận. Đại ý Tuyết Đậu nói, chẳng phải Đại sĩ đến đất Lương giảng kinh vỗ bàn. Sở dĩ nói “sao chẳng ở Song Lâm gởi thân tàn”, là ăn cháo ăn cơm tùy phận qua ngày, lại đến đất Lương chỉ chú thế ấy, vỗ bàn rồi xuống tòa, chính là chỗ Sư làm dấy bụi. Đã là thù thắng thì mắt nhìn mây xanh, trên chẳng thấy có Phật, dưới chẳng thấy có chúng sanh. Nếu luận bên việc xuất thế thì chẳng khỏi đầu tro mặt đất, đem không làm có, đem có làm không, đem phải làm quấy, đem quấy làm phải, đem thô làm tế, ăn thịt uống rượu, nắm ngang dụng ngược, khiến tất cả người rõ được việc này. Nếu chẳng phóng hành thế ấy, thẳng đến Di-lặc hạ sanh cũng không có một người nửa người. Phó đại sĩ đã là dính bùn kẹt nước, may lại có tri âm. Nếu chẳng gặp lão Chí Công, hầu như bị đuổi khỏi nước rồi. Hãy nói hiện nay ở chỗ nào ?

?

TẮC 68: NGƯỠNG SƠN ÔNG TÊN GÌ ?

LỜI DẪN: Lật cửa trời lộn trục đất, bắt cọp hủy (tê giác), biện rắn rồng, phải là kẻ linh động mới được. Câu câu hòa nhau, cơ cơ hợp nhau, từ trước đến nay, người nào được thế ấy, xin cử xem ?

CÔNG ÁN: Ngưỡng Sơn hỏi Tam Thánh: Ông tên gì ? Tam Thánh thưa: Huệ Tịch. Ngưỡng Sơn nói: Huệ Tịch là tên ta. Tam Thánh thưa: Huệ Nhiên. Ngưỡng Sơn cười hả hả!

GIẢI THÍCH: Tam Thánh là hàng tôn túc trong tông Lâm Tế, thuở nhỏ đã đủ khả năng xuất quần, có đại cơ đại dụng, ở trong chúng ngang ngang tàng tàng, tiếng vang khắp nơi. Sau từ giã Lâm Tế, Sư dạo khắp sông biển, đến các tùng lâm đều được đãi vào hàng khách quí. Sư từ miền Bắc đến phương Nam, trước đến Tuyết Phong hỏi: Cá vàng thoát khỏi lưới lấy gì làm thức ăn ? Tuyết Phong đáp: Đợi ông ra khỏi lưới, sẽ nói với ông. Tam Thánh nói: Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người, mà thoại đầu cũng chẳng biết. Tuyết Phong nói: Lão tăng trụ trì nhiều việc. Tuyết Phong cùng Tam Thánh đi thăm trang sở của chùa, trên đường gặp một con khỉ. Tuyết Phong nói: Con khỉ này mỗi mỗi mang một mặt gương xưa. Tam Thánh nói: Nhiều kiếp không tên, do đâu bày là gương xưa ? Tuyết Phong nói: Có tỳ vậy. Tam Thánh nói: Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người, mà thoại đầu cũng chẳng biết. Tuyết Phong nói: Tội lỗi, Lão tăng trụ trì nhiều việc. Sau Sư đến Ngưỡng Sơn, Ngưỡng Sơn rất mến tài hùng biện của Sư nên đãi ở minh song. Một hôm, có ông quan đến tham vấn Ngưỡng Sơn, Ngưỡng Sơn hỏi: Quan ở vị nào ? Quan thưa: Dẹp quan. Ngưỡng Sơn dựng cây phất tử, hỏi: Lại dẹp được cái này chăng ? Ông quan không đáp được. Cả chúng đáp thay cũng không khế hợp ý Ngưỡng Sơn. Khi ấy Tam Thánh nằm bệnh tại nhà Diên Thọ, Ngưỡng Sơn sai thị giả đem lời này hỏi. Tam Thánh đáp: Hòa thượng có việc. Ngưỡng Sơn lại sai thị giả hỏi: Chưa biết có việc gì ? Tam Thánh nói: Tái phạm chẳng tha. Ngưỡng Sơn thầm nhận đó. Bá Trượng đương thời lấy thiền bản bồ đoàn trao cho Hoàng Bá, lấy cây gậy phất tử trao cho Qui Sơn. Sau Qui Sơn trao cho Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn đã thừa nhận Tam Thánh. Một hôm, Tam Thánh từ giã ra đi, Ngưỡng Sơn lấy cây gậy phất tử trao cho Tam Thánh. Tam Thánh thưa: Con đã có thầy. Ngưỡng Sơn hỏi nguyên do, mới biết là đích tử của Lâm Tế. Chỉ như Ngưỡng Sơn hỏi Tam Thánh “ông tên gì”, Sư không thể chẳng biết tên kia, cớ sao lại hỏi thế ấy ? Sở dĩ hàng tác gia cần nghiệm người biết cho chín chắn, dường như thong thả hỏi ông tên gì ? Không suy tính, Tam Thánh đáp là Huệ Tịch, mà chẳng nói là Huệ Nhiên, là tại sao ? Xem kia đủ con mắt tự nhiên chẳng đồng. Tam Thánh thế ấy mà chẳng phải điên, một bề dụng ý cướp cờ đoạt trống ngoài lời của Ngưỡng Sơn. Lời này chẳng rơi trong thường tình, khó bề dò tìm. Những kẻ có thủ đoạn này là làm sống được người. Vì thế nói, kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Nếu theo thường tình thì dứt người chẳng được. Xem cổ nhân kia nghĩ đạo thế ấy, dùng hết tinh thần mới được đại ngộ, đã ngộ rồi khi dùng cũng đồng chưa ngộ, giống hệt thời nhân, tùy phần một lời nửa câu, chẳng được rơi chỗ thường tình. Tam Thánh biết chỗ rơi của Ngưỡng Sơn, liền nói với Sư, con tên Huệ Tịch. Ngưỡng Sơn cốt thâu Tam Thánh, ngược lại Tam Thánh thâu Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn chỉ được trả đủa, nói Huệ Tịch là ta, là chỗ phóng hành. Tam Thánh thưa: con tên Huệ Nhiên, cũng là phóng hành. Vì thế, ở dưới Tuyết Đậu tụng “hai thâu, hai phóng nếu làm tông”. Chỉ trong một câu đồng thời tụng xong. Ngưỡng Sơn cười hả! hả! Cũng có quyền có thật, có chiếu có dụng, vì kia tám mặt linh lung. Thế nên, chỗ dùng được đại tự tại. Cái cười này cùng cái cười của Nham Đầu không đồng. Nham Đầu cười có thuốc độc. Cái cười này ngàn xưa, muôn xưa gió mát lạnh run. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:    Song thâu song phóng nhược vi tông

                 Kỵ hổ do lai yếu tuyệt công

                 Tiếu bãi bất tri hà xứ khứ ?

                 Chỉ ưng thiên cổ động bi phong.

DỊCH:     Hai thâu, hai phóng nếu làm tông

                 Cỡi cọp nguyên lai cốt bặt công

                 Cười dứt biết đi về đâu tá ?

                 Chỉ nên thiên cổ động bi phong.

GIẢI TỤNG: Câu “hai thâu hai phóng nếu làm tông”, phóng hành lẫn làm chủ khách. Ngưỡng Sơn hỏi: Ông tên gì ? Tam Thánh thưa: Con tên Huệ Tịch. Là song phóng. Ngưỡng Sơn nói: Huệ Tịch là tên ta. Tam Thánh thưa: Con tên Huệ Nhiên. Là song thâu. Kỳ thật là cơ hỗ hoán, thâu thì cả thảy đều thâu, phóng thì cả thảy đều phóng. Tuyết Đậu một lúc tụng hết rồi vậy. Ý Sư nói, nếu chẳng phóng thâu, nếu chẳng hỗ hoán thì ông là ông ta là ta, tổng lại chỉ là bốn chữ, vì sao ở trong đây lại ra vào cuộn duỗi ? Cổ nhân nói: Nếu ông đứng thì ta ngồi, nếu ông ngồi thì ta đứng. Nếu đồng ngồi đồng đứng, cả hai đều là kẻ mù. Đây là song thâu song phóng, khả dĩ làm tông yếu. Câu “cỡi cọp nguyên lai cốt bặt công” có cao phong như thế, cơ yếu tối thượng, cần cỡi liền cỡi, cần xuống liền xuống, chận đầu cọp cũng được, nắm đuôi cọp cũng được. Tam Thánh, Ngưỡng Sơn hai vị đều có phong cách này. Câu “cười dứt biết đi về đâu tá”, hãy nói Sư cười cái gì ? Thẳng được gió mát lạnh run, vì sao rốt sau lại nói “chỉ nên thiên cổ động bi phong”, cũng là chết mà chẳng điếu, một lúc vì ông chú giải xong. Dù cho người cả thiên hạ gặm nhấm chẳng vào, chẳng biết chỗ rơi. Kể cả Sơn tăng cũng chẳng biết chỗ rơi. Quí vị lại biết chăng ?

?

TẮC 69: NAM TUYỀN VẼ VÒNG TRÒN

LỜI DẪN: Chỗ không gặm nhấm, tâm ấn Tổ sư như máy trâu sắt, thoát khỏi rừng gai góc, hàng Thiền khách như một hạt tuyết trên lò lửa, trên đất bằng bảy xoi tám phủng thì gác lại, chẳng rơi chỗ vay mượn lại làm sao, thử cử xem ?

CÔNG ÁN: Nam Tuyền, Qui Tông, Ma Cốc đồng đi lễ bái Quốc sư Huệ Trung. Đến giữa đường, Nam Tuyền vẽ một vòng tròn trên đất, nói: Nói được thì đi. Qui Tông vào giữa vòng tròn ngồi. Ma Cốc giả làm người nữ lạy. Nam Tuyền nói: Thế ấy thì chẳng đi. Qui Tông nói: Là tâm hạnh gì ?

GIẢI THÍCH: Đương thời Mã Tổ giáo hóa hưng thạnh ở Giang Tây, Thạch Đầu đạo thạnh ở Hồ Tương, Quốc sư Huệ Trung đạo hóa ở Trường An. Quốc sư đích thân gặp Lục Tổ rồi về ở đây. Khi ấy phương Nam những người ngang đầu mọc sừng, không ai chẳng muốn đến nhà kia, vào thất kia. Nếu chẳng được vậy bị người chê cười. Ba lão này muốn đi lễ bái Quốc sư, đến giữa đường tạo ra một trường bại khuyết này. Nam Tuyền nói: Thế ấy thì chẳng đi. Đã là mỗi người đều nói được, tại sao nói chẳng đi ? Hãy nói ý cổ nhân thế nào ? Đương thời đợi Sư nói thế ấy thì chẳng đi, nhằm lỗ tai liền tát, xem Sư khéo léo thế nào ? Vạn cổ chấn hưng cương tông chỉ là cơ yếu nhỏ bé này. Vì thế, Từ Minh nói: “Cần lôi chỉ ở tại đầu dây, vạch được nắm được liền xoay, như đẩy quả bầu trên mặt nước.” Nhiều người bảo là lời không thừa nhận nhau. Đâu chẳng biết việc này đến chỗ tột cùng phải lìa bùn lìa nước, tháo chốt nhổ đinh. Nếu ông khởi hiểu tâm hạnh là không giao thiệp. Cổ nhân chuyển biến rất khéo, đến trong đây không được chẳng thế ấy, phải là có chết có sống. Xem kia một người vào trong vòng tròn ngồi, một người giả người nữ lễ bái, thật tài tình. Nam Tuyền bảo: Thế ấy thì chẳng đi. Qui Tông bảo: Là tâm hạnh gì ? Kẻ tầm thường lại thế ấy đi. Qui Tông nói thế ấy, cốt nghiệm Nam Tuyền. Nam Tuyền bình thường nói: Gọi là như như, sớm đã biến rồi. Nam Tuyền, Qui Tông, Ma Cốc lại là người ở trong một nhà, một bắt một thả, một chết một sống, quả thật kỳ đặc. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:            Do Cơ tiễn xạ viên

                        Nhiễu thọ hà thái trực

                        Thiên cá dữ vạn cá

                        Thị thùy tằng trúng đích.

                         Tương hô tương hoán qui khứ lai

                        Tào Khê lộ thượng hưu đăng bộ.

DỊCH:             Bắn khỉ tên Do Cơ

                        Quanh cây sao quá thẳng

                        Ngàn người cùng muôn người

                        Mấy ai từøng trúng đích.

                        Gọi nhau kêu nhau về lại đi

                        Tào Khê lộ ấy thôi tiến bước.

Lại nói: Con đường Tào Khê bình thản, tại sao thôi tiến bước ?

GIẢI TỤNG: Hai câu “Bắn khỉ tên Do Cơ, quanh cây sao quá thẳng”, Do Cơ là người nước Sở, họ Dưỡng, tên Thúc, tự Do Cơ. Khi ấy, vua Trang Vương nước Sở đi săn, thấy một con khỉ bạch, sai người bắn nó, con khỉ chụp tên rồi cười. Vua ra lệnh cả quần thần đều bắn nó, mà không có ai bắn trúng. Vua hỏi quần thần, quần thần tâu Do Cơ bắn giỏi nhất. Vua ra lệnh cho Do Cơ bắn. Do Cơ vừa giương cung, con khỉ ôm cây khóc, đến khi tên bay ra, con khỉ xoay quanh cây để núp, mũi tên cũng xoay quanh cây để trúng, đây là tên thần vậy. Tuyết Đậu vì sao nói rất thẳng ? Nếu rất thẳng thì chẳng trúng. Đã quanh cây cớ sao lại nói rất thẳng ? Tuyết Đậu mượn ý kia, quả thật dùng rất hay. Việc này xuất xứ trong Xuân Thu. Có người nói quanh cây là vòng tròn. Nếu thật như thế, người này thật chẳng biết tông chỉ của lời nói, đâu chẳng biết chỗ rất thẳng. Ba lão này đường khác mà đồng về một đạo, một loạt rất thẳng. Nếu biết được chỗ đi của kia, bảy dọc tám ngang chẳng rời tấc vuông, trăm sông khác dòng đồng về biển cả. Vì thế, Nam Tuyền nói: Thế ấy thì chẳng đi. Nếu là Thiền tăng chánh nhãn nhìn đến chỉ là đùa tinh hồn. Nếu nói là đùa tinh hồn lại chẳng phải đùa tinh hồn. Ngũ Tổ tiên sư nói: Ba vị này là Huệ Cự tam-muội, Trang Nghiêm Vương tam-muội. Tuy nhiên như thế, làm người nữ lạy, kia trọn chẳng hiểu theo làm người nữ lạy. Tuy vẽ vòng tròn, kia trọn chẳng hiểu theo vẽ vòng tròn. Đã chẳng hiểu thế ấy, phải hiểu thế nào ? Tuyết Đậu nói: “Ngàn người cùng muôn người, mấy ai từng trúng đích”, lại có mấy người trăm phát trăm trúng. “Gọi nhau kêu nhau về lại đi”, tụng Nam Tuyền nói: Thế ấy thì chẳng đi. Nam Tuyền từ đây lại chẳng đi, nên nói: “Tào Khê lộ ấy thôi tiến bước”, diệt sạch rừng gai góc. Tuyết Đậu nắm chẳng định, lại nói: “Con đường Tào Khê bình thản, tại sao thôi tiến bước ?” Con đường Tào Khê dứt bụi tuyệt dấu, bày rõ ràng trơ trơ bình thản chỗ an nhàn, tại sao lại thôi tiến bước ? Mỗi người tự xem gót chân mình ?

?

TẮC 70: QUI SƠN THỈNH HÒA THƯỢNG NÓI

LỜI DẪN: Người khéo một lời, ngựa giỏi một roi, muôn năm một niệm, một niệm muôn năm, cần biết thẳng tắt trước khi chưa cử. Hãy nói trước khi chưa cử làm sao dò tìm, mời cử xem ?

CÔNG ÁN: Qui Sơn, Ngũ Phong, Vân Nham đồng đứng hầu Bá Trượng. Bá Trượng hỏi Qui Sơn: Dẹp hết cổ họng môi mép, làm sao nói ? Qui Sơn thưa: Thỉnh Hòa thượng nói. Bá Trượng bảo: Ta chẳng từ nói với ông, chỉ e về sau mất hết con cháu.

GIẢI THÍCH: Qui Sơn, Ngũ Phong, Vân Nham đồng đứng hầu Bá Trượng. Bá Trượng hỏi Qui Sơn: Dẹp hết cổ họng, môi mép làm sao nói ? Qui Sơn thưa: Thỉnh Hòa thượng nói. Bá Trượng bảo: Ta chẳng từ nói với ông, chỉ e về sau mất hết con cháu của ta. Bá Trượng tuy nhiên như thế, cái nồi đã bị người khác cướp rồi. Bá Trượng lại hỏi Ngũ Phong. Ngũ Phong thưa: Hòa thượng cũng phải dẹp hết. Bá Trượng nói: Chỗ không người vạch trán nhìn ông. Bá Trượng hỏi Vân Nham, Vân Nham thưa: Hòa thượng có hay chưa ? Bá Trượng nói: Mất hết con cháu của ta. Ba người mỗi vị một nhà. Cổ nhân nói: Trên đất bằng người chết vô số, qua được rừng gai góc là người tay khéo. Vì thế hàng tông sư đem rừng gai góc nghiệm người. Cớ sao ? Nếu ở dưới câu thường tình nghiệm người chẳng được. Hàng Thiền khách cần phải trong câu trình cơ, trong lời biện mục đích. Nếu là kẻ gánh bản, phần đông nhằm trong câu mà chết, nghe nói dẹp hết cổ họng môi mép thì không có chỗ mở miệng. Nếu là người biến thông, có sóng ngược nước, chỉ nhằm trên câu hỏi có lối đi, tay chẳng bị thương tích. Qui Sơn thưa: Thỉnh Hòa thượng nói. Hãy nói ý nghĩ thế nào ? Trong đây như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp, nhân chỗ hỏi kia liền đáp, tự có con đường xuất thân, chẳng tốn mảy may khí lực. Vì thế nói, kia tham câu sống chẳng tham câu chết. Bá Trượng chẳng biện kia, chỉ nói chẳng từ nói với ông, chỉ e về sau mất hết con cháu của ta. Đại phàm bậc Tông sư vì người phải nhổ đinh tháo chốt. Như người nay nói: Đáp này chẳng thừa nhận, kia không lãnh thoại. Đâu chẳng biết trong đây một đường sanh cơ, vách đứng ngàn nhẫn, khách chủ lẫn kéo, sống linh động. Tuyết Đậu mến lời của Qui Sơn, phong cách uyển chuyển tự tại, lại hay nắm vững phong cương, vì thế tụng ra:

TỤNG:   Khước thỉnh Hòa thượng đạo

                Hổ đầu sanh giác xuất hoang thảo

                Thập châu xuân tận hoa điêu tàn

                San-hô thọ lâm nhật cảo cảo.

DỊCH:    Lại thỉnh Hòa thượng nói

                Đầu cọp mọc sừng ra cỏ hoang

                Mười châu xuân hết hoa điêu tàn

                Rừng cây san-hô nhật sáng rỡ.

GIẢI TỤNG: Chỗ đáp của ba vị này mỗi mỗi chẳng đồng, có vách đứng ngàn nhẫn, có chiếu dụng đồng thời, có tự cứu chẳng xong. Câu “lại thỉnh Hòa thượng nói”, Tuyết Đậu nhằm trong câu này trình cơ xong vậy. Lại đến trong ấy đẩy nhẹ nhẹ khiến người dễ thấy. Nói “đầu cọp mọc sừng ra cỏ hoang”, chỗ đáp của Qui Sơn giống như cọp mạnh trên đầu mọc sừng, có cách nào lại gần được ? Tăng hỏi La Sơn: Khi đồng sanh chẳng đồng tử thì thế nào ? Sơn đáp: Như trâu không sừng. Tăng hỏi: Khi đồng sanh cũng đồng tử thì thế nào ? Sơn đáp: Như cọp mọc sừng. Tuyết Đậu chỉ một câu tụng xong. Sư có thừa tài chuyển biến, lại nói “mười châu xuân hết hoa điêu tàn”. Trên biển có ba núi mười châu, lấy một trăm năm làm một mùa xuân. Tuyết Đậu lời nói có phong cách uyển chuyển bàng bạc, mùa xuân hết trăm ngàn muôn gốc hoa đồng thời điêu tàn. Chỉ riêng “rừng cây san-hô nhật sáng rỡ”, chẳng bị tàn rụng, cùng mặt trời đoạt ánh sáng, soi chiếu lẫn nhau, chính khi ấy thật là kỳ đặc. Tuyết Đậu dùng hình ảnh này để rõ câu “lại thỉnh Hòa thượng nói”. Mười châu đều là chỗ phụ cận của Hải Ngoại Chư Quốc: 1) Tổ Châu: sản xuất phản hồn hương. 2) Doanh Châu: sản xuất cỏ thơm, ngọc thạch, nước suối như vị rượu. 3) Huyền Châu: sản xuất thuốc tiên uống vào sống mãi. 4) Trường Châu: sản xuất mộc qua, ngọc anh. 5) Viêm Châu: sản xuất lửa giặt vải. 6) Nguyên Châu: sản xuất suối linh như mật. 7) Sanh Châu: có núi sông không nóng lạnh. 8) Phụng Lân Châu: người lấy mỏ phụng sừng lân nấu làm keo nối dây. 9) Tụ Huyệt Châu: sản xuất loại sư tử đầu đồng trán sắt. 10) Đàn Châu: sản xuất đá côn ngô làm kiếm, chặt ngọc như bùn. San-hô trong Ngoại Quốc Tạp Truyện nói: Đại Tần về phía Tây Nam trong biển rộng độ bảy tám trăm dặm đến châu San-hô, đáy châu có bàn thạch, san-hô sanh trên đá đó, người dùng lưới sắt để lấy san-hô. Lại trong Thập Châu Ký nói: San-hô sanh đáy biển Nam, như cây cao hai ba thước, có cành không da, giống như ngọc đượm nhuần màu đỏ, cảm với mặt trăng mà sanh, ở đầu cành đều có vầng sáng của mặt trăng.

ML
01
02
03
04
05
06
07
08
09
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

chiều 永代 墓 VÃƒÆ 천수경듣기 สโตร ส รา æˆ å šæ 位牌 文字入れ gioi PhÃp GiÃi 印顺法师关于大般涅槃经 七五三 小山 礼赞国庆作文 à 山風蠱 高島 nguon goc va y nghia cua tet trung thu tÃÆ dao 9 cach phat bo de tam Phật giáo Hoa mướp trước sân ブッダの教えポスター thiê เพรงดนต ฟ 合祀 bình yên đến bình yên đi Địa tạng สรวงส ดา สงร กษ lムSài Gòn đỏng đảnh quan the am ï¾ ï½ æåŒ å æžœ đơn gia n chi la mô t câu xin lô i 村上市お墓 佛家说身后是什么意思 những hạt ngọc thầy trao æ ˆå ƒ 簡単便利戒名授与水戸 士用果 阿彌陀經教材 Ï Phật Nhập từ Tam muội phóng sinh Việc của năm cũ qua đi 大安法师讲五戒 Sóng 河南有专属的佛教 慧 佛學 Ngôi