.
BÍCH NHAM LỤC
Tác giả:Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980
ML
01
02
03
04
05
06
07
08
09
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
TẮC 26: BÁ TRƯỢNG NGỒI RIÊNG 

NGỌN ĐẠI HÙNG

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Bá Trượng: Thế nào là việc kỳ đặc ? Bá Trượng đáp: Ngồi riêng ngọn Đại Hùng. Tăng lễ bái. Bá Trượng liền đánh.

GIẢI THÍCH: Gặp cơ đủ mắt chẳng đoái nguy vong, cho nên nói chẳng vào hang cọp đâu được cọp con. Bá Trượng bình thường dường như cọp thêm cánh. Vị Tăng này cũng chẳng sợ chết sống, dám nhổ râu cọp, nên hỏi thế nào là việc kỳ đặc ? Ông Tăng này đã đủ con mắt sáng, nên Bá Trượng cho ông gánh vác, nói “Ngồi riêng núi Đại Hùng”. Ông liền lễ bái. Thiền tăng phải biện biệt ý trước khi hỏi mới được. Vị Tăng này lễ bái cùng việc lễ bái hằng ngày chẳng đồng, phải là người đủ mắt sáng mới được. Chớ đem gan mật bình sanh trút cho người, biết nhau lại như chẳng biết nhau. Chỉ xem vị Tăng hỏi: Thế  nào  là việc kỳ đặc ? Bá Trượng nói: Ngồi riêng núi Đại Hùng. Tăng lễ bái, Bá Trượng liền đánh. Xem kia buông đi đồng thời đều phải, thâu lại thì quét sạch dấu vết. Hãy nói vị Tăng liền lễ bái, ý chỉ thế nào ? Nếu bảo là tốt, tại sao Bá Trượng lại đánh ông ? Nếu bảo là chẳng tốt, ông lễ bái có chỗ nào chẳng được ? Đến trong đây phải biết hay dở, rành trắng đen, đứng trên ngàn ngọn núi mới được. Vị Tăng này liền lễ bái, giống như nhổ râu cọp, chỉ giành chỗ chuyển thân. May gặp Bá Trượng có con mắt tại đảnh môn, trong tay có thần phù chiếu thấu bốn thiên hạ, biện rõ lai phong, cho nên liền đánh. Nếu là kẻ khác thì không làm gì được y. Vị Tăng này lấy cơ đầu cơ, dùng ý dẹp ý, cho nên lễ bái.

Như Nam Tuyền nói: Canh ba đêm qua Văn-thù, Phổ Hiền, khởi Phật kiến, pháp kiến, cho mỗi vị hai mươi gậy, đày đến hai ngọn núi Thiết Vi. Triệu Châu ra chúng thưa: Gậy của Hòa thượng bảo ai ăn ? Nam Tuyền nói: Vương lão sư có lỗi gì ? Triệu Châu liền lễ bái. 

Bậc Tông sư bình thường chẳng thấy chỗ thọ dụng, vừa gặp lúc đương cơ nêu ra, tự nhiên sống linh động. Ngũ Tổ tiên sư thường nói: “Giống như hai con ngựa đá nhau, ông chỉ thường tập thấy nghe thanh sắc, đồng thời ngồi dứt, nắm được đứng, làm được chủ, mới thấy Bá Trượng kia.” Hãy nói khi buông ra phải làm sao ? Xem Tuyết Đậu tụng:

TỤNG:  Tổ vức giao trì thiên mã câu              

               Hóa môn thơ quyện bất đồng đồ

               Điện quang thạch hỏa tồn cơ biến

               Kham tiếu nhân lai loát hổ tu.

DỊCH:   Đất Tổ danh lừng thiên mã câu

               Cuộn bày cửa hóa chẳng đồng đường

               Điện quang đá nháng còn cơ biến

               Cười ngất người kia nhổ râu hùm.

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu thấy tột mới tụng ra. Thiên mã câu là con ngựa chạy một ngày một ngàn dặm, chạy dọc chạy ngang nhanh như bay. Tuyết Đậu tụng ý nói Bá Trượng ở trong đất Tổ, bên Đông chạy sang bên Tây, bên Tây chạy sang bên Đông, một qua một lại, bảy dọc tám ngang, toàn không chút ngại giống như thiên mã câu. Khéo hay qua lại mới thấy chỗ tự do, đó là được đại cơ đại dụng của Mã Tổ.

Có vị Tăng hỏi Mã Tổ: Thế nào là đại ý Phật pháp ? Mã Tổ liền đánh, nói: Nếu ta chẳng đánh ngươi thì người trong thiên hạ sẽ cười ta. Tăng lại hỏi: Thế nào là ý Tổ sư Tây sang ? Mã Tổ bảo: Lại gần đây, vì ông nói. Tăng lại gần, Mã Tổ tát vào tai, nói: Sáu cái chẳng đồng mưu.

Thế là đủ thấy Ngài được tự do tự tại. Trong chỗ dựng lập hóa môn, hoặc bày ra hoặc cuộn lại. Có khi bày chẳng ở chỗ cuộn, có khi cuộn chẳng ở chỗ bày, có khi cuộn bày đều chẳng còn. Vì thế nói đồng đường mà chẳng đồng dấu. Câu tụng này là nói Bá Trượng có được thủ thuật ấy. 

Tuyết Đậu tụng “Điện quang đá nháng còn cơ biến”, là nói vị Tăng này như làn điện chớp, tợ chọi đá nháng lửa, chỉ ở trong phút giây cơ biến. Nham Đầu nói: Buông vật là thượng, theo vật là hạ. Nếu luận về pháp chiến mỗi mỗi phải ở chỗ chuyển. Tuyết Đậu nói: Bánh xe từng chưa chuyển, chuyển ắt chạy hai đầu. Nếu chuyển chẳng được, có dùng vào chỗ nào ? Bậc đại trượng phu phải biết chút cơ biến mới được. Người nay chỉ quản cung ứng kinh phí cho người, bị người xỏ lỗ mũi, biết bao giờ liễu ngộ. Vị Tăng này ở trong chỗ điện xẹt lửa nháng khéo được cơ biến, liền lễ bái. Tuyết Đậu tụng “Cười ngất người kia nhổ râu hùm”, nói Bá Trượng như con cọp to, cười ngất vị Tăng này đến nhổ râu cọp.

?

TẮC 27: VÂN MÔN THÂN BÀY GIÓ THU

LỜI DẪN: Hỏi một đáp mười, nêu một rõ ba, thấy thỏ thả chim ưng, nhân gió thổi lửa, chẳng tiếc lông mày hãy gác lại, như khi vào hang cọp thì thế nào, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Vân Môn: Khi lá rụng cành khô thì thế nào? Vân Môn đáp: Thân bày gió thu.     

GIẢI THÍCH: Nếu nhằm trong ấy tiến được mới thấy chỗ vì người của Vân Môn. Kia nếu chẳng được thế, vẫn như xưa là kẻ chỉ nai cho là ngựa, mắt mờ tai điếc, người nào đến cảnh giới này ? Hãy nói Vân Môn đáp thoại cho người, hay vì người thù xướng ? Nếu nói đáp thoại cho người là nhận lầm trái cân bàn (một tiêu chuẩn cố định). Nếu nói vì người thù xướng thì nào có dính dáng. Đã chẳng thế ấy, cứu cánh thế nào ? Nếu ông thấy được thấu thì lỗ mũi Thiền tăng chẳng nhọc một cái ấn tay. Kia nếu chẳng được thế, như xưa đi thẳng vào trong hang quỉ. Phàm là người dựng lập tông thừa, phải là toàn thân gánh vác, chẳng tiếc lông mày, nhằm miệng cọp nằm ngang, mặc nó lôi ngang kéo dọc. Nếu chẳng như thế đâu thể vì người được. Ông Tăng này đặt câu hỏi thật là hiểm hóc, nếu lấy việc tầm thường nhìn ông chỉ giống một vị Tăng nhàn rỗi. Nếu căn cứ vào dưới cửa Thiền tăng, trong chỗ mạng mạch mà xem, quả thật có chỗ diệu. Thử nói lá rụng cành khô là cảnh giới của người nào ? Trong mười tám lối hỏi, lối hỏi này là “Biện chủ”, cũng gọi là “Tá sự vấn”. Vân Môn chẳng dời đổi một mảy tơ, chỉ nhằm ông nói “Thân bày gió thu”. Đáp rất hay, cũng chẳng cô phụ câu hỏi của người. Bởi vì chỗ hỏi kia có mắt sáng, chỗ đáp cũng đúng đắn. Người xưa nói: Muốn được thân thiết chớ đem hỏi đến hỏi. Nếu là tri âm, nói ra liền biết chỗ rơi. Nếu ông nhằm trong ngữ mạch của Vân Môn mà tìm thì lầm rồi. Chỉ là trong câu của Vân Môn, phần nhiều thích gợi tình giải của người. Nếu dùng tình giải hiểu, chưa khỏi vùi lấp con cháu của ta. Vân Môn thích cỡi ngựa giặc đuổi giặc như thế. Đâu chẳng thấy Tăng hỏi: Thế nào là chỗ phi tư lương ? Vân Môn đáp: Thức tình khó lường. Vị Tăng này hỏi: Khi lá rụng cành khô thì thế nào ? Vân Môn đáp: Thân bày gió thu. Trong câu quả thật chặt đứt yếu tân, chẳng thông phàm Thánh, phải hiểu Sư cử một rõ ba, cử ba rõ một. Nếu ông trong ba câu đó mà tìm thì nhổ tên sau ót. Trong một câu của Sư phải đủ ba câu: - phú cái càn khôn - tùy ba trục lãng - cát tiệt chúng lưu, tự nhiên thích hợp. Vân Môn trong ba câu, hãy nói dùng câu nào tiếp người, thử biện xem ?

TỤNG:            Vấn ký hữu tông

                        Đáp diệc du đồng

                        Tam cú khả biện

                        Nhất thốc liêu không.

                        Đại dã hề lương tiêu táp táp

                        Trường thiên hề sơ vũ mông mông.

                        Quân bất kiến

                        Thiếu Lâm cửu tọa vị qui khách

                        Tịnh y Hùng Nhĩ nhất tòng tòng.

DỊCH:             Hỏi đã có tông

                        Đáp cũng vẫn đồng

                        Ba câu khá biện

                        Một mũi băng không.

                        Đồng rộng chừ vèo vèo gió mát

                        Trời dài chừ lấm tấm mưa thưa.

                        Anh chẳng thấy

                        Thiếu Lâm ngồi lâu chưa về khách

                        Lặng nương Hùng Nhĩ một rặng tùng.

GIẢI TỤNG: Người xưa nói: Nương lời cần hiểu tông, chớ tự lập qui củ. Lời nói người xưa không rỗng, nên nói phàm hỏi việc cần biết chút ít tốt xấu, nếu chẳng biết tôn ti đi đến, chẳng biết chạm tịnh, tha hồ nói loạn, có chỗ nào lợi ích. Phàm phát lời nhả hơi phải như cái kềm, cái nhíp, có móc, có khóa, phải là tương tục chẳng dứt mới được. Vị Tăng này chỗ hỏi có tông chỉ, Vân Môn chỗ đáp cũng vậy. Vân Môn bình thường dùng ba câu tiếp người, đây là cực tắc. Tuyết Đậu tụng công án này với công án của Đại Long tương tợ. “Ba câu khá biện”, trong một câu đủ ba câu, nếu biện được thì thoát ngoài ba câu. “Một mũi băng không”, chữ “thốc” là mũi tên bắn đi rất xa, phải chú mắt nhìn nhanh mới thấy. Nếu thấy được rõ ràng có thể dưới một câu khai triển cả đại thiên sa giới. Đến đây đã tụng xong. Tuyết Đậu có dư tài, triển khai tụng ra: “Đồng rộng chừ vèo vèo gió mát, trời dài chừ lấm tấm mưa thưa.” Hãy nói là tâm hay cảnh, là huyền hay diệu ? Người xưa nói: Pháp pháp chẳng ẩn tàng, xưa nay thường hiển lộ. Tăng hỏi: Khi lá rụng cành khô thì thế nào ? Vân Môn đáp: Thân bày gió thu. Tuyết Đậu ý chỉ làm một cảnh, như hiện nay trước mắt gió phất phất, chẳng phải gió Đông Nam tức gió Tây Bắc, cần phải hiểu thế ấy mới được. Nếu ông khởi hiểu thiền đạo, liền không dính dáng. “Anh chẳng thấy Thiếu Lâm ngồi lâu chưa về khách”, khi Tổ Đạt-ma chưa về Tây thiên, chín năm ngồi xây mặt vào vách lặng yên. Đây là “Lá rụng cành khô” hay “Thân bày gió thu”? Nếu nhằm trong đây sạch cổ kim phàm Thánh, càn khôn đại địa nhồi thành một khối, mới thấy rõ chỗ vì người của Vân Môn, Tuyết Đậu. “Lặng nương Hùng Nhĩ một rặng tùng”, Hùng Nhĩ tức là Thiếu Lâm tại Tung Sơn ở Tây Kinh. Phía trước núi có ngàn vạn lớp tùng, sau núi cũng có ngàn vạn lớp tùng. Các ông nhằm chỗ nào thấy ? Lại thấy chỗ Tuyết Đậu vì người chăng ? Cũng là rùa linh lê đuôi. 

?

TẮC 28: NAM TUYỀN PHÁP CHẲNG NÓI

CÔNG ÁN: Nam Tuyền đến tham vấn Hòa thượng Niết-bàn ở núi Bá Trượng. Bá Trượng hỏi: Từ trước chư Thánh lại có pháp chẳng vì người nói chăng ? Nam Tuyền đáp: Có. Bá Trượng hỏi: Thế nào là pháp chẳng vì người nói ? Nam Tuyền đáp: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật. Bá Trượng bảo: Nói rồi vậy. Nam Tuyền hỏi: Con chỉ thế ấy, Hòa thượng thế nào ? Bá Trượng bảo: Ta chẳng phải đại thiện tri thức, đâu biết có nói chẳng nói. Nam Tuyền thưa: Con chẳng hội. Bá Trượng bảo: Ta rất vì ông nói xong.

GIẢI THÍCH: Đến trong đây cũng chẳng tiêu tức tâm chẳng tức tâm, chẳng tiêu phi tâm chẳng phi tâm, thẳng đó từ đầu đến chân một sợi lông mày cũng không, vẫn còn đôi chút so sánh. Tức tâm phi tâm, Thiền sư Thọ cho đó là biểu thuyên và giá thuyên. Hòa thượng Niết-Bàn tức là Thiền sư Pháp Chánh, khi xưa ở Bá Trượng làm Tây Đường, bảo chúng khai điền vì nói đại nghĩa. Khi ấy, Nam Tuyền đã gặp Mã Tổ xong, chỉ cần đến các nơi để quyết trạch. Bá Trượng đặt câu hỏi rất khó đáp: “Từ trước chư Thánh lại có pháp chẳng vì người nói chăng?” Nếu là Sơn tăng chỉ bịt tai đi ra, xem ông già này một trường rối loạn. Nếu là hàng tác gia, thấy Sư hỏi thế ấy liền biết phá được. Nam Tuyền cứ chỗ thấy đáp: Có. Thế là Mạnh Bát Lang. Bá Trượng bèn đem lầm đến lầm, theo sau nói: Thế nào là pháp chẳng vì người nói ? Nam Tuyền đáp: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật. Lão này thích xem mặt trăng trên trời, rơi mất hạt châu trong tay. Bá Trượng bảo: Nói rồi vậy. Đáng tiếc thay! Vì kia chú phá. Ngay khi ấy chỉ nhằm xương sống mà đánh, cho kia biết đau nhức. Tuy nhiên như thế, ông hãy nói chỗ nào là chỗ nói rồi ? Cứ chỗ thấy của Nam Tuyền “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật” là chưa từng nói đến. Thử hỏi các ông, tại sao lại bảo “Nói rồi”? Dưới lời của Sư không có dấu vết. Nếu bảo Sư chẳng nói, vì sao Bá Trượng lại nói thế ấy ? Nam Tuyền là người biến thông, liền theo sau một cái đẩy, “Con chỉ thế ấy, Hòa thượng lại thế nào?” Nếu là kẻ khác chưa khỏi bối rối, đâu ngờ Bá Trượng là hàng tác gia, chỗ đáp quả thật kỳ đặc. “Ta chẳng phải là đại thiện tri thức, đâu biết có nói không nói.” Nam Tuyền thưa: Con chẳng hội. Thế là Sư hội rồi mà nói chẳng hội hay thật không hội ? Bá Trượng bảo: Ta rất vì ông nói xong. Hãy nói chỗ nào là chỗ nói ? Nếu là kẻ đùa hòn đất thì cả hai lộn xộn. Nếu cả hai đều là tác gia thì như gương sáng tại đài. Kỳ thật phần trước cả hai đều tác gia, phần sau cả hai đều bỏ qua. Nếu là người đủ mắt sáng thì rõ ràng nghiệm lấy. Hãy nói làm sao nghiệm kia, xem Tuyết Đậu tụng:

TỤNG:  Tổ Phật tùng lai bất vị nhân

               Nạp tăng kim cổ cạnh đầu tẩu

               Minh cảnh đương đài liệt tượng thù

               Nhất nhất diện Nam khán Bắc Đẩu

               Đẩu bỉnh thùy, vô xứ thảo

               Niêm đắc tỷ khổng, thất khước khẩu.

DỊCH:   Tổ Phật xưa nay chẳng vì người

               Thiền tăng kim cổ đua nhau chạy

               Gương sáng tại đài tướng lạ bày

               Mỗi mỗi hướng Nam nhìn Bắc Đẩu

               Chuôi sao duỗi, không chỗ tìm

               Nắm được lỗ mũi, mất đi miệng.

GIẢI TỤNG: Phật Thích-ca ra đời bốn mươi chín năm chưa từng nói một lời, trước từ nước Quang Diệu sau đến sông Bạt-đề, ở trong khoảng giữa chưa từng nói một lời. Nói thế ấy là có nói hay chẳng nói ? Như hiện nay đầy Long Cung tràn Hải Tạng, làm sao bảo chẳng nói? Hãy nghe Tu Sơn Chủ nói: Chư Phật chẳng xuất thế, bốn mươi chín năm nói, Đạt-ma chẳng Tây sang, Thiếu Lâm có diệu quyết. Lại nói: Chư Phật chẳng từng ra đời, cũng không một pháp cho người, chỉ xem tâm chúng sanh, tùy cơ hợp bệnh cho thuốc, bày phương tiện, nên có ba thừa mười hai phần giáo. Kỳ thật Phật Tổ từ xưa đến nay chưa từng vì người nói. Chỉ cái không vì người, phải khéo tham cứu tường tận. Sơn tăng thường nói: Nếu là thêm một câu, nếm ngọt ngào như đường mật, chín chắn xem ra quả là độc dược. Nếu nhằm xương sống đánh, nhằm miệng vả, đẩy ra ngoài, mới là thân thiết vì người. Thiền tăng xưa nay đua nhau chạy, khắp nơi phải cũng hỏi, chẳng phải cũng hỏi, hỏi Phật, hỏi Tổ, hỏi hướng thượng hướng hạ. Tuy nhiên như thế, nếu chưa đến trong điền địa này, cũng không thể thiếu được như “Gương sáng tại đài tướng lạ bày”, chỉ tiêu một câu có thể biện được rõ ràng. Người xưa nói: Vạn tượng sum la là sở ấn của một pháp. Lại nói: Sum la và vạn tượng thảy ở trong ấy tròn đầy. Đại sư Thần Tú nói: “Thân là cây bồ-đề, tâm như đài gương sáng, luôn luôn phải lau chùi, chớ để dính bụi bặm.” Ngài Đại Mãn bảo: “Ông chỉ ở ngoài cửa.” Tuyết Đậu nói thế ấy, hãy nói ở trong cửa hay ở ngoài cửa ? Cả thảy các ông mỗi người có một tấm gương xưa, sum la vạn tượng dài ngắn vuông tròn, mỗi mỗi đều hiển hiện ở trong đó. Nếu ông đến chỗ dài ngắn mà hiểu, chợt dò tìm chẳng được. Thế nên, Tuyết Đậu nói: “Gương sáng tại đài tướng lạ bày”, lại phải là “Mỗi mỗi hướng Nam nhìn Bắc Đẩu”. Đã là hướng Nam tại sao lại xem Bắc Đẩu? Nếu thế ấy hội được, mới thấy chỗ Bá Trượng, Nam Tuyền thấy nhau. Hai câu này tụng chỗ Bá Trượng đẩy tạt qua, nói: “Ta chẳng phải đại thiện tri thức, đâu biết có nói không nói.” Tuyết Đậu tụng đến đây bị rơi vào nước chết, ngại người hiểu lầm, liền đề khởi lên: Chính nay trước mắt chuôi sao duỗi, ông lại đến chỗ nào tìm ? Ông vừa nắm được lỗ mũi, mất đi miệng, nắm được miệng mất đi lỗ mũi rồi vậy.      

?

TẮC 29: ĐẠI TÙY THEO KIA ĐI

LỜI DẪN: Cá lội nước đục, chim bay lông rụng, biện rõ chủ khách phân rành trắng đen. Giống như gương sáng tại đài, minh châu trong tay, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán, bày thanh hiển sắc. Hãy nói vì sao như thế, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Đại Tùy: Kiếp hỏa cháy rực đại thiên đều hoại, chưa biết cái này hoại chẳng hoại? Đại Tùy đáp: Hoại. Tăng hỏi: Thế thì theo kia đi? Đại Tùy đáp: Theo kia đi.

GIẢI THÍCH: Hòa thượng Chơn Như ở Đại Tùy kế thừa Thiền sư Đại An. Sư người huyện Diêm Đình, Đông Xuyên, đi tham vấn hơn sáu mươi vị thiện tri thức. Xưa khi ở trong hội Qui Sơn, Sư làm đầu bếp, một hôm Qui Sơn hỏi: Con ở đây nhiều năm mà không biết đặt một câu hỏi xem thế nào ? Sư  thưa: Bảo con hỏi cái gì mới được ? Qui Sơn bảo: Sao con chẳng hỏi thế nào là Phật ? Sư liền lấy tay bụm miệng Qui Sơn. Qui Sơn nói: Ngươi về sau tìm một người quét đất cũng không. Sau Sư trở về Đông Xuyên, trước cất quán trà trên con đường lên núi Bằng Khẩu để tiếp đãi người qua lại, đến ba năm. Sau Sư khai đường dạy chúng, trụ ở Đại Tùy. Có vị Tăng hỏi: Kiếp hỏa cháy rực đại thiên đều hoại, chưa biết cái này hoại chẳng hoại ? Vị Tăng này chỉ y cứ vào kinh điển đến hỏi. Trong kinh nói: Thành trụ hoại không, khi kiếp tam tai dấy khởi hoại đến cõi trời Tam Thiền. Vị Tăng này xưa nay chưa biết chỗ rơi của thoại đầu. Cái này là gì ? Nhiều người khởi tình giải nói: cái này là bản tánh của chúng sanh. Đại Tùy nói: Hoại. Vị Tăng hỏi: Thế ấy thì theo kia đi ? Đại Tùy đáp: Theo kia đi. Chỉ cái này bao nhiêu người tình giải dò tìm chẳng được. Nếu nói theo kia đi thì ở chỗ nào ? Nếu nói chẳng theo kia đi, lại tại sao không thấy ? Nên nói: Muốn được thân thiết chớ đem hỏi đến hỏi. Sau có vị Tăng hỏi Tu Sơn Chủ: Kiếp hỏa cháy rực đại thiên đều hoại, chưa biết cái này hoại chẳng hoại ? Tu Sơn Chủ đáp: Chẳng hoại. Tăng hỏi: Vì sao chẳng hoại ? Tu Sơn Chủ đáp: Vì đồng với đại thiên, hoại cũng bít lấp giết người, chẳng hoại cũng bít lấp giết người. Vị Tăng kia đã chẳng hiểu lời nói của Đại Tùy, song y chẳng ngại lấy việc này làm niệm, mang nghi vấn thẳng đến núi Đầu Tử ở Thơ Châu. Đầu Tử hỏi: Vừa rời chỗ nào ? Tăng thưa: Núi Đại Tùy ở Tây Thục. Đầu Tử hỏi: Đại Tùy có ngôn cú gì ? Tăng liền nhắc lại lời hỏi trước. Đầu Tử thắp hương lễ bái nói: Tây Thục có cổ Phật ra đời, ông nên trở lại mau. Vị Tăng trở về đến Đại Tùy thì Đại Tùy đã tịch. Vị Tăng này một trường rối loạn. Sau đời Đường có vị tăng Cảnh Tuân đề Đại Tùy:

               Rõ ràng không pháp khác

               Ai nói ấn Nam Năng           

               Một câu theo lời họ

               Thiền tăng chạy núi ngàn

               Dế lạnh kêu đống lá

               Quỉ đêm lễ lồng đèn

               Ngâm xong ngoài song lẻ

               Bồi hồi hận chẳng cùng.

Vì thế, dưới đây Tuyết Đậu dẫn hai câu này tụng ra. Hiện nay chẳng được khởi hiểu hoại, cũng chẳng được khởi hiểu không hoại, cứu kính hiểu thế nào ? Để mắt xem nhanh!

TỤNG:  Kiếp hỏa quang trung lập vấn đoan

               Nạp tăng du trệ lưỡng trùng quang

               Khả lân nhất cú tùy tha ngữ

               Vạn lý khu khu độc vãng hoàn.

DỊCH:   Kiếp hỏa sáng ngời hỏi thành câu

               Thiền tăng còn kẹt cổng hai vòng

               Đáng thương chỉ một lời theo đấy

               Muôn dặm nhọc nhằn riêng tới lui.           

GIẢI TỤNG: Tuyết Đậu đương cơ tụng ra, trong câu có chỗ xuất thân “Kiếp hỏa sáng ngời hỏi thành câu, Thiền tăng còn kẹt cổng hai vòng”, chỗ hỏi của vị Tăng trước ôm ấp hoại cùng chẳng hoại là kẹt hai tầng cổng. Nếu là người được thì nói hoại cũng có chỗ xuất thân, nói chẳng hoại cũng có chỗ xuất thân. Hai câu “Đáng thương chỉ một lời theo đấy, muôn dặm nhọc nhằn riêng tới lui”, tụng vị Tăng mang câu hỏi đến Đầu Tử, lại trở về Đại Tùy, đáng gọi là muôn dặm nhọc nhằn.

?

TẮC 30: TRIỆU CHÂU CỦ CẢI TO

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: Được nghe Hòa thượng thân kiến Nam Tuyền phải chăng? Triệu Châu đáp: Ở Trấn Châu phát xuất củ cải to.

GIẢI THÍCH: Vị Tăng này cũng thuộc hạng tham cứu lâu, trong câu hỏi quả là có mắt. Đâu ngờ Triệu Châu là hàng tác gia, liền đáp: Ở Trấn Châu phát xuất củ cải to. Đáng gọi là lời nói vô vị, bít lấp miệng người. Lão này giống như kẻ cướp ban ngày, ông vừa mở miệng liền móc tròng mắt của ông. Nếu là kẻ đặc đạt anh linh, ngay đó nhằm trong khoảng đá nháng điện xẹt, vừa nghe nói đến liền đi. Nếu là lặng nghĩ dừng suy chẳng khỏi tan thân mất mạng. Ở Giang Tây, Trừng Tán Thánh Phán nói đó là hỏi đông đáp Tây, bảo là chẳng  đáp  thoại, chẳng vào lồng vào lọp của người. Nếu hiểu thế ấy đâu thể được. Viễn Lục Công nói: Đây là lời nhìn bên, nằm trong cửu đới. Nếu hiểu thế ấy, khi mộng cũng chưa mộng  thấy, lại còn đới lụy Triệu Châu. Có người nói: Ở Trấn Châu từ xưa đến giờ sản xuất củ cải to, mọi người đều biết, Triệu Châu từ khi đến tham kiến Nam Tuyền mọi người đều biết. Vị Tăng này đến hỏi: Được nghe Hòa thượng thân kiến Nam Tuyền phải chăng ? Vì thế Triệu Châu dùng Trấn Châu xuất phát củ cải to để đáp. Hiểu thế thật là không dính dáng. Trọn chẳng được hiểu thế ấy, cứu cánh làm sao hiểu ? Nhà mỗi người tự có đường thấu trời. Đâu chẳng thấy có vị Tăng hỏi Cửu Phong: được nghe Hòa thượng thân kiến Diên Thọ phải chăng, Cửu Phong đáp: Trước núi mạch chín chưa ? Đây hợp với lời Triệu Châu đáp cho vị Tăng, giống như hai cái chùy sắt không lỗ. Lão Triệu Châu là người vô sự, ông nhè nhẹ hỏi đến, liền móc tròng mắt ông. Nếu là người “tri hữu” nhai kỹ thấy thú vị. Nếu là người “chẳng tri hữu” giống như ngốn nuốt trái táo.

TỤNG:   Trấn Châu xuất đại la bặc

                Thiên hạ Nạp tăng thủ tắc

                Chỉ tri tự cổ tự kim

                Tranh biện hộc bạch ô hắc

                Tặc ! Tặc !

                Nạp tăng tỹ khổng tằng niêm đắc.

DỊCH:    Trấn Châu sản xuất củ cải

                Thiền tăng khắp nơi giữ tắc

                Chỉ biết tự xưa tự nay

                Nào biện quạ đen hộc trắng

                Giặc ! Giặc !

                Lỗ mũi Thiền tăng từng nắm được.

GIẢI TỤNG: Câu “Trấn Châu sản xuất củ cải to”, nếu ông chấp đó làm cực tắc sớm đã lầm rồi. Người xưa nắm tay tiến lên núi cao chưa khỏi kẻ bàng quan cười. Mọi người đều biết nói cái này là cực tắc, mà cứu cánh không biết chỗ cực tắc. Vì thế Tuyết Đậu nói “Thiền tăng khắp nơi giữ tắc, chỉ biết tự xưa tự nay, nào biện quạ đen hộc trắng”. Tuy biết người nay đáp  thế  ấy, người xưa cũng đáp thế ấy, mà đâu từng phân biệt trắng đen. Tuyết Đậu nói cũng phải đến trong khoảng đá nháng điện xẹt biện biệt quạ đen hộc trắng mới được. Công án đến đây tụng xong. Tuyết Đậu xuất ý nhằm chỗ sống linh động và nhằm các ông nói “Giặc! Giặc! Lỗ mũi Thiền tăng từng nắm được”. Chư Phật ba đời cũng là giặc, Tổ sư nhiều đời cũng là giặc, khéo hay làm giặc móc tròng mắt người, mà chẳng trầy tay chân, chỉ riêng một Triệu Châu. Hãy nói chỗ nào là chỗ Triệu Châu khéo làm giặc ? Trấn Châu xuất phát củ cải to.

ML
01
02
03
04
05
06
07
08
09
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

生日快乐 Phật dạy 曹洞宗盛岡多い理由 chiều 永代 墓 VÃƒÆ 천수경듣기 สโตร ส รา æˆ å šæ 位牌 文字入れ gioi PhÃp GiÃi 印顺法师关于大般涅槃经 七五三 小山 礼赞国庆作文 à 山風蠱 高島 nguon goc va y nghia cua tet trung thu tÃÆ dao 9 cach phat bo de tam Phật giáo Hoa mướp trước sân ブッダの教えポスター thiê เพรงดนต ฟ 合祀 bình yên đến bình yên đi Địa tạng สรวงส ดา สงร กษ lムSài Gòn đỏng đảnh quan the am ï¾ ï½ æåŒ å æžœ đơn gia n chi la mô t câu xin lô i 村上市お墓 佛家说身后是什么意思 những hạt ngọc thầy trao æ ˆå ƒ 簡単便利戒名授与水戸 士用果 阿彌陀經教材 Ï Phật Nhập từ Tam muội phóng sinh Việc của năm cũ qua đi 大安法师讲五戒