CÔNG
ÁN: Triệu Châu dạy chúng ba chuyển ngữ.
GIẢI
THÍCH: Triệu Châu dạy chúng ba chuyển ngữ xong, rốt sau lại
nói: Chân Phật ngồi trong thất. Một câu này rõ ràng quá
mức. Cổ nhân mở một con mắt đưa tay tiếp người, tạm
mượn lời này để thông tin tức, cốt yếu vì người. Nếu
ông một bề toàn nêu chánh lệnh thì trước pháp đường
cỏ cao một trượng. Tuyết Đậu không hài lòng câu rốt sau
ló đuôi của Sư, vì thế bỏ bớt chỉ tụng ba câu. Phật
đất nếu độ nước thì tan hoại. Phật vàng nếu độ lò
đúc thì chảy. Phật gỗ nếu độ lửa thì bị đốt. Có
cái gì khó hiểu ? Tuyết Đậu tụng cổ một trăm tắc, so
sánh sắn bìm, chỉ có ba bài tụng này quả có hơi hám Thiền
tăng. Chỉ bài tụng này cũng thật khó hiểu. Nếu ông thấu
được ba bài tụng này, cho ông khỏi tham.
TỤNG:
Nê Phật bất độ thủy
Thần Quang chiếu thiên địa
Lập tuyết như vị hưu
Hà nhân bất điêu ngụy.
DỊCH:
Phật đất chẳng độ nước
Thần Quang soi trời đất
Đứng ngoài tuyết chưa thôi
Người nào chẳng dối trá.
GIẢI
TỤNG: “Phật đất chẳng độ nước, Thần Quang soi trời
đất”, hai câu tụng này rõ ràng rồi. Hãy nói vì sao lại
dẫn Thần Quang ? Nhị Tổ khi mới sanh, thần quang soi sáng
nhà thẳng đến trên trời. Lại một đêm, thần nhân hiện
bảo Nhị Tổ: Ở đây làm gì ? Ông sẽ đắc đạo, thời
cơ đã đến, nên sang phương Nam. Nhị Tổ do gặp Thần nên
gọi là Thần Quang. Ngài cư ngụ vùng Y Lạc, đọc hết các
sách, mỗi khi than: “Khổng, Lão dạy về thuật phong qui.”
Được nghe Đại sư Đạt-ma ở Thiếu Lâm, Ngài bèn đến
đó sớm tối tham vấn. Tổ Đạt-ma ngồi thẳng ngó mặt vô
vách, chẳng được nghe dạy bảo điều gì. Ngài tự suy nghĩ:
Người xưa cầu đạo, chẻ xương lấy tủy, chích máu giúp
người đói, trải tóc che bùn, gieo mình cho cọp ăn, xưa còn
như thế, ta lại là sao ? Ngày mùng chín tháng chạp năm ấy,
ban đêm tuyết dày, Nhị Tổ đứng dưới thềm đến sáng,
tuyết lên đến đầu gối. Tổ Đạt-ma thương hỏi: Ông đứng
dưới tuyết như thế để cầu việc gì ? Nhị Tổ buồn khóc
thưa: Chỉ mong Ngài từ bi mở cửa cam lồ rộng độ chúng
sanh. Tổ Đạt-ma nói: Diệu đạo của chư Phật nhiều kiếp
tinh cần, khó làm mà hay làm, khó nhẫn mà hay nhẫn, há lấy
đức nhỏ trí nhỏ, tâm khinh tâm mạn, mong được chân thừa,
không có lẽ ấy. Nhị Tổ nghe dạy răn, lòng mộ đạo càng
thiết, lén lấy dao bén tự chặt tay trái, đến trước dâng
Tổ Đạt-ma. Đạt-ma biết là pháp khí, bảo: Ông đứng ngoài
tuyết chặt tay, sẽ vì việc gì ? Nhị Tổ thưa: Tâm con chẳng
an, xin Thầy pháp an tâm. Đạt-ma bảo: Đem tâm ra, ta vì ông
an. Nhị Tổ thưa: Con tìm tâm trọn không thể được. Đạt-ma
nói: Vì ông an tâm xong. Sau Đạt-ma đổi tên cho Ngài là Huệ
Khả. Sau Ngài gặp được Tam tổ Tăng Xán, truyền pháp xong,
ở ẩn tại núi Hoàn Công Thơ Châu, gặp thời Hậu Châu, vua
Võ Đế phá diệt Phật pháp, sa thải Tăng Ni, Tam Tổ qua lại
huyện Thái Hồ vùng núi Tư Không, không ở chỗ nào cố định,
hơn mười năm mà không có người biết. Cao Tăng Truyện của
Tuyên Luật sư chép việc Nhị Tổ không được rõ. Truyện
Tam Tổ nói: Diệu pháp của Nhị Tổ chẳng truyền ở đời,
nhờ sau gặp người như trước ngộ được chỗ của Ngài
đứng trong tuyết. Vì thế Tuyết Đậu nói: “Đứng ngoài
tuyết chưa thôi, người nào chẳng dối trá.” Đứng ngoài
tuyết nếu chưa thôi, đủ khiến bọn người dối trá bắt
chước theo, một lúc chỉ thành dối trá, tức là bọn dối
trá. Tuyết Đậu tụng Phật đất chẳng độ nước, vì sao
lại dẫn nhân duyên này để dùng ? Sư tham đến dưới ý
căn không còn một việc, lột trần mới tụng được như
thế. Ngũ tổ Diễn bình thường bảo người xem ba bài tụng
này. Đâu chẳng thấy Hòa thượng Thủ Sơ có bài tụng dạy
chúng: “Trên núi Ngũ Đài mây nấu cơm, trước nhà Phật
cổ chó đái trời, ở đầu cột phướn toan nướng bánh,
ba đứa trẻ Hồ đêm rải tiền.” Hòa thượng Đỗ Thuận
tụng: “Hoài Châu trâu ăn lúa, Ích Châu ngựa no đầy, mọi
người tìm thầy thuốc, chích heo đùi trái này.” Phó Đại
sĩ tụng: “Tay không cầm cây cuốc, bộ hành cỡi trâu đi,
trên cầu người qua lại, cầu trôi nước chẳng trôi.” Lại
nói: “Người máy đá giống ông, cũng biết bài ca hát, ông
nếu giống người đá, bản tuyết nên cùng hòa.” Nếu hiểu
được lời này là hiểu được bài tụng của Tuyết Đậu:
TỤNG:
Kim Phật bất độ lô
Nhân lai phỏng Tử Hồ
Bi trung sổ cá tự
Thanh phong hà xứ vô.
DỊCH:
Phật vàng chẳng độ lò
Người đến hỏi Tử Hồ
Trong bia có mấy chữ
Gió mát chỗ nào không.
GIẢI
TỤNG: “Phật vàng chẳng độ lò, người đến hỏi Tử Hồ”,
hai câu này cũng tụng xong, vì sao lại dẫn người đến hỏi
Tử Hồ ? Phải là hàng tác gia rèn luyện mới được. Hòa
thượng Tử Hồ có làm tấm bia ở đường lên núi, trong bia
viết: “Tử Hồ có một con chó, trên thì cắn đầu người,
giữa thì cắn lưng người, dưới thì cắn chân người, suy
nghĩ thì tan thân mất mạng.” Phàm thấy người mới đến
liền hét: Coi chừng chó ! Tăng vừa xoay đầu nhìn, Tử Hồ
trở về phương trượng. Hãy nói vì sao cắn Triệu Châu chẳng
được ? Lại một đêm giữa khuya, Sư ở trong phòng kêu to:
Bắt ăn trộm ! Bắt ăn trộm ! Trong lúc tối mù mịt gặp
một vị Tăng, chụp vào ngực nói to: Bắt được rồi ! Bắt
được rồi ! Tăng thưa: Bạch Hòa thượng ! Con, chẳng phải.
Tử Hồ bảo: Phải thì phải, chỉ chẳng chịu thừa nhận.
Nếu ông hiểu lời nói này, nhận ông cắn chết mọi người,
nơi nơi gió mát rười rượi. Nếu chưa được như thế, “trong
bia có mấy chữ” quyết định không thể nào thông. Nếu
cần thấy Sư, chỉ thấu được tột mới thấy.
TỤNG:
Mộc Phật bất độ hỏa
Thường tư Phá Táo Đọa
Trượng tử hốt kích trước
Phương tri cô phụ ngã.
DỊCH:
Phật gỗ chẳng độ lửa
Thường nhớ Phá Táo Đọa
Cây gậy chợt đánh đến
Mới biết cô phụ ta.
GIẢI
TỤNG: “Phật gỗ chẳng độ lửa, thường nhớ Phá Táo Đọa”,
hai câu này tụng xong. Tuyết Đậu nhân Phật gỗ chẳng độ
lửa này thường nghĩ đến Phá Táo Đọa. Hòa thượng Phá
Táo Đọa ở Tung Sơn chẳng biết tên họ, ngôn hạnh khó lường,
thường ở ẩn Tung Sơn. Một hôm, Sư dẫn chúng vào lòng núi,
có một cái miếu rất linh, trong điện chỉ để một vị
táo, gần xa đến cúng kính liên miên, sát sanh hại mạng rất
nhiều. Sư vào trong miếu lấy cây gậy gõ vị táo ba cái,
nói: Dốt ! Ngươi vốn đất gạch hợp thành, linh từ đâu
lại, Thánh từ chỗ nào hiện, mà sát sanh hại mạng thế
ấy ? Lại gõ ba cái, táo tự nghiêng ngả rồi bể nát. Chốc
lát, có người đầu đội mũ mặc áo xanh, bỗng nhiên đứng
trước mặt Sư, lễ bái thưa: Tôi là thần Táo thọ nghiệp
báo đã lâu, ngày nay nhờ Thầy nói pháp vô sanh, đã thoát
khỏi chỗ này, sanh vào cõi trời, đến đây bái tạ. Sư nói:
Tánh bản hữu của ông chẳng phải tôi gắng nói. Thần lại
lễ bái rồi ẩn. Thị giả thưa: Chúng con theo hầu Hòa thượng
đã lâu, chưa nhờ chỉ dạy, thần Táo được yếu chỉ thẳng
tắt gì, liền sanh cõi trời ? Sư đáp: Ta chỉ nói với y,
ngươi vốn đất gạch hợp thành, linh từ đâu lại, Thánh
từ chỗ nào hiện, mà sát sanh hại mạng thế ấy ? Thị giả
không nói được. Sư hỏi: Hiểu chăng ? Thị giả thưa: Chẳng
hiểu. Sư bảo: Lễ bái đi. Thị giả lễ bái. Sư bảo: Bể
rồi ! Bể rồi ! Rơi rồi ! Rơi rồi ! Thị giả bỗng nhiên
đại ngộ. Sau có người thuật lại cho Quốc sư Huệ An nghe.
Quốc sư khen: “Kẻ này hiểu tột vật ngã nhất như, thần
Táo ngộ lẽ này là phải, vị Tăng kia là năm uẩn hợp thành,
cũng nói bể rồi rơi rồi, cả hai đều khai ngộ.” Vả lại,
tứ đại ngũ uẩn cùng ngói gạch bùn đất là đồng là khác
? Đã như thế, vì sao Tuyết Đậu dẫn nói: “cây gậy chợt
đánh đến, mới biết cô phụ ta” ? Tại sao lại thành cô
phụ ? Chỉ là chưa được cây gậy. Hãy nói Tuyết Đậu tụng
Phật gỗ chẳng độ lửa, tại sao lại dẫn công án Phá Táo
Đọa ? Lão tăng thẳng thừng vì ông nói: Ý kia chỉ là bặt
được mất, tình trần ý tưởng lột trần, tự nhiên thấy
chỗ thân thiết kia.
TẮC
97: KINH KIM CANG TỘI NGHIỆP TIÊU DIỆT
LỜI
DẪN: Nắm một buông một chưa phải tác gia, đưa một rõ
ba vẫn trái tông chỉ. Dù được trời đất bỗng đổi, bốn
phương bặt tiếng, sấm vang chớp nhoáng mây bay mưa đuổi,
hồ nghiêng núi ngả, chậu bể bồn nghiêng, cũng chưa đề
được phân nửa. Lại có người khéo chuyển cửa trời hay
dời trục đất chăng, thử cử xem ?
CÔNG
ÁN: Kinh Kim Cang nói: “Nếu bị người khinh tiện, người
ấy tội nghiệp đời trước nên đọa đường ác, vì đời
nay bị người khinh tiện nên tội nghiệp đời trước ắt
là tiêu diệt.”
GIẢI
THÍCH: Kinh Kim Cang nói: “Nếu bị người khinh tiện, người
ấy tội nghiệp đời trước nên đọa đường ác, vì đời
nay bị người khinh tiện nên tội nghiệp đời trước ắt
là tiêu diệt.” Căn cứ chỗ bình thường giảng cứu là
thường luận trong kinh. Tuyết Đậu nêu ra tụng là ý muốn
đả phá các nhà giảng kinh nhằm trong hang quỉ tìm kế sống.
Thái tử Chiêu Minh phân khoa phần này là “hay sạch nghiệp
chướng”. Đại ý kinh nói, kinh này linh nghiệm, người như
thế đời trước tạo nghiệp địa ngục, vì sức lành mạnh
chưa thọ, do đời nay bị người khinh tiện, tội nghiệp đời
trước ắt là tiêu diệt. Kinh này vẫn hay tiêu tội nghiệp
từ vô lượng kiếp đến giờ, chuyển nặng thành nhẹ, chuyển
nhẹ khỏi thọ, lại được Phật quả Bồ-đề. Cứ theo các
nhà kinh luận thì tụng hơn hai mươi chương kinh này, gọi
là trì kinh. Có gì dính dáng. Có người nói, kinh tự có linh
nghiệm. Nếu như thế, ông thử đem một quyển kinh bỏ ở
chỗ trống, xem có cảm ứng hay không ? Pháp Nhãn nói: “Người
chứng Phật địa gọi là trì kinh này.” Trong kinh nói: “Tất
cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của
chư Phật đều từ kinh này ra.” Hãy nói gọi cái gì là kinh
này ? Đâu phải là gáy vàng bìa đỏ là phải sao ? Chớ nhận
lầm trái cân bàn. Kim Cang là dụ cho pháp thể kiên cố nên
vật không thể phá hoại, vì cái dụng bén hay phá dẹp tất
cả vật, nghĩ đến núi thì núi băng, nghĩ đến biển thì
biển cạn, căn cứ trên dụ đặt tên, pháp ấy cũng vậy.
Bát-nhã có ba thứ:
1)-
Thật tướng Bát-nhã.
2)-
Quán chiếu Bát-nhã.