LỜI
DẪN: Nhỏ như hạt gạo bể, lạnh tợ băng sương, bít lấp
càn khôn, lìa sáng dứt tối, chỗ thấp thấp xem đó có dư,
chỗ cao cao bình đó chẳng đủ, nắm đứng buông đi, thảy
ở trong đây. Lại có chỗ xuất thân hay không, thử cử xem
?
CÔNG
ÁN: Đơn Hà hỏi Tăng: Từ đâu đến ? Tăng thưa: Dưới núi
đến. Đơn Hà hỏi: Ăn cơm rồi chưa ? Tăng thưa: Ăn cơm rồi.
Đơn Hà hỏi: Người đem cơm cho ông ăn có đủ mắt chăng
? Tăng không đáp được. Trường Khánh hỏi Bảo Phước: Đem
cơm cho người ăn có phần đền ơn, vì sao lại chẳng đủ
mắt ? Bảo Phước đáp: Người thí kẻ thọ cả hai đều
mù. Trường Khánh nói: Tột cơ kia đến, lại thành mù chăng
? Bảo Phước nói: Bảo ta mù được chăng ?
GIẢI
THÍCH: Thiền sư Thiên Nhiên ở núi Đơn Hà tại Đặng Châu,
chẳng biết người xứ nào. Buổi đầu Sư học tập Nho sắp
vào Trường An ứng thí, nghỉ ở quán trọ, chợt mộng
thấy hào quang trắng đầy nhà. Người bàn mộng nói: Là điềm
hiểu Không. Gặp một Thiền khách hỏi: Nhân giả đi đâu
? Sư đáp: Đi thi làm quan. Thiền khách nói: Thi làm quan đâu
bằng thi làm Phật. Sư hỏi: Thi Phật phải đến chỗ nào
? Thiền khách nói: Nay Mã Đại sư ở Giang Tây khai đường
dạy chúng là trường thi Phật, nhân giả nên đến đó. Sư
liền đi thẳng đến Giang Tây, vừa thấy Mã Đại sư, liền
lấy hai tay lột cái mũ trên đầu. Mã Đại sư nhìn kỹ, nói:
Tôi không phải thầy của ông, hãy sang Nam Nhạc Thạch Đầu
đi. Sư đi thẳng đến Thạch Đầu, lại làm như ý trước.
Thạch Đầu bảo: Xuống nhà trù đi. Sư lễ tạ, vào nhà cư
sĩ theo chúng làm công tác, đến ba năm. Một hôm Thạch Đầu
bảo chúng: Sáng mai hớt cỏ trước điện Phật. Đến hôm
sau, đại chúng cầm liềm hái đến trước điện Phật hớt
cỏ, riêng Sư múc một thau nước sạch, quì gối trước Thạch
Đầu. Thạch Đầu thấy thế cười, vì Sư cạo tóc, tiếp
nói giới. Sư bịt lỗ tai đi ra. Thẳng đến Giang Tây yết
kiến Mã Tổ. Chưa tham lễ, Sư đi thẳng vào Tăng đường
leo ngồi trên cổ tượng Thánh tăng. Đại chúng thấy kinh
ngạc, chạy báo cho Mã Tổ. Mã Tổ đích thân đến xem, nói:
Con ta Thiên Nhiên. Sư bước xuống lễ bái thưa: Tạ Thầy
ban pháp hiệu. Nhân đây gọi là Thiên Nhiên. Cổ nhân Thiên
Nhiên như thế thường giải thoát, nên nói thi quan không bằng
thi Phật. Trong Truyền Đăng Lục chép ngữ cú của Sư thật
là vách đứng ngàn nhẫn, mỗi câu đều có thủ đoạn vì
người nhổ đinh tháo chốt. Giống như hỏi vị Tăng này:
Ở đâu đến ? Tăng thưa: Ở dưới núi đến. Vị Tăng này
lại chẳng thông chỗ đi, giống như người có mắt khám phá
ngược lại chủ nhà. Đương thời, nếu chẳng phải Đơn
Hà cũng khó nắm được y. Đơn Hà lại hỏi: Ăn cơm chưa
? Ban đầu thảy chưa thấy được, lần thứ hai này khám phá
được y. Tăng thưa: Ăn cơm rồi. Kẻ mù mịt vốn là chẳng
hiểu. Đơn Hà hỏi: Người đem cơm cho ông ăn có đủ mắt
chăng ? Tăng không đáp được. Ý Đơn Hà nói, kẻ vì ông
đem cơm kham làm việc gì ? Vị Tăng này nếu là kẻ khác thử
cho Sư một tát xem Sư làm gì ? Tuy nhiên như thế, Đơn Hà
cũng chưa buông ông. Vị Tăng kia con mắt chớp lia không có
lời để đáp. Bảo Phước, Trường Khánh đồng ở trong hội
Tuyết Phong, thường cử công án của cổ nhân để thương
lượng. Trường Khánh hỏi Bảo Phước: Đem cơm cho người
ăn là có phần đền ơn, tại sao không đủ mắt ? Không hẳn
hỏi hết việc trong công án này, đại cương mượn lời này
làm thoại đầu, cần nghiệm chỗ chân thật của kia. Bảo
Phước nói: Người thí kẻ thọ cả hai đều mù. Thích thay!
Đến trong đây chỉ luận việc đương cơ, trong nhà có con
đường xuất thân. Trường Khánh nói: Người tột cơ kia đến,
lại thành mù chăng ? Bảo Phước nói: Bảo ta mù được sao
? Ý Bảo Phước nói ta đủ mắt thế ấy, vì ông nói rồi,
lại nói ta mù được chăng ? Tuy nhiên như thế, là nửa nhắm
nửa mở. Khi ấy nếu là Sơn tăng đợi y nói “người tột
cơ kia đến, lại thành mù chăng”, chỉ nói với y “mù”.
Đáng tiếc Bảo Phước khi ấy nếu hạ được một chữ “mù”,
khỏi bị Tuyết Đậu có nhiều thứ sắn bìm. Tuyết Đậu
chỉ dùng ý này tụng:
TỤNG:
Tận cơ bất thành hạt
Án ngưu đầu khiết thảo
Tứ thất nhị tam chư Tổ sư
Bảo khí trì lai thành quá cựu.
Quá cựu thâm, vô xứ tầm
Thiên thượng nhân gian đồng lục trầm.
DỊCH:
Tột cơ chẳng thành mù
Chận đầu trâu ăn cỏ
Ba mươi ba chư vị Tổ sư
Bảo khí đến giờ thành quấy lỗi.
Quấy lỗi sâu, không chỗ tìm
Trên trời nhân gian đồng ngập chìm.
GIẢI
TỤNG: Câu “tột cơ chẳng thành mù”, Trường Khánh nói
người tột cơ kia đến, lại thành mù chăng ? Bảo Phước
nói “bảo ta mù được chăng”, giống như “chận đầu
trâu ăn cỏ”. Phải đồng với kia tự ăn mới được, trong
ấy lại chận đầu trâu ăn cỏ. Tuyết Đậu tụng thế ấy
tự nhiên thấy ý Đơn Hà. “Ba mươi ba chư vị Tổ sư, bảo
khí đến giờ thành quấy lỗi”, chẳng những chỉ đới
lụy Trường Khánh, cho đến Tây thiên hai mươi tám Tổ, Trung
Hoa sáu Tổ, đồng thời chôn vùi. Đức Phật Thích-ca bốn
mươi chín năm nói một Đại Tạng kinh, rốt sau chỉ truyền
một bảo khí này. Vĩnh Gia nói: “Chẳng phải tiêu hình việc
truyền suông, gậy báu Như Lai còn dấu vết.” Nếu khởi
kiến giải của Bảo Phước thì bảo khí giữ đến giờ trọn
thành quấy lỗi. “Quấy lỗi sâu, không chỗ tìm”, cái này
vì ông nói chẳng được, chỉ tìm chỗ ngồi yên, nhằm trong
câu này kiểm điểm xem ? Đã là quấy lỗi sâu, tại sao lại
không chỗ tìm ? Đây không phải lỗi nhỏ, vì đem việc lớn
của Tổ sư một lúc ở trên đất bằng làm chìm ngập hết.
Vì thế Tuyết Đậu nói “trên trời nhân gian đồng ngập
chìm”.
?
TẮC
77: VÂN MÔN BÁNH HỒ
LỜI
DẪN: Hướng thượng chuyển thì khả dĩ xỏ lỗ mũi người
trong thiên hạ, giống như chim cắt chụp chim cưu. Hướng hạ
chuyển thì lỗ mũi mình trong tay người khác, như rùa ẩn
trong vỏ. Trong đây nếu có người ra nói: xưa nay không hướng
thượng không hướng hạ, dùng chuyển làm gì, chỉ nói với
y: Ta cũng biết ông nhằm trong hang quỉ làm kế sống. Hãy
nói làm sao biện được trắng đen ? Im lặng giây lâu, nói:
Có cành vin cành, không cành vin nhánh, thử cử xem ?
CÔNG
ÁN: Tăng hỏi Vân Môn: Thế nào là nói siêu Phật việt Tổ
? Vân Môn đáp: Bánh hồ.
GIẢI
THÍCH: Vị Tăng hỏi Vân Môn: Thế nào là nói siêu Phật việt
Tổ ? Vân Môn đáp: Bánh hồ. Nghe có cảm giác rợn óc lông
dựng đứng chăng ? Hàng Thiền khách hỏi Phật hỏi Tổ, hỏi
thiền hỏi đạo, hỏi hướng thượng hướng hạ xong, lại
chỗ không thể đặt thành câu hỏi, mà hỏi nói siêu Phật
việt Tổ. Vân Môn là tác gia, nước lớn thì thuyền cao, đất
nhiều thì Phật lớn, đáp rằng: Bánh hồ. Đáng gọi là nói
không luống rỗng, công chẳng uổng bày. Vân Môn dạy chúng:
Ông chớ khởi liễu, nghe người nói đến ý Tổ sư liền
hỏi đạo lý siêu Phật việt Tổ. Ông hãy nói thế nào là
Phật, thế nào là Tổ, rồi sẽ hỏi siêu Phật việt Tổ.
Như hỏi ra khỏi tam giới, ông đem tam giới lại xem ? Có cái
thấy nghe hiểu biết gì cách ngại được ông ? Có thanh sắc
Phật pháp gì cho ông nên liễu ? Liễu cái bát gì ? Do kiến
giải gì làm sai thù ? Cổ Thánh kia có làm gì được ông ?
Thân đi ngang là vật, nói cả thân toàn chân, mỗi vật thấy
thể, không thể được. Tôi nói với ông thẳng đó là việc
gì ? Sớm đã chôn vùi rồi vậy. Hiểu được lời này liền
biết được bánh hồ. Ngũ Tổ nói: Phân lừa sánh xạ hương.
Nên nói “Cắt thẳng cội nguồn Phật đã ấn, vạch lá tìm
cành tôi chẳng hay.” Đến trong đây muốn được thân thiết
chớ đem hỏi đến hỏi. Xem vị Tăng này hỏi thế nào là
siêu Phật việt Tổ, Vân Môn nói: Bánh hồ. Lại biết hổ
thẹn chăng ? Lại hiểu ló đuôi chăng ? Có một nhóm người
đổ soạn nói Vân Môn thấy thỏ thả chim ưng, nên nói bánh
hồ. Nếu thế ấy đem bánh hồ cho là siêu Phật việt Tổ
làm chỗ thấy, làm sao có con đường sống ? Chớ khởi bánh
hồ hội, lại chẳng khởi siêu Phật việt Tổ hội, mới
là con đường sống. Sánh với “ba cân gai”, “biết đánh
trống” cùng một loại. Tuy nhiên chỉ nói bánh hồ quả thật
khó thấy. Người sau phần nhiều khởi đạo lý nói: Nói thô
và lời tế đều về đệ nhất nghĩa. Nếu hiểu thế ấy,
hãy đi làm Tọa chủ, một đời gầy dựng được nhiều tri
nhiều giải. Hiện nay Thiền khách nói: Khi siêu Phật việt
Tổ thì chư Phật đạp tại gót chân, Tổ sư cũng đạp tại
gót chân. Vì thế Vân Môn chỉ nhằm kia nói bánh hồ. Đã
là bánh hồ há hiểu siêu Phật việt Tổ, thử tham kỹ xem
? Các nơi tụng rất nhiều, trọn nhằm chỗ hỏi mà tạo ngôn
ngữ, duy Tuyết Đậu tụng rất hay, thử cử xem ?
TỤNG:
Siêu đàm thiền khách vấn thiên đa
Phùng há phi ly kiến dã ma
Hồ bính áp lai du bất trụ
Chí kim thiên hạ hữu hào ngoa.
DỊCH:
Siêu đàm thiền khách hỏi thiên nhiều
Chắp vá mở rời thấy đó chăng
Bánh hồ lấp lại còn không đứng
Đến nay thiên hạ vẫn hào ngoa.
GIẢI
TỤNG: Câu “siêu đàm thiền khách hỏi thiên nhiều”, lời
này Thiền khách riêng thích hỏi. Đâu chẳng thấy Vân Môn
nói: Quí vị vác ngang cây gậy nói ta tham thiền học đạo,
liền tìm cái đạo lý siêu Phật việt Tổ. Tôi hỏi ông trong
mười hai giờ đi đứng ngồi nằm, đi tiểu đi đại, đến
như con trùng trong hầm cỏ, mua bán thịt dê ở ngoài chợ,
lại có đạo lý siêu Phật việt Tổ chăng ? Nói được ra
đây, nếu không, chớ chướng ta đi Đông đi Tây, liền xuống
tòa. Có người lại chẳng biết tốt xấu, vẽ một vòng tròn,
trên đất thêm bùn, thêm gông kẹt cùm. Câu “chắp vá mở
rời thấy đó chăng”, kia đặt chỗ hỏi có tính cách chắp
vá. Vân Môn thấy chỗ hỏi kia mở rời, vì thế đem bánh
hồ đắp vá lấp bít chận đứng. Vị Tăng kia vẫn tự chẳng
chịu đứng, trở lại hỏi. Thế nên Tuyết Đậu nói “bánh
hồ lấp lại còn không đứng, đến nay thiên hạ vẫn hào
ngoa”. Thiền khách chỉ quản ở trên bánh hồ mà hiểu, chẳng
thế thì ở chỗ siêu Phật việt Tổ làm đạo lý. Đã chẳng
ở hai đầu này, cứu kính ở chỗ nào ? Ba mươi năm sau, đợi
Sơn tăng hoán cốt trở lại sẽ nói với ông.
?
TẮC
78: KHAI SĨ VÀO TẮM
CÔNG
ÁN: Xưa có mười sáu vị Khai sĩ đến nhà tắm chúng Tăng
theo thứ lớp vào tắm, chợt ngộ nhân nước. Chư Thiền đức
làm sao hiểu, Ngài nói: “Diệu xúc tuyên minh thành Phật tử
trụ.” Cũng phải bảy xoi tám phủng mới được.
GIẢI
THÍCH: Trên hội Lăng Nghiêm, Bồ-tát Bạt-đà-bà-la cùng mười
sáu vị Khai sĩ, mỗi vị tu phạm hạnh, mỗi vị nói nhân
sở chứng pháp môn viên thông, đây cũng là một trong số
hai mươi lăm môn viên thông. Ngài nhân đến nhà tắm chúng
Tăng theo thứ lớp vào tắm, chợt ngộ nhân nước, nói: “Đã
chẳng rửa bụi cũng chẳng rửa thân.” Hãy nói rửa cái
gì ? Nếu hội được, khoảng giữa an nhiên rỗng rang, ngàn
người muôn người gần bên chẳng được. Nên nói do không
sở đắc là chân Bát nhã, nếu có sở đắc là tương tợ
Bát-nhã. Tổ Đạt-ma bảo Nhị Tổ: Đem tâm ra, ta vì ông an.
Nhị Tổ thưa: Tìm tâm trọn chẳng thể được. Chút ít trong
đây là tánh mạng căn bản của Thiền khách. Lại thảy chẳng
tiêu nhiều thứ sắn bìm, chỉ tiêu cái chợt ngộ nhân nước,
tự nhiên liễu ngộ. Đã chẳng rửa bụi cũng chẳng rửa
thân, hãy nói ngộ cái gì ? Đến loại điền địa này, một
điểm cũng dính chẳng được, nói chữ Phật cũng phải kỵ
tránh. Ngài nói: “Diệu xúc tuyên minh thành Phật tử trụ”,
chữ tuyên là hiển, diệu xúc là minh. Đã ngộ diệu xúc thành
Phật tử trụ, tức là trụ Phật địa. Như người nay cũng
vào nhà tắm cũng rửa nước, cũng xúc thế ấy tại sao chẳng
ngộ ? Bởi tại trần cảnh che mờ, dính da kẹt xương, vì
thế không thể liền tỉnh tỉnh. Nếu nhằm trong này rửa
cũng không sở đắc, xúc cũng không sở đắc, nhân nước
cũng không sở đắc. Hãy nói là diệu xúc tuyên minh hay chẳng
phải diệu xúc tuyên minh ? Nếu nhằm trong đây liền đó thấy
được, là diệu xúc tuyên minh thành Phật tử trụ. Người
nay cũng xúc lại thấy chỗ diệu chăng ? Diệu xúc phi thường
xúc, cùng người xúc hiệp thì làm xúc, ly thì phi. Huyền Sa
leo núi dập đầu một ngón chân, cho đến gậy của Đức
Sơn, há chẳng phải diệu xúc ? Tuy nhiên thế ấy, cũng phải
bảy xoi tám phủng mới được. Nếu chỉ nhằm trên thân tìm
kiếm thì có gì giao thiệp. Nếu ông bảy xoi tám phủng thì
đâu cần vào nhà tắm, liền ở trên một đầu mảy lông
hiện cõi Bảo Vương, nhằm trong vi trần chuyển đại pháp
luân, một chỗ thấu được, ngàn chỗ muôn chỗ đồng thời
thấu. Chớ nên giữ một hang một ổ, tất cả chỗ trọn
là cửa Quan Âm nhập lý. Cổ nhân cũng có nghe tiếng ngộ
đạo, thấy sắc rõ tâm. Nếu một người ngộ là phải, tại
sao mười sáu vị Khai sĩ đồng thời ngộ ? Thế nên cổ nhân
đồng tu đồng chứng đồng ngộ đồng giải. Tuyết Đậu
niêm giáo ý kia khiến người đến chỗ diệu xúc ngộ lấy.
Tụng ra con mắt giáo lý kia, khiến người thoát khỏi lưới
giáo lý che phủ nửa say nửa tỉnh. Cốt cho người liền đó
sạch trơn thong dong đi.