LỜI
DẪN: Nắm đứng thế giới chẳng lọt mảy tơ, cắt đứt
các dòng chẳng còn một giọt, mở miệng liền lầm, suy nghĩ
thì sai. Hãy nói thế nào là con mắt thấu quan, thử cử xem
?
CÔNG
ÁN: Vân Môn dạy: Mỗi người trọn có ánh sáng hiện tại,
khi xem thì chẳng thấy tối mù mù. Thế nào là ánh sáng của
quí vị ? Tự thay đáp: Kho trù ba cửa. Lại đáp: Việc tốt
chẳng bằng không.
GIẢI
THÍCH: Vân Môn ở trong thất để lời tiếp người: “Cả
thảy các ông dưới gót chân mỗi người có một đoạn ánh
sáng soi thấu cổ kim, vượt hẳn thấy biết. Tuy nhiên ánh
sáng, vừa hỏi đến lại chẳng hội, há chẳng phải tối
mù mù.” Lời nói này đến hai mươi năm trọn không có người
hiểu được ý Sư. Sau Hương Lâm cầu xin thay đáp. Vân Môn
đáp; kho trù ba cửa. Lại đáp: Việc tốt chẳng bằng không.
Bình thường lời đáp thay chỉ là một câu, tại sao trong
đây lại hai câu ? Câu trước vì ông mở một con đường
cho ông thấy. Nếu là kẻ kia, vừa nghe nói đến liền đứng
dậy ra đi. Sư sợ người kẹt ở đây, lại nói “việc tốt
chẳng bằng không”. Như trước vì ông quét sạch. Người
nay vừa nghe nói ánh sáng liền trừng trợn mắt nói: Trong
kia là kho trù, trong kia là ba cửa. Vẫn là không dính dáng.
Vì thế nói: “Hiểu lấy ý đầu lưỡi câu, chớ nhận quả
cân bàn.” Việc này không ở trên mắt, cũng chẳng ở trên
cảnh, cần phải bặt tri kiến, quên được mất, sạch trọi
trơn bày lồ lộ. Mỗi mỗi trên phần của người hiện tại
nghiên cứu lấy mới được. Vân Môn nói: “Trong ngày qua
lại, trong ngày biện người, bỗng nhiên giữa đêm không ánh
sáng mặt trời, mặt trăng, đèn, chỗ từng đến thì vẫn
được, chỗ chưa từng đến lấy một vật, lại lấy được
chăng ?” Trong Tham Đồng Khế nói: “Chính trong sáng có tối,
chớ lấy tối xem nhau, chính trong tối có sáng, chớ lấy sáng
gặp nhau.” Nếu ngồi dứt sáng tối, hãy nói là cái gì ?
Do đó nói: “Tâm hoa phát minh soi sáng cõi nước ở mười
phương.” Bàn Sơn nói: “Sáng chẳng soi cảnh, cảnh cũng
chẳng còn, sáng cảnh đều quên, lại là vật gì ?” Lại
nói: “Chính nơi thấy nghe chẳng thấy nghe, không còn thanh
sắc đáng trình anh, trong đây nếu liễu toàn vô sự, thể
dụng ngại gì phân chẳng phân.” Chỉ hiểu câu rốt sau,
đến câu trước dạo chơi, cứu kính chẳng ở trong ấy làm
kế sống. Cổ nhân nói: “Lấy gốc không trụ lập tất cả
pháp.” Chẳng được đến trong này đùa quang ảnh đùa tinh
hồn, lại chẳng được hiểu là vô sự. Cổ nhân nói: “Thà
khởi chấp Có bằng núi Tu-di, chẳng nên chấp Không bằng
hạt cải.” Hàng Nhị thừa phần nhiều hay rơi vào cái chấp
này. Tuyết Đậu tụng :
TỤNG:
Tự chiếu liệt cô minh
Vị quân thông nhất tuyến
Hoa tạ thọ vô ảnh
Khán thời thùy bất kiến.
Kiến bất kiến
Đảo kỵ ngưu hề nhập Phật điện.
DỊCH:
Tự chiếu bày sáng côi
Vì anh thông một tuyến
Hoa tàn cây không bóng
Khi xem ai chẳng thấy.
Thấy chẳng thấy
Cỡi ngược trâu chừ vào điện Phật.
GIẢI
TỤNG: Câu “tự chiếu bày sáng côi”, dưới gót chân mỗi
người sẵn có một đoạn quang minh này, chỉ là bình thường
dùng được cái tối. Vì thế, Đại sư Vân Môn vì ông bày
la liệt quang minh này ở trước mặt ông. Thế nào là quang
minh của các ông ? Kho trù ba cửa. Đây là chỗ Vân Môn bày
cái sáng côi. Bàn Sơn nói: “Trăng tâm riêng tròn, sáng nuốt
vạn tượng.” Cái này là chân thường độc lộ. Về sau
“vì anh thông một tuyến”, cũng sợ người chấp chỗ “kho
trù ba cửa”. Kho trù ba cửa thì hãy theo. Buổi sáng hoa đã
tàn, cây cũng không bóng, mặt trời lại lặn, mặt trăng lại
tối, trọn cả càn khôn đại địa tối mù mịt, các ông
lại thấy chăng ? “Khi xem ai chẳng thấy”, hãy nói là ai
chẳng thấy ? Đến trong đây phải trong sáng có tối, trong
tối có sáng, thảy như bước trước bước sau tự nên thấy.
Tuyết Đậu nói: “Thấy chẳng thấy” là tụng “việc tốt
chẳng bằng không”. Nên thấy lại chẳng thấy, nên sáng
lại chẳng sáng. Câu “cỡi ngược trâu chừ vào điện Phật”,
vào trong thùng sơn vậy. Phải là ông tự cỡi trâu vào điện
Phật. Xem nói thế ấy là đạo lý gì ?
?
TẮC
87: VÂN MÔN THUỐC BỆNH TRỊ NHAU
LỜI
DẪN: Người mắt sáng không hang ổ, có khi trên đảnh cô
phong cỏ rậm rì, có khi ở đầu chợ bày lồ lộ. Bỗng khi
phẫn nộ, Na-tra hiện ba đầu sáu tay. Bỗng khi ngày hướng
Phật tháng hướng Phật, phóng từ quang phổ nhiếp, ở trên
hạt bụi hiện tất cả thân, tùy loại người hòa bùn hiệp
nước. Bỗng khi vạch ra lối hướng thượng, con mắt Phật
cũng nhìn chẳng đến, dù cho ngàn vị Thánh ra đời cũng phải
thoái lui ba ngàn dặm. Lại có đồng đắc đồng chứng hay
không, thử cử xem ?
CÔNG
ÁN: Vân Môn dạy chúng: Thuốc bệnh trị nhau, cả đại địa
đều là thuốc, cái gì là chính mình ?
GIẢI
THÍCH: Vân Môn nói thuốc bệnh trị nhau, cả đại địa đều
là thuốc, cái gì là chính mình, các ngươi lại có chỗ xuất
thân chăng ? Trong mười hai giờ xem xét lấy, vách đứng ngàn
nhẫn. Đức Sơn gậy đánh như mưa rơi, Lâm Tế hét tợ sấm
vang; tạm gác lại. Thích-ca tự Thích-ca, Di-lặc tự Di-lặc.
Người chưa biết chỗ rơi, thường bảo thuốc bệnh hợp
nhau hiểu lấy. Thế Tôn bốn mươi chín năm hơn ba trăm hội,
ứng cơ nói giáo đều là hợp bệnh cho thuốc, giống như
đem trái đắng đổi thành quả ngọt, gạn lọc nghiệp căn
của các ông, khiến sạch trơn thong dong. Cả quả đất là
thuốc, ông nhằm chỗ nào cắm mỏ ? Nếu cắm được mỏ,
cho ông có chỗ chuyển thân nhả hơi, liền diện kiến Vân
Môn. Nếu ông ngó ngoái lại trù trừ, hẳn là cắm mỏ chẳng
được, Vân Môn ở dưới gót chân của ông. Thuốc bệnh trị
nhau, cũng chỉ là lời nói tầm thường. Nếu ông chấp có,
vì ông nói không, nếu ông chấp không, vì ông nói có, nếu
ông chấp chẳng có chẳng không vì ông quét bụi dẹp phân.
Hiện kim thân trượng sáu, vừa hiện vừa mất. Hiện nay cả
đại địa sum la vạn tượng cho đến chính mình đồng thời
là thuốc, ngay khi đó gọi cái gì là chính mình ? Ông một
bề gọi là thuốc, đến đức Phật Di-lặc ra đời cũng chưa
mộng thấy Vân Môn. Cứu kính thế nào ? Biết lấy ý đầu
lưỡi câu, chớ nhận trái cân bàn. Bồ-tát Văn-thù một hôm
sai Thiện Tài đi hái thuốc, dặn: Chẳng phải thuốc hái đem
về. Thiện Tài xem khắp đều là thuốc, trở lại bạch: Cả
thảy đều là thuốc. Văn-thù bảo: Là thuốc hái đem về.
Thiện Tài bèn cầm một cọng cỏ đưa Văn-thù. Văn-thù đưa
lên bảo chúng: Thuốc này hay giết người cũng hay cứu người.
Câu thuốc bệnh trị nhau này rất khó khán, Vân Môn ở trong
thất, bình thường dùng để tiếp người. Trưởng lão Kim
Nga một hôm đến phỏng vấn Tuyết Đậu. Sư là hàng tác
gia, chính là bậc tôn túc trong tông Lâm Tế. Hai vị luận
câu “thuốc bệnh trị nhau” suốt đêm, đến mặt trời
lên mới tột lý. Đến trong đây học hiểu so sánh suy nghĩ
thảy sử dụng không đến. Sau Tuyết Đậu có làm tụng tiễn
Kim Nga rằng: “Thuốc bệnh trị nhau thấy gian nan, muôn trùng
cửa khóa không mối mang, Kim Nga đạo giả sang thăm hỏi, biển
học sóng đùa một đêm khan.” Phần sau Tuyết Đậu tụng
rất công phu, ý của Sư cũng ở khách, cũng ở chủ, tự khá
thấy vậy.
TỤNG:
Tận đại địa thị dược
Cổ kim hà thái thố
Bế môn bất tạo xa
Thông đồ tự liêu khoách
Thố ! Thố !
Tỷ khổng liêu thiên diệc xuyên khước.
DỊCH:
Cả đại địa là thuốc
Xưa nay sao quá lầm
Đóng cửa xe chẳng tạo
Đường thông tự rộng thênh
Lầm ! Lầm !
Lỗ mũi thấu trời cũng bị xỏ.
GIẢI
TỤNG: Hai câu “cả đại địa là thuốc, xưa nay sao quá lầm”,
nếu ông gọi là thuốc để hiểu thì tự xưa tự nay một
lúc lầm rồi. Tuyết Đậu nói: Có một nhóm người chẳng
biết cắt đứt gót chân Đại Mai, chỉ cần nói đường đi
rất nhanh. Sư đã biết cắt đứt gót chân Vân Môn, vì một
câu này của Vân Môn làm mê lầm người chẳng ít. Vân Môn
nói: “Cây gậy là sóng, cho ông bảy dọc tám ngang, cả đại
địa là sóng, xem ông vừa ra vừa vào.” Hai câu “đóng cửa
xe chẳng tạo, đường thông tự rộng thênh”, Tuyết Đậu
nói vì ông thông một con đường. Nếu ông đóng cửa tạo
xe, mở cửa ráp bánh, giúp được việc gì ? Ta trong đây đóng
cửa cũng chẳng tạo xe, mở cửa tự nhiên rộng thênh. Sư
ở trong đây lược bày chút ít kẽ hở khiến người thấy.
Sư lại vội vàng nói “lầm ! lầm !” liên tiếp, đầu trước
lầm đầu sau cũng lầm. Ai biết Tuyết Đậu mở một con đường
cũng lầm. Đã vậy, lỗ mũi thấu trời vì sao lại bị xỏ
? Cần hiểu chăng ? Hãy tham ba mươi năm. Ông có cây gậy
ta cho ông cây gậy, nếu ông không có cây gậy, chẳng khỏi
bị người xỏ lỗ mũi.