MỤC
LỤC
Lời
Người Dịch
Bích
Nham Lục Giải Đề
LỜI
NGƯỜI DỊCH
Bích
Nham Lục là tập sách rất quan thiết trong Thiền môn, cần
phải được phiên dịch. Song nó rất khó dịch, vì cố gắng
giúp phần nào cho người sau, buộc lòng chúng tôi phải dịch
ra. Khi dịch, chúng tôi chia mỗi tắc thành năm phần hoặc
bốn phần: Lời dẫn (Thùy thị), Công án, Giải thích, Tụng,
Giải tụng. Có tắc không có lời dẫn (Thùy thị), chỉ còn
bốn phần. Chúng tôi lược bớt lời giải ngắt quãng trong
công án và trong bài tụng, để độc giả đọc công án và
lời tụng có mạch lạc hơn.
Bản
dịch này, chúng tôi y cứ theo bản Hán văn Bích Nham Lục trong
tập Thiền Học Đại Thành và Thiền Tông Tập Thành bổ túc
cho nhau. Phần tựa đầu dịch đủ, phần hậu tự, chúng tôi
lược bớt.
Dám
mong Thiền giả đọc nó cốt “đạt lý, đừng kẹt lời”,
“ứng dụng tu hành không nói rỗng”, thế là mãn nguyện
của chúng tôi.
Kính
ghi
THÍCH
THANH TỪ
Tu
viện Chân Không, Ngày cuối thu 1980.
BÍCH
NHAM LỤC GIẢI ĐỀ
Bích
Nham Lục do Thiền sư Viên Ngộ đời Tống trước tác, nguồn
gốc của nó xuất phát từ Thiền sư Tuyết Đậu. Tuyết Đậu
chọn lựa trong Nội điển, Ngoại điển và Văn sử một trăm
tắc công án, dùng âm vận tụng ra chỗ sâu kín của Thiền,
làm tư lương cho những người tham học trong các tòng lâm,
gọi là Tuyết Đậu Tụng Cổ. Thiền sư biện tài vô ngại,
là nhà văn hào một thời, đủ chánh nhãn siêu cách, thật
là một Cao tăng xưa nay ít thấy. Những lời tụng này, nhiều
khách giang hồ truyền nhau, khen là một tuyệt tác trong thiên
hạ. Song lời gọn ý sâu, chẳng khác núi bạc, vách sắt.
Thiền khách khó nhọc nghiên tầm phân tích, như con muỗi cắn
trâu sắt, không có chỗ cắm mỏ. Sau khi Tuyết Đậu tịch
hơn sáu mươi năm, khoảng niên hiệu Chánh Hòa (1111-1114) đời
Tống Huy Tông, Thiền sư Viên Ngộ lúc ở viện Linh Tuyền,
Giáp Sơn, Lễ Châu, vì học giả đem một trăm tắc Tụng cổ
này mỗi mỗi chú thích. Ở đầu mỗi tắc là Thùy thị (lời
dẫn), kế Công án (bản tắc), sau câu Tụng cổ mỗi chỗ
phụ Trước ngữ, tiếp Bình xướng. Sư chọn lọc chỗ uyên
nguyên, chia chẻ thâm lý, phát huy huyền vi, tuyên bố phát
dương tông chỉ truyền riêng, chỉ thẳng rất khéo, rất tột.
Về
sau, khoảng niên hiệu Kiến Viêm (1127-1130) đời Tống Cao Tông,
đồ đệ của Sư là Phổ Chiếu… biên chép lại để tên
là Bích Nham Lục. Bởi vì tấm bảng trên ngạch trượng thất
tại viện Linh Tuyền đề là Bích Nham. Thiền sư Viên Ngộ
biện tài siêu xuất, văn chương tuyệt vời nên tên Bích Nham
đã làm dư luận chấn động một thời. Song sau khi Thiền
sư tịch, đệ tử chỉ nhớ tụng ngôn cú trong sách làm nhu
yếu biện luận tri giải, phản lại bản nghĩa “Giáo ngoại
biệt truyền, bất lập văn tự”. Thiền sư Đại Huệ Tông
Cảo là đệ tử nối pháp Viên Ngộ, thấy tệ ấy buồn than,
bèn mang bản gỗ chất trước sân chùa cho một mũi lửa thiêu
sạch, dứt lưu truyền ngang đây. Ngót hai trăm năm sau, trong
tòng lâm ít ai thấy được quyển sách này.
Khoảng
niên hiệu Đại Đức (1297-1307) vua Thành Tông nhà Nguyên, ở
Ngung Trung, cư sĩ Trương Minh Viễn (tên Vĩ) góp nhặt các bản
còn cất giữ mọi nơi, tham giảo bổ túc qua lại cho khắc
bản, phụ bản có cư sĩ Vạn Lý, Hưu Hưu, Tam giáo Lão nhân,
mỗi người viết tựa, ở sau Phương Hồi Tịnh Nhật, Hy Lăng
mỗi người viết lời bạt. Quyển sách này lại được ra
mắt độc giả, đáng gọi là quyển sách bậc nhất trong tông
môn. Thiền khách khắp nơi quí trọng, thích đọc, lưu truyền
sâu rộng cho đến ngày nay.
Bích
Nham Lục nguyên tác của Thiền sư Tuyết Đậu, cháu đời
thứ tư trong tông Vân Môn, đệ tử truyền pháp của Thiền
sư Trí Môn. Sư tục danh là Lý Trùng Hiển, tự là Ẩn Chi,
sanh năm thứ năm niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (978) nhà Tống,
tại Toại Châu. Khoảng niên hiệu Hàm Bình (998-1003), cha mẹ
mất hết, Sư vào viện Phổ An xuất gia với hóa chủ Nhân
Săn. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư tham học khắp các kinh luận.
Kế xả giáo môn, Sư đi tham vấn Thiền sư Thông ở Thạch
Môn Nhượng Dương, ở lại ba năm mà cơ duyên chẳng hợp.
Sư đến tham vấn Thiền sư Tộ ở Trí Môn Tùy Châu, liền
được thừa kế pháp ở đây. Sư sang đạo tràng của Thiền
sư Lâm ở Lô Châu, lại đến chùa Cảnh Đức Trì Châu nhận
chức Thủ tọa. Sau Sư dạo Hàng Châu, trụ tại chùa Thúy
Phong ở Động Đình Tô Châu, rồi dời sang Minh Châu ở chùa
Tư Thánh núi Tuyết Đậu. Núi Tuyết Đậu là đạo tràng của
Thiền sư Trí Giác, Sư ở đây ba mươi mốt năm, học giả
khắp nơi đua nhau nhóm họp dưới tòa. Thiên Y Nghĩa Hoài,
Xưng Tâm Tỉnh Tông… hơn bốn mươi người, hàng long tượng
xuất hiện, quả là thời tông Vân Môn trung hưng vậy. Thị
trung Cổ Công tâu về triều, vua ban hiệu Sư là Minh Giác Đại
Sư. Niên hiệu Hoàng Hựu năm thứ tư (1052) ngày mùng mười
tháng sáu, Sư thị tịch thọ bảy mươi ba tuổi, năm mươi
tuổi hạ. Những sách do Sư trước tác có: Bách Tắc Tụng
Cổ, Bộc Tuyền Tập, Tổ Anh Tập, Khai Đường Lục, Thập
Di… lưu hành ở đời.
Tác
giả Bích Nham Lục là Thiền sư Viên Ngộ ở Giáp Sơn, cháu
đời thứ mười tông Lâm Tế, tên Khắc Cần, tự Vô Trước,
con nhà họ Lạc ở huyện Sùng Ninh, Bành Châu. Gia thế chuyên
nghiệp Nho, thuở nhỏ Sư nhớ giỏi, một ngày học thuộc
cả ngàn lời. Sư dạo chùa Diệu Tịch thấy sách Phật có
cảm khái, liền xin xuất gia. Sư theo Pháp sư Văn Chiếu nghe
giảng, đến Tọa chủ Mẫn Hành học kinh Lăng Nghiêm. Sang
tham thiền, đến Thiền sư Hạo ở Ngọc Tuyền, Thiền sư
Tín ở Kim Loan, Thiền sư Hiệt ở Đại Qui, Thiền sư Tử
Tâm ở Hoàng Long, Thiền sư Độ ở Đông Lâm, các nơi đều
cho là pháp khí. Thiền sư Hối Đường ở Hoàng Long đặc
biệt khen “ngày sau phái Lâm Tế sẽ y nơi ông mà hưng thạnh”.
Rốt
sau, Sư đến Kỳ Châu tham vấn Thiền sư Pháp Diễn ở núi
Ngũ Tổ, liền được kế thừa dòng pháp ở đây. Niên hiệu
Chánh Hòa năm đầu (1111), Sư nhận lời thỉnh của Trương
Vô Tận đến trụ trì viện Lễ Tuyền tại Giáp Sơn, bình
xướng Bách Tắc Tụng Cổ của Tuyết Đậu, phát huy huyền
vi, thật ở lúc này. Khoảng niên hiệu Sùng Ninh, Sư dời đến
Đạo Lâm phủ An Sa, Khu mật Đặng Công Tử Thường tâu về
triều, vua ban tử y và hiệu Phật Quả. Vua Huy Tông triệu
Sư trụ trì Kim Long Tương Sơn, học giả tấp nập kéo đến,
khiến môn phong chấn thế. Vua lại sắc Sư trụ trì Thiên
Ninh Vạn Thọ, niên hiệu Kiến Viêm năm đầu (1127) dời trụ
Kim Sơn ở Trấn Giang. Gặp lúc vua Cao Tông đi dạo Dương Châu
mời Sư vào cung đối đáp, Vua ban hiệu là Viên Ngộ Thiền
Sư. Kế Sư dời đến Vân Cư Giang Tây trụ trì chùa Chiếu
Giác. Tháng tám niên hiệu Thiệu Hưng thứ năm (1135), Sư có
chút ít bệnh rồi tịch, vua sắc thụy là Chân Giác. Phần
trước tác của Sư có: Bích Nham Lục, Ngữ Lục hai mươi quyển,
Viên Ngộ Tâm Yếu hai quyển, Kích Tiết Lục ba quyển. Nối
pháp Sư có Đại Huệ Tông Cảo, Hổ Khưu Thiệu Long… hơn
hai mươi vị, gọi là trung hưng tông Lâm Tế.
TỰA
I
Mạng
mạch bậc chí thánh, đại cơ của liệt Tổ, thuốc hay hoán
cốt, thuật diệu nuôi thần, chỉ Thiền sư Tuyết Đậu có
đủ chánh nhãn siêu tông việt cách, đề cao chánh lệnh, chẳng
bày khuôn phép, cầm kiền chùy nấu Phật luyện Tổ, tụng
ra cái lỗ mũi hướng thượng của Thiền khách. Núi bạc vách
sắt, ai dám dùi mài, con muỗi cắn trâu sắt không có chỗ
cắm mỏ. Không gặp thợ tài đâu thấu chỗ huyền vi. Xứ
Việt có Phật Quả Lão Nhân, lúc ở Bích Nham, học giả không
hiểu thưa hỏi, Lão Nhân thương xót vạch bày chỗ uyên nguyên,
chia chẻ thâm lý, nêu lên chỉ thẳng, chẳng lập kiến tri,
một trăm tắc công án từ đầu quán xuyến làm một, các
bậc Trưởng lão thứ lớp thảy xét qua. Nên biết ngọc bích
nước Triệu vốn không tỳ, Tương Như dối gạt vua Tần.
Chí đạo thật không lời, Tông sư thương xót cứu tệ. Nếu
thấy như thế, mới biết tột tâm lão bà. Hoặc là nệ câu
kẹt lời, chưa khỏi diệt dòng họ Phật. Phổ Chiếu hân
hạnh hầu Sư dưới gối, được nghe điều chưa nghe, bạn
đạo chung họp thành, biên gọn lại, dùng lời vụng về viết
tựa sau chót.
Bấy
giờ niên hiệu Kiến Viêm năm Mậu Thân, ngày ba mươi cuối
xuân, đệ tử tham học Tỳ-kheo Phổ Chiếu kính tựa.
TỰA
II
Từ
kinh Tứ Thập Nhị Chương truyền vào Trung Quốc mới biết
có Phật. Từ Tổ Đạt-ma đến Lục Tổ truyền y mới có
ngôn cú. Nói “Bản lai vô nhất vật” là Nam tông, nói “Thời
thời cần phất thức” là Bắc tông. Khi có Thiền tông liền
có Tụng cổ lưu hành ở đời. Đồ đệ kia có lối lật
bàn, chê Phật quở Tổ, không gì chẳng làm. Trong ấy, có
người đạt được hoạt pháp của thi gia nhà ta, song đã
nói “Đệ nhất nghĩa đâu dùng ngôn cú”. Tuyết Đậu, Viên
Ngộ tâm lão bà tha thiết, Đại Huệ cho một mũi lửa thiêu
sạch. Ở Ngung Trung, Trương Vĩ Minh Viễn nhóm lại đống tro
tàn, tái bản lưu hành, cũng đáng gọi là tâm lão bà tha thiết
ấy vậy.
Niên
hiệu Đại Đức thứ bốn (1300) năm Canh Tý, ngày mùng tám
tháng tư Quí Sửu, núi Tử Dương Phương Hồi Vạn Lý tựa.
TỰA
III
Bích
Nham Lục do Thiền sư Viên Ngộ trước thuật, đệ tử lớn
của Sư là Thiền sư Đại Huệ đốt sạch. Các pháp thế
gian đều kỵ chấp trước, chỗ qui kính của Thích tử không
ai bằng Phật mà có khi vẫn phải quở. Bởi có ta mà không
kia, do ta mà không do kia vậy. Bỏ mình theo vật ắt phải mất
mình. Phàm tâm với đạo là một, đạo cùng vạn vật là
một, đầy dẫy thái hư, có cái gì mà chẳng phải đạo.
Người tầm thường xem đó, hay thấy cái bị thấy, mà chẳng
thấy cái chẳng bị thấy. Tìm cầu nơi người, mà người
vì nói đó, như Đông Pha dụ mặt trời [Tô Đông Pha nói:
Như người bệnh mắt, tìm thầy thuốc trị cho con mắt sáng.
Thầy thuốc bảo: Tôi chỉ có thuốc trị bệnh mắt, chớ
không có thuốc làm sáng mắt. Con mắt làm sáng được, lại
phải bị tối. (Trí Chứng Truyền - trang 341 tập 1)], tìm qua
kiếm lại càng xa càng mất. Từ Phu Tử của ta, thể đạo
còn muốn không nói, huống là nhà Phật là pháp xuất thế
gian, mà có thể nơi văn tự ngôn ngữ tìm cầu được sao
? Tuy nhiên cũng không thể bỏ, vì người trí ít, người ngu
nhiều, người học rồi ít, người chưa học nhiều. Đại
tạng kinh hơn năm ngàn quyển, trọn vì người sau lập bày.
Nếu khả dĩ quên lời, ông già Thích-ca lẽ ra phải ngậm
miệng, vì sao lại nói thao thao như vậy. Lý của thiên hạ
vẫn có trong tầm thường, mà vượt ra hình tướng tầm thường.
Tuy dường dễ biết mà thật chưa dễ biết, chẳng nhờ người
chỉ dạy thì trọn đời cũng không thể biết. Người xưa
nổi danh trong đời, chẳng phải bậc anh của ngàn người,
cũng là bậc kiệt của muôn người. Kiếm Thái A là loại
kiếm bén nhất trong thiên hạ, lên núi thì giết được cọp,
xuống biển thì chém được rồng, người đời đều biết,
trọn là như thế. Song cổ nhân có chỗ thiện dụng, nương
thành mà chiến, thuận gió mà huơi. Tam quân vì đó mà đại
bại, máu tuôn đỏ cả ngàn dặm. Thế đâu chẳng do sở năng
của một mình, lại còn nghi gì ư ? Từ tôi nghe có quyển
sách này, rất mực tìm kiếm. Họ Trương ở Ngung Trung mới
khắc bản gỗ lại, đến mời tôi viết tựa, bèn trợ giúp
được thành tựu, lại vì đề ở đầu.
Niên
hiệu Đại Đức thứ chín (1306) năm Ất Tỵ, ngày lành tháng
ba, Ngọc Sầm Hưu Hưu cư sĩ, Liêu Thành Châu Trì, viết tại
nhà trọ Quán Kiều sông Tiền Đường.
TỰA
IV
Hỏi:
Người làm thành và người tiêu hủy tập Bích Nham ai phải
? Đáp: Đều phải. Từ Tổ Đạt-ma sang Trung Quốc riêng
truyền tâm ấn, chẳng lập văn tự mà có các luận Huyết
Mạch, Qui Không… quả thực ai làm đó ư ? Cổ nhân nói: “Chẳng
tại văn tự, chẳng lìa văn tự” là lời của người thật
biết, đã khiến mọi người cuốn rèm (Cuốn rèm: Trường
Khánh Huệ Lăng) nghe bản, dựng ngón tay (Câu chi), chạm gót
chân… sáng được đại sự, nào có văn tự chi đâu. Từ
đưa cành hoa cười chúm chím đến nay, cây phướn trước
cửa ngã, về sau mới dính với ngôn cú. Chẳng có văn tự
thì không lấy đâu truyền bá, thế là không thể bỏ vậy.
Thường bảo sách của Thiền tông gọi là Công án, xướng
từ đời Đường mà thạnh ở đời Tống, đến nay vẫn còn.
Hai chữ này trong pháp thế gian là thủ trát quan đòi, cái
dụng nó có ba:
a.
Xây mặt vào vách thành công, hành cước việc rồi, trái cân
bàn thì khó rõ (một tiêu chuẩn cố định), loài dã hồ thì
dễ đọa. Hàng cụ nhãn vì đó khám biện một quở một hét,
cốt thấy lẽ thật, như lão quan cứ án luận tội, trong ấy
hẳn thấy tình thật chẳng sót một mảy.
b.
Từ Lãnh Nam mới về, Giang Tây chưa hớp nước, những lối
tẻ mất dê dễ khóc, kim chỉ nam trên hải bàn hướng về
Nam, vì lòng từ bi tiếp dẫn một gậy, một tát cốt khiến
chứng ngộ, như quan Đình Úy chấp pháp, không tội thì tha,
có tội thì phạt.
c.
Ăn lúa mạ khá nhiều, cọc cột lừa quá chặt, chí học dịch
phải chuyên, màu tơ nhuộm dễ buồn. Đại thiện tri thức
vì đó phó chúc, theo tâm chết trên bồ đoàn, một động
một tham, như quan phủ ra các điều lệnh, khiến người đọc
biết luật pháp, niệm ác vừa sanh xoay trở về tịch diệt.
Sách
cụ phương, tạo công án, bày cơ cảnh, làm cách lệnh, với
các sách thế gian Kim Khoa, Ngọc Điều, Thanh Minh, Đối Việt
ban đầu nào có khác.
Tổ
sư sở dĩ lập công án lưu truyền trong tòng lâm là ý dụng
như thế. Bởi vì thời mạt pháp về sau, người cầu diệu
tâm nơi giấy lau ghẻ, phó chánh pháp nơi miệng luận bàn,
điểm hết quỉ thần vẫn không rời bộ sổ. Đứng dựa
cửa người mặc gọi anh chàng, kiếm rơi lâu rồi vẫn còn
khắc thuyền, thỏ chạy mất rồi mà không rời gốc cây,
đầy bụng sắn bìm, hay hỏi ngôn chuyển ngữ, đối với
việc lớn sanh tử vẫn không can thiệp. Chuông kêu chảy cạn,
sẽ dùng việc gì. Than ôi ! Con linh dương mọc sừng đâu có
thể dùng hình tướng khắp tìm, người khéo học Liễu Hạ
Huệ há bước cũng bước, chạy cũng chạy ư ? Biết thế,
ắt tâm hai lão nhân đều phải. Viên Ngộ tâm xót con thương
cháu quá nhiều nên niêm lại các tụng của Tuyết Đậu. Đại
Huệ tâm cứu bị thiêu vớt chết đuối khá nặng, nên thiêu
sạch Bích Nham Tập. Đức Thích-ca nói Đại tạng kinh, rốt
sau bèn bảo: “chẳng nói một chữ”, há dối ta sao ? Tâm
của Viên Ngộ là tâm của Phật nói kinh. Tâm Đại Huệ là
tâm của Phật đẹp ngôn thuyết. Ở Vũ Lăng Nhan Tử dời
chỗ đều như thế, xô đó, đẩy đó cốt vì xe đi mà thôi.
Đến nay đã hơn hai trăm năm, ở Ngung Trung, Trương Minh Viễn
lại khắc bản lưu truyền sách này, có phải là Tổ giáo
hồi xuân chăng ? Hay đời có số chăng ? Song lưu hành sách
này thật quan hệ thâm trọng, nếu thấy nước cho là biển,
nhận ngón tay làm mặt trăng, chẳng những ngài Đại Huệ
lo đó, mà Viên Ngộ cũng vì họ gỡ niêm mở trói. Người
xưa tả chiếu có thơ rằng: “Rõ ràng trên giấy Trương công
tử, tận lực to lời gọi chẳng ừ.” Muốn xem sách này,
trước phải tham lời này.
Niên
hiệu Đại Đức mười lăm (1312) tháng tư năm Giáp Thìn, Tam
Giáo Lão nhân ghi.