TẮC
11: HOÀNG BÁ BỌN ĂN HÈM
LỜI
DẪN: Đại cơ Phật Tổ toàn nắm trong tay, mạng mạch nhân
thiên nằm trong tiếng gọi, thảnh thơi một lời một câu
kinh động quần chúng, một cơ một cảnh đập xích phá cùm,
tiếp cơ hướng thượng nêu việc hướng thượng. Hãy nói
người nào từng đến thế ấy, có biết chỗ rơi chăng, thử
nêu xem ?
CÔNG
ÁN: Hoàng Bá dạy chúng: Cả thảy các ngươi đều là bọn
ăn hèm, hành khước thế ấy chỗ nào có ngày nay ? Lại biết
trong nước Đại Đường có Thiền sư chăng ? Có vị Tăng
ra thưa: Chỉ như các nơi khuông đồ lãnh chúng lại là gì
? Hoàng Bá bảo: Chẳng nói không thiền, chỉ là không Sư.
GIẢI
THÍCH: Hoàng Bá thân cao bảy thước (2,80m), trên trán có hạt
châu tròn, thiên tánh hội thiền. Sư đi dạo Thiên Thai,
trên đường gặp một vị Tăng cùng bàn luận vui cười như
người quen cũ, nhìn kỹ là người đã chết, có chút ít tướng
lạ. Hai người đồng đi, gặp dòng suối nước tràn chảy
mạnh, Sư chống gậy lột nón đứng lại, vị Tăng kia thúc
Sư đồng qua. Sư bảo: Mời qua trước. Vị Tăng kia liền vén
áo bước trên sóng đi qua, như bước trên đất bằng. Qua
rồi, vị Tăng gọi: Qua đây ! Qua đây ! Sư quở: Gã tự liễu
này ! Nếu tôi sớm biết làm quái, sẽ chặt bắp đùi huynh.
Vị Tăng kia khen: Thật là pháp khí Đại thừa. Nói xong nhìn
lại chẳng thấy ông. Sư ban đầu đến Bá Trượng, Bá Trượng
hỏi: Vòi vọi rỡ rỡ từ chỗ nào đến ? Sư thưa: Vòi vọi
rỡ rỡ từ Lãnh Trung đến. Bá Trượng hỏi: Đến vì việc
gì ? Sư thưa: Chẳng vì việc khác. Bá Trượng thầm nhận
đó. Hôm khác, Sư đến từ Bá Trượng, Bá Trượng hỏi: Định
đi đâu ? Sư thưa: Đến Giang Tây lễ bái Mã Đại sư. Bá
Trượng bảo: Mã Đại sư tịch rồi.Ông hãy nói Hoàng Bá
hỏi thế ấy là biết mà hỏi hay không biết mà hỏi ? Sư
thưa: Con mơ ước đến lễ bái mà phước duyên cạn mỏng
không được yết kiến. Chẳng biết bình thường Ngài có
lời dạy gì, mong được nghe nhắc lại ? Bá Trượng nhắc
lại nhân duyên tái tham vấn Mã Tổ, Mã Tổ thấy ta đến
liền dựng đứng cây phất tử, ta hỏi: Tức đây dùng lìa
đây dùng ? Mã Tổ bèn treo cây phất tử ở góc giường thiền.
Giây lâu Mã Tổ hỏi ta: Ngươi về sau đập hai miếng da, vì
người thế nào ? Ta lấy cây phất tử dựng đứng. Mã Tổ
hỏi: Tức đây dùng lìa đây dùng ? Ta đem cây phất tử máng
ở góc giường thiền. Mã Tổ chấn chỉnh oai nghi hét một
tiếng, ta khi ấy đến ba ngày lỗ tai còn điếc. Hoàng Bá
bất chợt hoảng hốt le lưỡi. Bá Trượng bảo: Ngươi về
sau kế thừa Mã Tổ chăng ? Sư thưa: Chẳng phải thế, ngày
nay nghe thầy nhắc lại, được thấy Mã Đại sư đại cơ
đại dụng, nếu kế thừa Mã Đại sư về sau mất hết con
cháu của con. Bá Trượng bảo: Đúng thế ! Đúng thế ! Thấy
bằng thầy kém thầy nửa đức, trí vượt hơn thầy mới
kham truyền thụ. Chỗ thấy của ngươi hiện nay quả là có
tác dụng vượt hơn thầy. Quí vị hãy nói, Hoàng Bá hỏi
thế ấy là biết mà cố hỏi hay không biết mà hỏi ? Cần
phải thân thấy chỗ hành lý trong nhà cha con họ mới được.
Một hôm, Hoàng Bá lại hỏi Bá Trượng: Tông thừa về trước
làm sao chỉ dạy ? Bá Trượng im lặng giây lâu. Hoàng Bá thưa:
Không thể khiến người sau, đoạn tuyệt. Bá Trượng nói:
Toan bảo ngươi là một cá nhân. Bèn đứng dậy đi vào phương
trượng.
Hoàng
Bá cùng Tướng quốc Bùi Hưu là bạn phương ngoại. Bùi Hưu
trấn Uyển Lăng thỉnh Sư đến quận đường, đem quyển sách
ông viết trao cho Sư xem. Sư tiếp nhận rồi để dưới tòa,
bỏ qua không giở ra xem, im lặng giây lâu hỏi: Hội chăng
? Bùi Hưu thưa: Chẳng hội. Hoàng Bá nói: Nếu thế ấy hội
được vẫn còn sơ sài, nếu bày trên giấy mực thì chỗ
nào lại có Tông của ta. Bùi Hưu bèn làm bài tụng tán thán:
TỤNG:
Tự tùng Đại sĩ truyền tâm ấn
Ngạch hữu viên châu thất xích thân
Quải tích thập niên thê Thục thủy
Phù bôi kim nhật độ Chương Tân
Vạn lý hương hoa kết thắng nhân
Nghĩ dục sự Sư vi đệ tử
Bất tri tương pháp phó hà nhân.
DỊCH:
Kể từ Đại sĩ truyền tâm ấn
Chiếc thân bảy thước trán minh châu
Chống gậy mười năm nương đất Thục
Hôm nay cỡi sóng sang Chương Tân
Tám ngàn long tượng theo chân bước
Muôn dặm hương hoa kết thắng nhân
Lòng muốn thờ thầy làm đệ tử
Chẳng biết pháp gì gởi cho người.
Sư cũng không có vẻ vui nói:
Tâm như đại hải vô biên tế
Khẩu thổ hồng liên dưỡng bệnh thân
Tự hữu nhất song vô sự thủ
Bất tằng chi ấp đẳng nhàn nhân.
DỊCH:
Tâm như bể cả không ngằn mé
Miệng nhả sen hồng nuôi bệnh thân
Sẵn có một đôi tay không việc
Chẳng từng kính vái kẻ ưa nhàn.
Sau
khi Sư trụ trì cơ phong cao vót, Lâm Tế ở trong hội, Mục
Châu làm Thủ tọa. Mục Châu hỏi Lâm Tế: Thượng tọa ở
đây đã lâu sao chẳng đến hỏi thoại ? Lâm Tế thưa: Bảo
tôi hỏi thoại gì mới được ? Thủ tọa bảo: Sao không hỏi
thế nào là đại ý Phật pháp ? Lâm Tế liền đi hỏi, ba
phen bị đánh đuổi ra. Lâm Tế đến từ giã Thủ tọa: Nhờ
Thủ tọa dạy ba phen đến hỏi đều bị đánh đuổi ra, e
nhân duyên không phải ở đây, tạm thời xin xuống núi. Thủ
tọa bảo: Ông muốn đi nên đến từ giã Hòa thượng rồi
sẽ đi. Thủ tọa đến trước bạch Hoàng Bá: Thượng tọa
đến hỏi thoại thật là ít có, sao Hòa thượng không đục
đẽo khiến thành cội cây to che mát người sau ? Hoàng Bá
nói: Ta đã biết ! Lâm Tế đến từ giã, Hoàng Bá bảo: Ông
không nên đi nơi khác, hãy thẳng đến bến Cao An yết kiến
Đại Ngu. Lâm Tế đến Đại Ngu thuật lại lời hỏi trước,
chẳng biết con lỗi tại chỗ nào ? Đại Ngu nói: Hoàng Bá
thật tâm lão bà tha thiết vì ông triệt khốn, lại hỏi có
lỗi không lỗi. Lâm Tế bỗng nhiên đại ngộ, nói: Phật
pháp Hoàng Bá rất ít. Đại Ngu nắm đứng bảo: Ông vừa
rồi nói có lỗi không lỗi, giờ đây nói Phật pháp Hoàng
Bá rất ít. Lâm Tế nhằm hông Đại Ngu thoi ba cái. Đại Ngu
buông ra bảo: Thầy ông là Hoàng Bá, không can gì việc của
ta.
Một
hôm Hoàng Bá nói: “Đại sư Pháp Dung ở núi Ngưu Đầu nói
ngang nói dọc vẫn chưa biết cây chốt cửa hướng thượng.”
Bấy giờ, dưới hội Thạch Đầu Mã Tổ, Thiền tăng đông
vầy nói thiền nói đạo, tại sao Sư lại nói như thế ? Sở
dĩ dạy chúng: “Cả thảy các ông đều là kẻ ăn hèm, đi
hành cước thế ấy chỉ khiến cho người ta cười, chỉ thấy
tám trăm, một ngàn người liền ra đi, không thể cam chịu
sự ồn náo. Trong đây thảy đều dung dị như các ông thì
làm gì lại có việc ngày nay ?.” Thời Đường ưa mắng người
bằng câu “kẻ ăn hèm”. Nhiều người nói Hoàng Bá mắng
người ta. Kẻ mắt sáng tự thấy chỗ rơi của Sư. Đại
ý thả một lưỡi câu để nhử người hỏi. Trong chúng có
Thiền khách không tiếc thân mạng, liền hiểu như thế ra
chúng hỏi: Hiện nay các nơi khuông đồ lãnh chúng lại là
sao ? Cũng nên cho một tát. Lão này quả nhiên bối rối liền
ló đuôi, nói: Chẳng nói không thiền chỉ là không Sư. Hãy
nói ý tại chỗ nào ? Tông chỉ của Sư từ trước có khi
bắt, có khi thả, có khi giết, có khi tha, có khi buông, có
khi giữ. Dám hỏi quí vị: Thế nào Sư ở trong thiền ? Sơn
tăng nói thế ấy đã là khắp đầu chìm ngấm rồi. Lỗ mũi
quí vị ở chỗ nào ? Giây lâu nói: Xỏ qua rồi.
TỤNG:
Lẫm lẫm cô phong bất tự khoa
Đoan cư hoàng hải định Long xà
Đại Trung Thiên tử tằng khinh xúc
Tam độ thân tao lộng trảo nha.
DỊCH:
Lẫm lẫm cô phong chẳng tự khoe
Ngồi yên biển cả định Long xà
Đại Trung Thiên tử từng bị tát
Ba trận thân đùa nanh vuốt nhe.
GIẢI
TỤNG: Bài tụng này của Tuyết Đậu dường như bài chân
tán Hoàng Bá. Song chúng ta không hiểu theo chân tán thì dưới
câu liền có chỗ xuất thân. Nói rõ ràng rằng “lẫm lẫm
cô phong chẳng tự khoe”, Hoàng Bá dạy chúng thế ấy, chẳng
phải tranh thắng người thua mình, tự trình tự khoe. Nếu
hội được tin tức này, mặc tình bảy dọc tám ngang, có
khi đứng một mình trên ngọn cô phong, có khi nằm ngang giữa
chốn thành thị, đâu thể riêng giữ một góc. Càng xả càng
chẳng hết, càng tìm càng chẳng thấy, càng gánh gồng càng
chìm lịm. Người xưa nói: “Không cánh khắp thiên hạ, có
danh truyền thế gian.” Tận tình buông hết Phật pháp, đạo
lý huyền diệu kỳ đặc, buông sạch không còn chút gì, tự
nhiên xúc xứ hiện thành. Tuyết Đậu nói “ngồi yên biển
cả định long xà”, là rồng là rắn vào cửa đều nghiệm
được, gọi là định long xà nhãn, cầm hổ hủy cơ (con mắt
định rồng rắn, máy bắt cọp tê giác). Tuyết Đậu lại
nói “định long xà chừ mắt nào chánh, cầm hổ hủy chừ
cơ chẳng toàn”. Hai câu “Đại Trung thiên tử từng bị
tát, ba trận thân đùa nanh vuốt nhe”, Hoàng Bá đâu phải
chỉ hiện nay thủ đoạn ác, mà từ trước đến giờ là
thế. Đại Trung thiên tử theo truyện Tục Hàm Thông chép:
Vua Đường Hiến Tông có hai người con là Mục Tông và Tuyên
Tông. Tuyên Tông tức là Đại Trung, mới mười ba tuổi mà
rất thông minh, thích ngồi kiết-già. Khi Mục Tông đang tại
vị, nhân bãi triều sớm, Đại Trung đùa, lên long sàng ngồi,
làm thế quần thần kính bái. Đại thần xem thấy cho đó
là tâm phong, bèn tâu lên Mục Tông. Mục Tông thấy vỗ về
khen: Em ta là bậc anh tài của Tông tổ ta. Niên hiệu Trường
Khánh thứ tư (824), Mục Tông băng hà. Mục Tông có ba người
con là Kỉnh Tông, Văn Tông và Võ Tông. Kỉnh Tông nối ngôi
vua cha được hai năm, nội thần mưu thay đổi. Văn Tông lên
ngôi mười bốn năm, kế Võ Tông lên ngôi. Võ Tông gọi Đại
Trung là si nô. Một hôm, Võ Tông hận Đại Trung ngày xưa lên
long sàng của cha mình ngồi, bèn lôi ra đánh đến chết đem
bỏ trong vườn, dùng nước nhơ rưới lên được tỉnh trở
lại. Sau khi tỉnh, Đại Trung lén trốn vào hội của Thiền
sư Chí Nhàn ở Hương Nghiêm, cạo tóc làm Sa-di. Chưa thọ
giới Cụ túc, theo Chí Nhàn du phương đến Lô Sơn. Nhân Chí
Nhàn làm thơ đề Bộc Bố (Nước trên núi chảy xuống như
tấm vải treo):
Xuyên vân thấu thạch bất từ lao
Địa viễn phương tri xuất xứ cao.
DỊCH:
Phủng mây soi đá biết nhọc nào
Xa tít mới hay xuất xứ cao.
Chí
Nhàn ngâm hai câu này rồi, ngẫm nghĩ mãi cố ý câu cho y thổ
lộ xem ngữ mạch thế nào. Đại Trung tiếp:
Khê giản khởi năng lưu đắc trụ
Chung qui đại hải tác ba đào.
DỊCH:
Khe suối tài gì ngăn được đứng
Trọn về bể cả dấy ba đào.
Chí
Nhàn biết không phải người tầm thường, chỉ thầm biết
thôi, sau đến trong hội Diêm Quan thỉnh Đại Trung làm thư
ký, Hoàng Bá làm Thủ tọa. Một hôm, Hoàng Bá đi lễ Phật,
Đại Trung thấy hỏi: Chẳng cầu Phật, chẳng cầu Pháp, chẳng
cầu Tăng, vậy lễ bái để cầu cái gì ? Hoàng Bá đáp: Chẳng
cầu Phật, chẳng cầu Pháp, chẳng cầu Tăng, thường lễ
như thế. Đại Trung bảo: Dùng lễ làm gì ? Hoàng Bá liền
tát tai. Đại Trung nói: Quá thô ! Hoàng Bá nói: Trong đây còn
gì nói thô nói tế. Hoàng Bá lại tát tai. Sau Đại Trung lên
ngôi vua, ban Hoàng Bá hiệu “Thô hạnh Sa-môn”. Tướng quốc
Bùi Hưu ở triều tâu xin ban hiệu là: Đoạn Tế Thiền sư.
Tuyết Đậu biết rõ huyết mạch xuất xứ ấy nên ứng dụng
rất khéo. Hiện nay có người đùa nanh vuốt chăng ? Liền
đánh.
?
TẮC
12: ĐỘNG SƠN BA CÂN GAI
LỜI
DẪN: Đao giết người kiếm tha người là phong qui từ thượng
cổ, cũng là chỗ khu yếu của hiện nay. Nếu luận về giết
thì không chạm đến mảy lông, nếu luận về tha thì tan thân
mất mạng. Vì thế nói: “Con đường hướng thượng ngàn
Thánh chẳng truyền, học giả nhọc hình như khỉ bắt bóng.”
Hãy nói đã là chẳng truyền, vì sao lại có rất nhiều công
án sắn bìm ? Người đủ mắt sáng thử nói xem !
CÔNG
ÁN: Tăng hỏi Động Sơn Thủ Sơ: Thế nào là Phật ? Động
Sơn đáp: Ba cân gai.
GIẢI
THÍCH: Công án này nhiều người hiểu lầm, hẳn là khó nhai
gặm, không có chỗ cho ông mở miệng. Tại sao ? Vì nhạt nhẽo
không có mùi vị. Người xưa đã lắm lần đáp câu hỏi Phật,
hoặc nói ở trong điện, hoặc nói ba mươi hai tướng, hoặc
nói trong rừng dưới núi tre trúc tươi. Động Sơn đáp ba
cân gai, quả là cắt đứt đầu lưỡi người xưa. Nhiều
người khởi hiểu câu này, khi ấy Động Sơn đang cân gai
trong kho, Tăng hỏi nên đáp như thế, hoặc nói Động Sơn
hỏi Đông đáp Tây, hoặc nói ông là Phật lại đi hỏi Phật,
nên Động Sơn đi quanh đáp cho gã chết. Hoặc nói chỉ ba
cân gai này là Phật. Thật hoàn toàn không dính dáng. Nếu
ông dưới câu của Động Sơn hiểu như thế, tham vấn đến
Phật Di-lặc ra đời cũng chưa mộng thấy. Tại sao ? Vì ngôn
ngữ chỉ là món đồ chở đạo. Sao chẳng biết ý của cổ
nhân, chỉ chăm vào trong câu tìm cầu có gì chân thật. Người
xưa nói: Đạo vốn không lời, nhân lời hiển đạo, thấy
đạo phải quên lời. Nếu đến đây trả lại ta cơ đệ
nhất mới được. Chỉ câu “ba cân gai” giống như con đường
Trường An giở chân lên để chân xuống đều là phải. Câu
nói này so với câu “bánh hồ” của Vân Môn cũng đồng
một loại, quả là khó hội. Ngũ Tổ tiên sư tụng:
TỤNG:
Tiện mại đảm bản hán
Thiếp bình ma tam cân
Thiên bách niên trệ hóa
Vô xứ trước hồn thân.
DỊCH:
Kẻ hèn gánh bảng bán
Đo lường ba cân gai
Trăm ngàn năm mắc kẹt