TẮC
21: TRÍ MÔN HOA SEN LÁ SEN
LỜI
DẪN: Dựng pháp tràng lập tông chỉ, trên gấm thêm hoa. Lột
dây dàm, tháo yên cương là thời tiết thái bình. Hoặc là
biện được câu cách ngoại nêu một rõ ba, bằng chưa như
thế, như trước lắng nghe xử phân.
CÔNG
ÁN: Tăng hỏi Trí Môn: Khi hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế
nào ? Trí Môn đáp: Hoa sen. Tăng hỏi: Sau khi ra khỏi nước
thì thế nào ? Trí Môn đáp: Lá sen.
GIẢI
THÍCH: Trí Môn nếu là ứng cơ tiếp vật, còn xa đôi phần.
Nếu là cắt đứt các dòng thì ngàn dặm muôn dặm. Hãy nói,
hoa sen ra khỏi nước cùng chưa ra khỏi nước, là một là
hai ? Nếu thế ấy thấy được, hứa ông có chỗ vào. Tuy
nhiên như thế, nếu nói là một thì lẫn lộn Phật tánh,
lộn xộn Chân như. Nếu nói là hai thì tâm cảnh chưa quên,
rơi trên đường tri giải, chạy biết bao giờ dừng. Thử
nói ý cổ nhân thế nào ? Kỳ thật không có nhiều việc.
Vì thế Đầu Tử nói: “Ông chỉ chớ kẹt danh ngôn số cú,
nếu rõ các việc tự nhiên chẳng kẹt, tức không có nhiều
vị thứ chẳng đồng, ông nhiếp tất cả pháp, tất cả pháp
nhiếp ông chẳng được, vốn không được mất, mộng huyễn
danh mục nhiều như thế, không nên gắng gượng vì nó an lập
danh tự, dối gạt các ông được chăng ? Vì các ông hỏi
nên có nói, nếu các ông chẳng hỏi, bảo tôi nhằm các ông
nói cái gì ? Chính được tất cả việc đều do các ông đem
được đến, trọn chẳng can gì việc của ta.” Cổ nhân
nói: Muốn biết nghĩa Phật tánh, phải xem thời tiết nhân
duyên. Vân Môn nhắc việc Tăng hỏi Linh Vân: Khi Phật chưa
ra đời thì thế nào ? Linh Vân dựng đứng cây phất tử.
Tăng hỏi: Sau khi ra đời thì thế nào ? Linh Vân cũng dựng
đứng cây phất tử. Vân Môn nói: Đầu trước đánh được,
đầu sau đánh chẳng được. Lại nói: Chẳng nói ra đời
cùng chẳng ra đời, chỗ nào có thời tiết y hỏi: Cổ nhân
một hỏi một đáp, hợp thời hợp tiết, không có nhiều
việc. Nếu ông tìm lời theo câu, trọn không giao thiệp. Nếu
ông trong lời nói thấu được lời nói, trong ý thấu được
ý, trong cơ thấu được cơ, buông đi khiến được thảnh
thơi, mới thấy chỗ đáp thoại của Trí Môn. Những câu hỏi:
Khi Phật chưa ra đời thì thế nào ? Khi Ngưu Đầu chưa thấy
Tứ Tổ thì thế nào ? Khi lẫn lộn trong đá hỗn độn chưa
phân thì thế nào ? Khi cha mẹ chưa sanh thì thế nào ? Vân
Môn nói: Từ xưa đến nay chỉ là một đoạn sự, không phải
không quấy, không được không mất, không sanh cùng chưa sanh.
Cổ nhân đến trong ấy tung một đường, có ra có vào. Nếu
là người chưa liễu thì sờ rào mò vách, nương cỏ gá cây.
Hoặc dạy y buông sạch đi, hoặc đánh cho y chạy vào rừng
hoang rậm rạp mênh mang. Nếu là người được suốt mười
hai giờ chẳng gá nương một vật, tuy chẳng gá nương một
vật, mà bày một cơ một cảnh làm sao mò tìm ? Ông Tăng này
hỏi: Khi hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào ? Trí Môn
đáp: Hoa sen. Đó chỉ là ngăn hỏi. Một câu đáp này quả
là kỳ đặc. Các nơi đều gọi là lời điên đảo, vì sao
như thế ? Nham Đầu nói: Thường quí trước khi chưa mở miệng,
vẫn còn so sánh đôi phần. Cổ nhân chỗ bày cơ đã là ló
đuôi rồi. Hiện nay, học giả chẳng hiểu ý cổ nhân, chỉ
cần lý luận, đã ra khỏi nước cùng chưa ra khỏi nước,
có dính dáng chút nào ? Có vị Tăng hỏi Trí Môn: Thế nào
là Bát-nhã thể ? Trí Môn đáp: Con trai ngậm trăng sáng. Tăng
hỏi: Thế nào là Bát-nhã dụng ? Trí Môn đáp: Con thỏ mang
thai. Xem Sư đối đáp như thế, người khắp thiên hạ thảo
luận về ngữ mạch của Sư chẳng được. Hoặc có người
hỏi Giáp Sơn: Khi hoa sen chưa ra khỏi nước thì thế nào ?
Giáp Sơn đáp: Cột cái, lồng đèn. Hãy nói cùng hoa sen là
đồng là khác ? Tăng hỏi: Sau khi ra khỏi nước thì thế nào
? Đáp: Đầu gậy khêu nhật nguyệt, dưới chân sình rất
sâu. Ông thử nói phải hay chẳng phải ? Chớ lầm nhận trái
cân bàn (một tiêu chuẩn cố định). Tuyết Đậu quá ư từ
bi đập phá tình giải người, tụng ra:
TỤNG:
Liên hoa hà diệp báo quân tri
Xuất thủy hà như vị xuất thì
Giang Bắc, Giang Nam vấn Vương lão
Nhất hồ nghi liễu nhất hồ nghi.
DỊCH:
Hoa sen lá sen bảo anh tri
Khỏi nước sao bằng chưa khỏi thì
Giang Bắc, Giang Nam hỏi Vương lão
Một hồ nghi lại một hồ nghi.
GIẢI
TỤNG: Trí Môn vốn là người đất Chiết, thường vào đất
Xuyên tham vấn Hương Lâm, đã thấu triệt, trở về trụ trì
chùa Trí Môn ở Tùy Châu. Tuyết Đậu là đích tử của Sư,
thấy được chỗ cùng huyền cực diệu, nên nói: “Hoa sen
lá sen bảo anh tri, khỏi nước sao bằng chưa khỏi thì.”
Trong đây cốt người ngay đó bèn hội. Sơn tăng nói: Khi chưa
khỏi nước thế nào ? - Cột cái, lồng đèn - Sau khi ra khỏi
nước thế nào ? - Đầu gậy khêu nhật nguyệt, dưới chân
sình rất sâu. Ông chớ lầm nhận trái cân bàn (một tiêu
chuẩn cố định). Hiện nay, người gặm ngôn cú có chừng
bao nhiêu ? Ông nói khi chưa ra khỏi nước là thời tiết gì
? Khi ra khỏi nước là thời tiết gì ? Nếu nhằm trong đây
thấy được, bảo ông thân thấy Trí Môn. Tuyết Đậu nói:
Nếu ông chẳng thấy thì đến “Giang Bắc, Giang Nam hỏi Vương
lão”. Ý Tuyết Đậu nói ông chỉ quản đến Giang Bắc, Giang
Nam, hỏi tôn túc ra khỏi nước cùng chưa ra khỏi nước. Giang
Nam thêm hai câu, Giang Bắc thêm hai câu, một lớp thêm một
lớp, lần lượt sanh nghi. Thử nói đến bao giờ được hết
nghi ? Như con chồn hoang đa nghi, đi trên khối băng lắng nghe
tiếng nước, nếu chẳng có tiếng mới dám qua sông. Người
tham học nếu “Một hồ nghi lại một hồ nghi”, đến khi
nào được bình ổn ?
?
TẮC
22: TUYẾT PHONG CON RẮN TO
LỜI
DẪN: Lớn không gì ngoài, nhỏ bằng lân hư, bắt thả chẳng
phải ai, cuộn lại buông ra tại ta. Nếu muốn gỡ niêm mở
trói, cần phải lấp dấu nuốt tiếng, người người ngồi
đoạn yếu tân, mỗi mỗi vách đứng ngàn nhẫn. Hãy nói là
cảnh giới của người nào, thử nêu xem ?
CÔNG
ÁN: Tuyết Phong dạy chúng: Núi Nam có con rắn to, cả thảy
các ông cần phải khéo xem. Trường Khánh nói: Ngày nay trong
nhà có người tan thân mất mạng. Có vị Tăng kể lại cho
Huyền Sa nghe, Huyền Sa nói: Phải là Lăng huynh mới được,
tuy nhiên như thế, tôi thì chẳng vậy. Tăng hỏi: Hòa thượng
thế nào ? Huyền Sa đáp: Dùng núi Nam làm gì ? Vân Môn lấy
cây gậy ném trước Tuyết Phong, làm thế sợ.
GIẢI
THÍCH: Nếu ông an ổn mặc tình an ổn, nếu ông đập phá
mặc tình đập phá. Tuyết Phong cùng Nham Đầu, Khâm Sơn là
bạn đồng hành, ba phen đến Đầu Tử, chín lần lên Động
Sơn, sau tham Đức Sơn mới đập bể thùng sơn. Một hôm, Sư
hối thúc Nham Đầu đi tìm Khâm Sơn, đến quán trọ tại Ngao
Sơn gặp trở tuyết. Nham Đầu mỗi ngày chỉ ngủ khò, Tuyết
Phong một bề tọa thiền. Nham Đầu nạt: Ngủ đi ! Mỗi ngày
ngồi trên giường giống như thổ địa trong bảy thôn, ngày
sau ma mị nam nữ nhà người. Tuyết Phong tự chỉ trong ngực
nói: Tôi trong ấy chưa ổn, chẳng dám tự dối. Nham Đầu
bảo: Tôi bảo ông về sau lên ngọn cô phong cất chiếc am
cỏ truyền bá đại giáo, sao vẫn còn nói lời này. Tuyết
Phong nói: Tôi thật chưa ổn. Nham Đầu bảo: Nếu ông thật
như thế, cứ chỗ thấy của ông mỗi mỗi thông qua, chỗ
phải tôi chứng minh cho ông, chỗ chẳng phải tôi dẹp bỏ.
Tuyết Phong bèn thuật lại: Khi thấy Diêm Quan thượng đường
nói về nghĩa sắc không liền được chỗ vào. Nham Đầu bảo:
Cái này ba mươi năm tối kỵ nhắc lại. Tuyết Phong kể tiếp:
Thấy bài tụng qua cầu của Động Sơn liền được chỗ vào.
Nham Đầu bảo: Nếu thế ấy tự cứu chẳng xong. Tuyết Phong
kể: Sau đến Đức Sơn hỏi “Việc trong Tông thừa về trước,
con có phần chăng”, Đức Sơn đánh một gậy, hỏi cái gì
? Khi ấy tôi như thùng lủng đáy. Nham Đầu nạt bảo: Ông
chẳng nghe nói “Từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà”
? Tuyết Phong hỏi: Sau này thế nào mới phải ? Nham Đầu bảo:
Ngày sau nếu muốn truyền bá đại giáo thì mỗi mỗi phải
từ hông ngực mình lưu xuất, mai kia sẽ cùng ta che trời che
đất đi. Tuyết Phong ngay lời này đại ngộ, lễ bái, đứng
dậy kêu liên hồi: Ngày nay mới thành đạo ở Ngao Sơn. Sau
Sư trở về xứ Mân ở núi Tượng Cốt tự làm kệ lưu lại:
TỤNG:
Nhân sanh thúc hốt tạm tu du
Phù thế na năng đắc cửu cư
Xuất lãnh tài đăng tam thập nhị
Nhập Mân tảo thị tứ tuần dư.
Tha phi bất dụng tần tần cử
Kỷ quá ưng tu triền triền trừ
Phụng báo mãn triều chu tử quí
Diêm vương bất phạ bội kim ngư.
DỊCH:
Kiếp người nhanh chóng tợ phù du
Cõi tạm ai từng được ở lâu
Ba chục thêm hai vừa xuất lãnh
Bốn mươi tuổi lẻ trở về Mân.
Kia sai chẳng thiết thường thường nhắc
Mình quấy cần nên gấp gấp trừ
Kính bảo cả triều hàng sang quí
Diêm vương chẳng sợ mũ kim ngư.
Sư
thượng đường dạy chúng: Mỗi mỗi che trời che đất, lại
chẳng nói huyền nói diệu, cũng chẳng nói tâm nói tánh, đột
nhiên bỗng hiện, như đống lửa lớn, gần nó bị cháy cả
mặt mày, như kiếm Thái A vừa huơi thì tan thân mất mạng.
Nếu là trầm ngâm suy nghĩ thì chẳng dính dáng. Bá Trượng
hỏi Hoàng Bá: Ở đâu đến ? Hoàng Bá thưa: Nhổ nấm dưới
núi Đại Hùng đến. Bá Trượng hỏi: Thấy cọp chăng ? Hoàng
Bá liền làm tiếng cọp rống. Bá Trượng cầm búa ra bộ
chặtï. Hoàng Bá vỗ Bá Trượng một cái. Bá Trượng lẩm
bẩm cười. Bá Trượng về, lên tòa bảo chúng: Núi Đại
Hùng có con cọp, cả thảy các ông phải khéo xem, ngày nay
chính Lão tăng bị cắn một cái. Triệu Châu thấy Tăng liền
hỏi: Từng đến đây chưa ? Tăng thưa: Từng đến. Hoặc:
Chẳng từng đến. Triệu Châu đều đáp: Uống trà đi. Viện
chủ thưa: Hòa thượng bình thường hỏi Tăng từng đến với
chẳng từng đến, thảy bảo uống trà đi là ý chỉ thế
nào ? Triệu Châu gọi: Viện chủ ! Viện chủ ứng thanh: Dạ
! Triệu Châu bảo: Uống trà đi.
Tử
Hồ ở dưới cửa có làm tấm bia, trên tấm bia viết: Tử
Hồ có một con chó, trên đầu người, giữa lưng người,
dưới chân người, suy nghĩ ắt tan thân mất mạng. Hoặc có
Tăng đến vừa xem, Sư liền kêu: Coi chừng chó ! Tăng xoay
đầu lại, Sư trở về phương trượng.
Chính
như Tuyết Phong nói: Núi Nam có một con rắn to, tất cả các
ông cần phải khéo xem. Ngay lúc này ông làm sao đáp được
? Chẳng bắt chước theo vết trước, mời thử đáp xem ? Đến
trong ấy cần phải hiểu câu cách ngoại mới được, tất
cả công án ngữ ngôn nhắc lại liền biết chỗ rơi. Xem Sư
dạy chúng thế ấy, chẳng cùng ông nói hạnh nói giải, lại
đem tình thức đo lường được chăng ? Là con cháu trong nhà
Sư, tự nhiên nói khế hợp. Vì thế, cổ nhân nói: Nương
lời phải hiểu tông, chớ tự lập qui củ. Lời phải có
cách ngoại, câu cần phải thấu quan. Nếu là lời chẳng lìa
hang ổ thì rơi trong biển độc. Tuyết Phong dạy chúng thế
ấy, đáng gọi là lời nói vô vị, bít lấp miệng người.
Trường Khánh, Huyền Sa đều là người ở trong nhà đó, mới
hiểu được nói thoại của Sư. Tuyết Phong nói núi Nam có
một con rắn to, các ông biết chỗ rơi chăng ? Đến trong đó
phải đủ con mắt thông phương mới được. Đâu chẳng thấy
Chơn Tịnh tụng:
TỤNG:
Đả cổ lộng tỳ bà
Tương phùng lưỡng hội gia
Vân Môn năng xướng hòa
Trường Khánh giải tùy da
Cổ khúc vô âm vận
Nam Sơn niết tỷ xà
Hà nhân tri thử ý
Đoan đích thị Huyền Sa.
DỊCH:
Đánh trống khảy tỳ bà
Gặp nhau hai nhà hiểu
Vân Môn khéo xướng hòa
Trường Khánh giỏi theo à.
Nhạc xưa không âm vận
Rắn to ở núi Nam
Người nào biết ý đó
Quả thật là Huyền Sa.
Trường
Khánh đáp như thế là ý thế nào ? Đến trong ấy phải nhanh
như chọi đá nháng lửa, như làn điện chớp, mới có thể
chụp được. Nếu còn mảy tơ sợi tóc bỏ chẳng dứt thì
chụp kia chẳng được. Đáng tiếc nhiều người nhằm dưới
lời nói của Trường Khánh sanh tình giải, nói: Trong nhà vừa
có người nghe liền tan thân mất mạng. Hoặc nói: Vốn không
có một việc cỏn con, trên chỗ bình thường ban ngày. Nói
loại thoại này cho người nghi, người nghe Sư nói “núi Nam
có một con rắn to” liền khởi nghi. Nếu hiểu thế ấy nào
có giao thiệp. Chỉ trên ngôn ngữ ông ta mà làm kế sống.
Đã chẳng hiểu thế, phải hiểu thế nào ? Sau này có vị
Tăng thuật lại cho Huyền Sa, Huyền Sa nói: Phải là Lăng huynh
mới được, tuy nhiên như thế, tôi thì chẳng vậy. Tăng hỏi
Hòa thượng thì thế nào, Huyền Sa đáp: Dùng núi Nam làm gì
? Chỉ xem trong lời nói của Huyền Sa liền có chỗ xuất thân.
Bèn nói dùng núi Nam làm gì, nếu chẳng phải là Huyền Sa
thật khó mà đáp được. Như Tuyết Phong nói: Núi Nam có một
con rắn to, hãy nói nó ở chỗ nào ? Đến trong đây phải
là người hướng thượng mới hiểu được lời nói này.
Cổ nhân nói: Tạ Tam Lang trên thuyền thả câu, chẳng thích
núi Nam con rắn to. Đến lượt Vân Môn lấy cây gậy ném trước
mặt Tuyết Phong, ra bộ sợ. Vân Môn có tài giỡn rắn, chẳng
chạm mũi nhọn, bên sáng đánh được, bên tối cũng đánh
được. Sư bình thường vì người như múa kiếm Thái A, có
khi phi đến trên mày mắt của người, có khi phi đến ngoài
ba ngàn dặm lấy đầu người. Vân Môn ném cây gậy ra bộ
sợ, vả lại chẳng phải đùa tinh hồn, đâu không phải Sư
tan thân mất mạng sao ? Bậc tác gia Tông sư trọn chẳng trên
một lời một câu mà làm kế sống. Tuyết Đậu vì thích
Vân Môn khế chứng được ý Tuyết Phong, nên tụng:
TỤNG:
Tượng Cốt nham cao nhân bất đáo
Đáo giả tu thị lộng xà thủ
Lăng Sư, Bị Sư bất nại hà
Tán thân thất mạng hữu đa thiểu ?
Thiều Dương tri, trùng bác thảo
Nam Bắc Đông Tây vô xứ thảo
Hốt nhiên đột xuất trú trượng đầu
Phao đối Tuyết Phong đại trương khẩu.