TẮC
16: CẢNH THANH THỐT TRÁC CƠ
LỜI
DẪN: Đạo không ngang tắt, người đứng cô nguy, pháp chẳng
kiến văn, nói nghĩ xa bặt. Nếu hay ra khỏi rừng gai góc,
khéo mở cái trói buộc của Phật Tổ, được chỗ ruộng
đất ổn mật. Chư Thiên không biết đường cúng hoa, ngoại
đạo không thấy cửa để lén ngó. Trọn ngày đi mà chưa
từng đi, trọn ngày nói mà chưa từng nói. Bèn khả dĩ tự
do tự tại. Xoay cái cơ thốt trác, dựng cây kiếm sống chết.
Dù được như thế, cần phải biết lập phương tiện giáo
hóa, một tay nâng lên một tay đè xuống vẫn được đôi
phần. Nếu là việc trên bổn phận còn chẳng dính dáng. Thế
nào là việc bổn phận, thử cử xem ?
CÔNG
ÁN: Tăng hỏi Cảnh Thanh: Học nhân thốt (kêu) thỉnh Thầy
trác (mổ) ? Cảnh Thanh bảo: Lại được sống chăng ? Tăng
thưa: Nếu chẳng sống bị người cười chê. Cảnh Thanh bảo:
Cũng là kẻ ở trong cỏ.
GIẢI
THÍCH: Cảnh Thanh kế thừa Tuyết Phong. Sư cùng Bổn Nhơn,
Huyền Sa, Sơ Sơn, Thái Nguyên Phù đồng thời yết kiến Tuyết
Phong, được yếu chỉ. Sau Sư thường dùng cơ thốt trác (kêu
mổ) để khai thị kẻ hậu học, khéo hay ứng cơ thuyết pháp.
Sư dạy chúng: Phàm người đi hành cước phải đủ con mắt
đồng thời thốt trác, có cái dụng đồng thời thốt trác,
mới gọi là Thiền tăng. Như mẹ muốn trác (mổ) thì con không
thể chẳng thốt (kêu), con muốn thốt (kêu) thì mẹ không
thể chẳng trác (mổ). Có vị Tăng ra hỏi: Mẹ trác con thốt,
ở trên phần của Hòa thượng thành được việc gì ? Cảnh
Thanh đáp: Tin tức hay. Tăng hỏi: Mẹ trác con thốt, ở trên
phần của học nhân thành được việc gì ? Cảnh Thanh đáp:
Bày cái bộ mặt. Vì thế đồ đệ Cảnh Thanh có cơ thốt
trác.
Vị
Tăng này cũng là khách trong môn hạ, nên hiểu được việc
trong nhà, mới hỏi: Học nhân thốt thỉnh Thầy trác ? Câu
hỏi này trong tông Tào Động gọi là tá sự minh cơ (mượn
việc rõ cơ). Vì sao như thế ? Con kêu mẹ mổ tự nhiên đúng
lúc. Cảnh Thanh cũng khéo, đáng gọi là tay chân tương ưng,
tâm mắt chiếu nhau, liền đáp: “Lại được sống chăng
?” Vị Tăng kia cũng khéo, cũng biết cơ biến, dưới một
câu có khách có chủ, có chiếu có dụng, có chết có sống,
liền thưa “nếu chẳng sống bị người chê cười”. Cảnh
Thanh bảo “cũng là kẻ ở trong cỏ”. Bậc nhất là vào
bùn vào nước, Cảnh Thanh quả là thủ đoạn ác. Vị Tăng
này đã biết hỏi thế ấy, vì sao lại nói là “kẻ ở trong
cỏ” ? Bởi vậy, bậc tác gia phải nhãn mục thế ấy, như
chọi đá nháng lửa, như làn điện chớp, kết được hay
kết chẳng được chưa khỏi tan thân mất mạng. Nếu được
thế ấy, liền thấy Cảnh Thanh nói “kẻ ở trong cỏ”.
Nam
Viện dạy chúng: Các nơi chỉ đủ con mắt thốt trác đồng
thời, mà không đủ cái dụng thốt trác đồng thời. Có vị
Tăng ra hỏi: Thế nào là cái dụng thốt trác đồng thời
? Nam Viện bảo: Tác gia chẳng thốt trác, thốt trác đồng
thời mất. Tăng thưa: Vẫn là chỗ nghi của con. Nam Viện bảo:
Tại sao là chỗ nghi của ông ? Tăng thưa: Mất. Nam Viện liền
đánh. Vị Tăng không chấp nhận. Nam Viện đuổi ra. Vị Tăng
này sau đến trong hội Vân Môn nhắc lại thoại này, có vị
Tăng nói “cây gậy của Nam Viện gãy”. Vị Tăng bỗng nhiên
có tỉnh. Hãy nói ý tại chỗ nào ? Vị Tăng này trở lại
yết kiến Nam Viện, Nam Viện vừa tịch, đến yết kiến Phong
Huyệt. Ông vừa lễ bái, Phong Huyệt hỏi: Có phải vị Tăng
khi tiên sư còn sống hỏi thốt trác đồng thời ấy chăng
? Tăng thưa: Phải. Phong Huyệt hỏi: Khi ấy ông hiểu thế
nào ? Tăng thưa: Con buổi đầu giống như người đi trong ánh
đèn. Phong Huyệt bảo: Ngươi đã hiểu. Hãy nói là đạo lý
gì ? Vị Tăng này chỉ nói “con buổi đầu giống như người
đi trong ánh đèn”, tại sao Phong Huyệt lại bảo y “ông
đã hiểu” ? Sau này Thúy Nham niêm rằng: Nam Viện tuy nhiên
toan tính trong màn, đâu ngờ đất rộng người thưa, kẻ tri
âm quá ít. Phong Huyệt niêm rằng: Nam Viện khi ấy đợi y
mở miệng đánh ngay xương sống, xem y làm gì ?
Nếu
thấy được công án này là thấy chỗ vị Tăng kia cùng Cảnh
Thanh thấy nhau. Các ông làm sao khỏi được Cảnh Thanh nói
“Kẻ ở trong cỏ” ? Vì thế, Tuyết Đậu thích Cảnh Thanh
nói “Kẻ ở trong cỏ”, liền tụng ra:
TỤNG:
Cổ Phật hữu gia phong
Đối dương tao biếm bác
Tử mẫu bất tương tri
Thị thùy đồng thốt trác
Trác giác du tại xác
Trùng tao phác
Thiên hạ nạp Tăng đồ danh mạo.
DỊCH:
Cổ Phật có gia phong
Đối nêu bị lột đuổi
Mẹ con chẳng biết nhau
Thì ai đồng kêu mổ
Mổ biết, vẫn trong vỏ
Lại bị vỗ
Cả thảy Thiền tăng theo danh mạo.
GIẢI
TỤNG: “Cổ Phật có gia phong”, Tuyết Đậu tụng một câu
xong rồi. Phàm là người xuất đầu tức là gần bên chẳng
được. Nếu gần bên được thì muôn dặm Nhai Châu, vừa
xuất đầu bèn rơi trong cỏ. Dù cho bảy dọc tám ngang chẳng
tiêu một cái ấn tay. Tuyết Đậu nói “Cổ Phật có gia phong”,
chẳng phải hiện nay thế ấy. Đức Thích-ca khi mới sanh,
tay chỉ trời tay chỉ đất nói “Trên trời dưới trời,
chỉ ta hơn hết”. Vân Môn nói: “Khi ấy tôi thấy đập
một gậy chết tốt, cho chó ăn, mới mong thiên hạ thái bình.”
Như thế mới đền được cái ơn lớn. Vì thế, cái cơ thốt
trác đều là “Cổ Phật có gia phong”. Nếu người đạt
được đạo này, liền hay một đấm, đấm ngã lầu Hoàng
Hạc, một đạp, đạp nhào Châu Anh Võ. Như đống lửa lớn,
gần nó thì cháy hết mặt mày. Như kiếm Thái A toan huơi thì
tan thân mất mạng. Cái này chỉ là người thấu thoát được
đại giải thoát, mới hay như thế. Nếu là kẻ lầm nguồn
kẹt câu, nhất định bám vào loại thuyết thoại này chẳng
được. “Đối nêu bị lột đuổi”, tức là một khách
một chủ, một hỏi một đáp, ở chỗ hỏi đáp liền có
lột toác đuổi đi, gọi đó là “Đối nêu bị lột đuổi”.
Tuyết Đậu biết thấu việc này, nên chỉ cần hai câu là
tụng xong. Về sau chỉ là rơi trong cỏ, vì ông chú phá. “Mẹ
con chẳng biết nhau, thì ai đồng kêu mổ”, mẹ tuy mổ mà
không thể đến con kêu, con tuy kêu mà không thể đến mẹ
mổ, mỗi bên đều không thể biết nhau. Chính khi kêu mổ
(gà con kêu gà mẹ mổ khi trứng gà sắp nở) thì ai đồng
kêu mổ ? Nếu hiểu thế ấy thì vượt ra câu sau của Tuyết
Đậu không nổi. Vì sao ? Hương Nghiêm nói: “Con kêu mẹ mổ,
con biết không vỏ, mẹ con đều quên, ứng duyên chẳng tối,
đồng đạo xướng hòa, diệu huyền độc cước.” Tuyết
Đậu chẳng ngại rơi trong cỏ làm sắn bìm. Tụng nói một
chữ “mổ” là chỉ Cảnh Thanh đáp “Lại được sống
chăng”. Tụng nói chữ “biết” là chỉ vị Tăng này nói
“Nếu chẳng sống bị người chê cười”. Vì sao Tuyết
Đậu lại nói “Còn trong vỏ” ? Tuyết Đậu nhằm trong đá
nháng phân biệt trắng đen, trong cơ điện xẹt chia mối góc.
Cảnh Thanh nói “cũng là kẻ trong cỏ”, Tuyết Đậu bảo
“Lại bị vỗ”. Chỗ khó này chính là Cảnh Thanh nói “Cũng
là kẻ trong cỏ”. Bảo là Cảnh Thanh móc tròng con mắt người
được chăng ? Câu này có phải còn “Trong vỏ” chăng ? Hẳn
là chẳng giao thiệp. Vì sao như thế, nếu người hiểu được
đi hành cước quanh trong thiên hạ vẫn có phần đền ơn.
Sơn Tăng nói thoại thế ấy cũng là kẻ rơi trong cỏ. “Cả
thảy Thiền tăng theo danh mạo”, ai là người chẳng danh mạo
? Đến trong đây Tuyết Đậu tự chẳng khỏi danh mạo, lại
làm lụy đến cả thảy Thiền tăng. Hãy nói Cảnh Thanh thế
nào là chỗ vì vị Tăng kia ? Cả thảy Thiền tăng nhảy chẳng
khỏi.
?
TẮC
17: HƯƠNG LÂM NGỒI LÂU SANH NHỌC
LỜI
DẪN: Chặt đinh cắt sắt mới đáng làm bổn phận Tông sư,
né tên tránh đao đâu thể làm tác giả thông phương. Chỗ
dùi châm chẳng vào hãy gác lại, khi sóng dậy ngập trời
thì thế nào, thử cử xem ?
CÔNG
ÁN: Tăng hỏi Hương Lâm: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang
? Hương Lâm đáp: Ngồi lâu sanh nhọc.
GIẢI
THÍCH: Hương Lâm nói “ngồi lâu sanh nhọc”, lại hiểu chăng
? Nếu hiểu được thì trên đầu trăm cỏ dứt hết can qua,
nếu chẳng hiểu thì lắng nghe xử phân. Cổ nhân đi hành
cước chọn lựa bạn đồng hành để vạch cỏ xem gió [Bát
thảo chiêm phong (buông vọng hướng huyền chân)]. Khi ấy,
Vân Môn thịnh hóa ở Quảng Nam, Hương Lâm thường ra đất
Thục đồng thời với Nga Hồ, Cảnh Thanh, trước đến tham
vấn Báo Từ ở Hồ Nam, sau mới đến trong hội Vân Môn làm
thị giả mười tám năm. Ở chỗ Vân Môn thân được, thân
nghe, Sư ngộ tuy trễ, song quả là bậc đại căn khí. Sư ở
bên cạnh Vân Môn mười tám năm, Vân Môn thường kêu thị
giả Viễn, Sư vừa đáp dạ, Vân Môn hỏi là cái gì ? Khi
ấy Hương Lâm cũng hạ ngữ, trình kiến giải, đùa tinh hồn,
song trọn chẳng khế hợp. Một hôm Sư bỗng nhiên la: Con đã
hội ! Vân Môn bảo: Sao chẳng nói một câu hướng thượng
xem ? Sư ở thêm ba năm. Trong thất, Vân Môn phóng những đại
cơ biện, hơn phân nửa vì thị giả Viễn, tùy chỗ nhập
tác. Vân Môn phàm có một lời một câu, trọn nhằm vào chỗ
thị giả Viễn. Sau Hương Lâm trở về đất Thục, ban đầu
ở cung Thủy Tinh tại Đạo Giang, sau trụ chùa Hương Lâm ở
Thanh Thành. Hòa thượng Tộ ở Trí Môn gốc người Chiết,
nghe Hương Lâm giáo hóa thạnh hành liền đến đất Thục
để tham lễ. Hòa thượng Tộ là thầy của Tuyết Đậu. Vân
Môn tuy tiếp người vô số, song hiện thời đạo hành chỉ
một phái Hương Lâm là thạnh hành. Sư trở về Tứ Xuyên
trụ viện bốn mươi năm, được tám mươi tuổi mới thiên
hóa. Sư thường nói: Ta bốn mươi năm mới thành một mảnh.
Phàm dạy chúng, Sư nói: Đi hành khước tham tầm tri thức,
cần để mắt mà đi, phải phân đen trắng, thấy cạn sâu
mới được. Trước cần phải lập chí, đức Thích-ca khi
còn tu nhân, phát một lời một niệm đều là lập chí. Sau
này có vị Tăng đến hỏi: Thế nào là một ngọn đèn ở
trong thất ? Hương Lâm đáp: Ba người làm chứng rùa thành
trạnh. Tăng lại hỏi: Thế nào là việc của kẻ áo nạp
? Hương Lâm đáp: Tháng chạp lửa cháy núi.
Xưa
nay đáp ý Tổ sư rất nhiều, chỉ có một tắc này của Hương
Lâm là ngồi cắt đầu lưỡi người trong thiên hạ, không
có chỗ cho ông suy tính đạo lý. Tăng hỏi: Thế nào là ý
Tổ sư từ Tây sang ? Hương Lâm đáp: Ngồi lâu sanh nhọc.
Đáng gọi là lời không vị, câu không vị, nói không vị,
lấp bít miệng người, không có chỗ để ông hà hơi. Cần
thấy liền thấy, nếu chẳng thấy tối kỵ khởi giải hội.
Hương Lâm đã từng gặp bậc tác gia, cho nên có thủ đoạn
của Vân Môn, có ba câu thể diệu. Nhiều người hiểu lầm
nói: Tổ sư Tây sang chín năm ngồi xây mặt vào vách, há chẳng
phải ngồi lâu sanh nhọc ? Quả thật có trúng vào đâu. Chẳng
thấy cổ nhân được đại tự tại, chân đạp đến đất
thật, không có nhiều thứ Phật pháp, tri kiến, đạo lý,
gặp việc liền ứng dụng. Thế nên nói “Pháp theo pháp hành,
pháp tràng tùy chỗ dựng lập”. Tuyết Đậu nhân gió thổi
lửa, ghé bên chỉ ra một cái nửa cái.
TỤNG:
Nhất cá lưỡng cá thiên vạn cá
Thoát khước lung đầu tá giác đà
Tả chuyển hữu chuyển tùy hậu lai
Tử Hồ yếu đả Lưu Thiết Ma.
DỊCH:
Một cái hai cái ngàn muôn cái
Lột bỏ dây dàm, tháo yên cương
Xoay tả xoay hữu tùy kẻ sau
Tử Hồ cần đánh Lưu Thiết Ma.
GIẢI
TỤNG: Tuyết Đậu liền đó như chọi đá nháng lửa, tợ
làn điện chớp đẩy ra cho ông thấy. Ông nghe nói đến liền
hội mới được. Sư quả là con cháu trong nhà, mới hay nói
như thế. Nếu khéo thẳng đó liền hiểu thế ấy, quả là
người kỳ đặc. Hai câu “một cái hai cái ngàn muôn cái,
lột bỏ dây dàm, tháo yên cương”, sạch trọi thong dong,
chẳng bị sanh tử làm nhiễm, chẳng bị tình giải Thánh phàm
trói buộc, trên không có chỗ vin theo, dưới bặt chấp ta
mình, nhất như dường thể Hương Lâm, Tuyết Đậu, đâu những
ngàn muôn cái, nhẫn đến mọi người trên quả đất thảy
như thế, Phật trước Phật sau thảy như thế. Nếu như ở
trong ngôn cú khởi giải hội, liền như Tử Hồ đánh Lưu
Thiết Ma, vừa nêu lên theo tiếng liền đánh. Tử Hồ tham
vấn Nam Tuyền cùng Triệu Châu, Trường Sa Cảnh Sầm là bạn
đồng tham. Khi ấy, Lưu Thiết Ma cất am ở dưới núi Qui,
các nơi đều nể bà. Một hôm, Tử Hồ đến tham vấn, hỏi:
Có phải là Lưu Thiết Ma chăng ? Thiết Ma đáp: Chả dám. Tử
Hồ hỏi: Xoay bên trái (mài) hay xoay bên phải (mài) ? Thiết
Ma đáp: Hòa thượng chớ điên đảo. Tử Hồ theo tiếng liền
đánh. Hương Lâm đáp câu hỏi của vị Tăng thế nào là ý
Tổ sư từ Tây sang, nói ngồi lâu sanh nhọc. Nếu thế ấy
hội được thì xoay trái xoay phải tùy hậu lai. Hãy nói Tuyết
Đậu tụng ra như thế là ý tại chỗ nào ? Vô sự tốt, xin
hãy cử xem ?
?
TẮC
18: TRUNG QUỐC SƯ THÁP VÔ PHÙNG
CÔNG
ÁN: Hoàng đế Túc Tông hỏi Quốc sư Huệ Trung: Sau khi trăm
tuổi có cần vật gì ? Quốc sư tâu: Vì Lão tăng xây cái
tháp Vô Phùng. Vua hỏi: Xin Thầy cho kiểu tháp. Quốc sư im
lặng giây lâu hỏi: Hiểu chăng ? Vua nói: Chẳng hiểu. Quốc
sư tâu: Tôi có đệ tử phó pháp là Đam Nguyên thông hiểu
việc này, xin vời đến hỏi. Sau khi Quốc sư tịch, vua vời
Đam Nguyên hỏi ý này thế nào. Đam Nguyên tâu: Phía Nam sông
Tương, phía Bắc cái đầm (Tuyết Đậu trước ngữ: Một
tay vỗ chẳng kêu), ở giữa vàng ròng đầy một nước (Tuyết
Đậu trước ngữ: Núi hình cây gậy), dưới cây không bóng
nên đồng thuyền (Tuyết Đậu trước ngữ: Sông trong biển
lặng), trên điện Lưu-ly không tri thức (Tuyết Đậu trước
ngữ: Nêu rồi vậy).
GIẢI
THÍCH: Túc Tông, Đại Tông đều là con cháu của Huyền Tông,
khi còn làm Thái tử thích tham thiền. Vì nước có nhiều trộm
cướp, Huyền Tông dời sang đất Thục. Cố đô nhà Đường
ở Trường An, bị An Lộc Sơn chiếm cứ, sau dời đô sang
Lạc Dương. Khi Túc Tông lên nhiếp chánh thì Quốc sư Huệ
Trung đang trụ am trên núi Bạch Nhai thuộc Đặng Châu, nay
là đạo tràng Hương Nghiêm. Quốc sư hơn bốn mươi năm không
xuống núi, đạo hạnh đồn đến tai vua. Niên hiệu Thượng
Nguyên năm thứ hai (761), vua sai Trung sứ mời nhập nội, đãi
theo lễ thầy trò rất là kính trọng. Quốc sư thường vì
vua diễn nói đạo vô thượng. Mỗi khi Quốc sư thoái triều,
vua tự vin xe đưa đi, quần thần đều tỏ vẻ bực bội,
muốn tâu vua chỗ chẳng tiện đó. Quốc sư đủ tha tâm thông,
khi thấy vua liền tâu: Tôi ở trước trời Đế Thích, thấy
Thiên tử Túc Tán nhanh như làn điện chớp. Vua càng thêm kính
trọng. Đến Đại Tông lên ngôi, lại mời Quốc sư ở chùa
Quang Trạch mười sáu năm, tùy cơ nói pháp. Niên hiệu Đại
Lịch thứ mười (775), Quốc sư thiên hóa. Hòa thượng Thanh
Tỏa ở phủ Sơn Nam xưa là bạn đồng hành của Quốc sư,
Quốc sư thường tâu vua mời về triều, vua mời ba phen mà
không đến, lại mắng Quốc sư là đam danh ái lợi luyến
trước nhân gian. Quốc sư làm Quốc sư đến ba triều đại,
cha con nhà vua đều thích tham thiền. Cứ theo Truyền Đăng
Lục khảo cứu thì câu hỏi này của Đại Tông hỏi. Câu
hỏi Quốc sư: “Thế nào là mười thân Điều Ngự”, mới
là của Túc Tông.
Quốc
sư duyên hết sắp vào Niết-bàn từ giã Đại Tông. Đại
Tông hỏi: “Quốc sư sau khi trăm tuổi có cần vật gì ?”
Chỉ là một câu hỏi bình thường, mà ông già không gió nổi
sóng, nói: “Vì Lão tăng xây cái tháp Vô Phùng.” Hãy nói
bạch nhật thanh thiên làm như thế là sao ? Xây cái tháp là
được rồi. Vì sao lại nói xây tháp Vô Phùng ? Đại Tông
quả là tay tác gia cho ông một cái tát, liền hỏi: “Thỉnh
Thầy cho kiểu tháp.” Quốc sư im lặng giây lâu nói: “Hiểu
chăng ?” Kỳ quái, cái này thật khó tham cứu. Quốc sư bị
vua một cái tát, liền miệng như tấm biển. Song tuy nhiên
như thế, nếu chẳng phải là ông già này, cơ hồ té nhào
rồi. Lắm người nói chỗ Quốc sư không nói chính là kiểu
tháp. Nếu hiểu thế ấy, một tông Đạt-ma mất sạch. Nếu
bảo im lặng là phải thì kẻ câm cũng hội Thiền. Há chẳng
thấy ngoại đạo hỏi Phật: Chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi
không lời. Thế Tôn im lặng giây lâu. Ngoại đạo lễ bái
khen ngợi: Thế Tôn đại từ đại bi vẹt đám mây mờ cho
con, khiến con được vào. Khi ngoại đạo đi rồi, A-nan hỏi
Phật: Ngoại đạo có sở chứng gì mà nói được vào ? Thế
Tôn đáp: Như con ngựa hay ở thế gian vừa thấy bóng roi liền
chạy. Đa số người nhắm vào chỗ im lặng mà hiểu, thật
có gì là phải. Ngũ Tổ tiên sư niêm rằng: “Mặt trước
là trân châu mã não, mặt sau là mã não trân châu, bên Đông
là Quán Âm, Thế Chí, bên Tây là Văn-thù, Phổ Hiền, khoảng
giữa có cái phan bị gió thổi kêu hồ lô, hồ lô.” Quốc
sư hỏi: Hiểu chăng ? Vua nói: Chẳng hiểu cũng được
chút ít. Hãy nói cái chẳng hiểu này với cái chẳng biết
của Võ Đế là đồng hay khác ? Tuy nhiên giống thì giống,
mà phải thì chưa phải. Quốc sư nói: “Tôi có đệ tử phó
pháp là Đam Nguyên thông hiểu việc này, xin vời đến hỏi.”
Tuyết Đậu niêm: “Một tay vỗ chẳng kêu.” Đại Tông chẳng
hiểu thì gác lại, Đam Nguyên lại hiểu chăng ? Chỉ tiêu
được cái nói “Thỉnh Thầy kiểu tháp”. Mọi người trên
quả đất cũng không làm sao được. Ngũ Tổ tiên sư niêm:
“Ông là thầy một nước, vì sao chẳng nói lại đẩy qua
đệ tử.” Sau khi Quốc sư thiên hóa, vua vời Đam Nguyên đến
hỏi ý này thế nào. Đam Nguyên lại vì Quốc sư nói Hồ nói
Hán, nói đạo lý, tự nhiên hiểu lời nói của Quốc sư.
Chỉ tiêu một bài tụng: “Bên Nam sông Tương, bên Bắc cái
đầm, khoảng giữa có vàng ròng đầy một nước, dưới cây
không bóng nên đồng thuyền, trên điện Lưu-ly không tri thức.”
Đam Nguyên tên Ứng Chơn làm thị giả Quốc sư, sau trụ chùa
Đam Nguyên ở Kiết Châu.
Khi
ấy, Ngưỡng Sơn đến tham vấn, Đam Nguyên nói: Trọng tánh
ác không thể phạm, trụ chẳng được. Trước khi Ngưỡng
Sơn đến tham vấn Đam Nguyên, có tham vấn Thiền sư Tánh Không.
Có vị Tăng hỏi Tánh Không: Thế nào là ý Tổ sư từ Tây
sang ? Tánh Không đáp: Như người ở trong giếng sâu ngàn thước,
chẳng nhờ một tấc dây mà kéo ra được, tức đáp ông ý
Tây sang. Tăng thưa: Gần đây Hòa thượng Xướng ở Hồ Nam
cũng vì người nói Đông nói Tây. Tánh Không bèn gọi: Sa-di
! Lôi cái tử thi này ra. Sau Ngưỡng Sơn đem hỏi Đam Nguyên:
Thế nào là kéo người trong giếng ra được ? Đam Nguyên bảo:
Dốt ! Kẻ si, ai ở trong giếng ? Ngưỡng Sơn chẳng khế hội.
Sau đến Qui Sơn, Sư lại hỏi. Qui Sơn gọi: Huệ Tịch ! Sư
ứng thanh: Dạ ! Qui Sơn bảo: Ra rồi. Ngưỡng Sơn liền đại
ngộ, nói: Con ở chỗ Đam Nguyên được thể, chỗ Qui Sơn
được dụng.
Chỉ
một bài tụng này dẫn người khởi tà giải chẳng ít. Nhiều
người hiểu lầm nói: Tương là tương kiến, đàm là đàm
luận, khoảng giữa có cái tháp Vô Phùng, cho nên nói trong
có vàng ròng đầy một nước. Vua cùng Quốc sư đối đáp
là dưới cây không bóng nên đồng thuyền. Vua không hiểu
nên nói: Trên điện Lưu-ly không tri thức. Lại có người
nói: Tương là phía Nam Tương Châu, Đàm là phía Bắc Đàm
Châu. Giữa có vàng ròng đầy một nước là tụng nhà quan.
Liếc mắt nhìn xem nói, cái này là tháp Vô Phùng. Hiểu thế
ấy, thật chẳng ra ngoài tình kiến. Đến như Tuyết Đậu
hạ bốn chuyển ngữ lại làm sao hiểu ? Người nay toàn không
hiểu ý cổ nhân. Thử nói phía Nam sông Tương, phía Bắc cái
đầm, ông làm sao hiểu ? Giữa có vàng ròng đầy một nước,
ông làm sao hiểu ? Dưới cây không bóng nên đồng thuyền,
ông làm sao hiểu ? Trên điện Lưu-ly không tri thức, ông làm
sao hiểu ? Nếu thế ấy thấy được thật là thỏa mãn bình
sanh. Phía Nam sông Tương, phía Bắc cái đầm, Tuyết Đậu
nói: Một tay vỗ chẳng kêu, bất đắc dĩ cùng ông nói. Giữa
có vàng ròng đầy một nước, Tuyết Đậu nói: Núi hình giống
cây gậy. Cổ nhân nói: Biết cây gậy, việc tham học một
đời được xong. Dưới cây không bóng nên đồng thuyền,
Tuyết Đậu nói: Sông trong biển lặng. Đồng thời mở hoác
cửa nẻo, tám mặt linh lung. Trên điện Lưu-ly không tri thức,
Tuyết Đậu nói: Niêm rồi vậy. Đồng thời vì ông nói xong
vậy, quả là khó thấy, thấy được cũng tốt, chỉ là có
chỗ nhận lầm, theo lời sanh hiểu. Đến rốt sau nói niêm
rồi vậy, lại còn chút ít so sánh. Tuyết Đậu phân minh một
lúc hạ ngữ xong. Đoạn sau riêng tụng cái tháp Vô Phùng.
TỤNG:
Vô phùng tháp
Kiến hoàn nan
Trừng đàm bất hứa thương long bàn.
Tằng lạc lạc
Ảnh đoàn đoàn
Thiên cổ vạn cổ dữ nhân khan.
DỊCH:
Tháp Vô Phùng
Càng khó thấy
Đầm trong chẳng cho rồng to cuộn.
Từng lộng lẫy
Bóng tròn tròn
Ngàn xưa muôn xưa cho người xem.
GIẢI
THÍCH: Tuyết Đậu ngay đầu nói: Tháp Vô Phùng, càng khó thấy.
Tuy nhiên riêng bày chẳng giấu, song mà khi cần thấy lại
khó thấy. Tuyết Đậu từ bi tột độ lại vì ông nói “đầm
trong chẳng cho rồng to cuộn”. Ngũ Tổ tiên sư nói: Tuyết
Đậu tụng cổ một tập, tôi chỉ thích câu “đầm trong
chẳng cho rồng to cuộn”. Vẫn còn đôi chút so sánh. Nhiều
người nhằm chỗ Quốc sư im lặng làm kế sống. Nếu hiểu
thế ấy một lúc lầm rồi. Đâu chẳng nghe nói: Rồng nằm
chẳng chọn nước đọng; chỗ không, có trăng sóng lặng;
chỗ có, không gió dậy sóng. Lại nói: Rồng nằm hằng sợ
đầm trong biếc. Nếu loại này, dù cho nước dậy mênh mông,
sóng bủa ngập trời, cũng chẳng ở trong đó uốn khúc. Tuyết
Đậu tụng đến đây đã xong. Phần sau thêm đôi phần nhãn
mục tô đắp nên cái tháp Vô Phùng. Theo sau nói: Từng lộng
lẫy, bóng tròn tròn, ngàn xưa muôn xưa cho người xem. Ông
làm sao xem ? Hiện nay ở chỗ nào ? Dù cho ông thấy được
rõ ràng, chớ lầm nhận trái cân bàn (một tiêu chuẩn cố
định).
?
TẮC
19: CÂU CHI ĐƯA MỘT NGÓN TAY
LỜI
DẪN: Giở một hạt bụi quả đất thâu, một hoa nở thế
giới động. Nếu khi bụi chưa giở, hoa chưa nở làm sao để
mắt ?
Vì
thế nói: Như chặt một cuộn tơ, một chặt thì tất cả
đều chặt, như nhuộm một cuộn tơ, một nhuộm thì tất
cả đều nhuộm. Chỉ như hiện nay cắt đứt sắn bìm, vận
xuất của báu nhà mình, thấp cao khắp ứng, sau trước không
sai, mỗi mỗi hiện thành. Nếu chưa được vậy, xem lấy văn
sau.
CÔNG
ÁN: Hòa thượng Câu Chi, phàm có người hỏi chỉ đưa một
ngón tay.