2 NGÀY
THỨ NĂM
BÀI THUYẾT KHÍCH
LỆ
Hãy lắng nghe những lời khuyên
sau đây của một thiền sư thủa xưa:" Công việc thiền không
chỉ bao gồm thuộc lòng một công án. Ðiều chính yếu là
biết khởi nghi tình.' Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Quí vị
phải xuyên thẳng qua nó. Nếu cảm thấy dường như không
thể làm được, hãy vận toàn lực, căng tất cả dây thần
kinh và tiếp tục thử."
Cảm giác nghi ngờ này là gì?
Nó là sự bối rối bừng cháy, một khối nghi ngờ, một câu
hỏi cơ bản dai dẳng bám theo quí vị không cho quí vị một
giây phút nghĩ ngơi. Chẳng hạn: Nếu mọi người vốn không
tì vết, nhân chi sơ tánh bổn thiện, được phú cho đạo
đức, từ bi, thì tại sao lại có qúa nhiều thù hận, ích
kỹ, bạo tàn và đau khổ khắp mọi nơi? Có thể suy nghĩ
về câu hỏi này bất cứ lúc nào khi bạn rãnh--lúc ở nhà,
tại nơi làm việc. Nhưng tham công án thì lại khác. Ðó là
lúc bạn ngồi trong tư thế kiết gìa, dùng thân-tâm một cách
tập trung hơn để tham cứu một công án như "tánh KHÔNG là
gì?" hay "Tôi là ai? Cùng là mối nghi ngờ nhưng theo cách này
sự tập trung mãnh liệt hơn, sắc bén hơn.
Công án được phân cho qúi
vị không thay thế cảm giác hoài nghi căn bản; nó chỉ mài
bén nghi ngờ bằng cách nâng cao nhận thức. Cảm giác nghi
ngờ căn bản như mũi khoan xuyên thẳng," Không là gì?"
Thoạt đầu KHÔNG có vẻ nhân
tạo và là một cái gì ở bên ngoài, nhưng khi qúi vị dấn
sâu hơn vào nó, KHÔNG trở nên một cái gì đó bức thiết
trong chính cuộc sống của quí vị, vì KHÔNG chỉ là cái tên
khác của Tâm--cái tâmthanh tịnh bao trùm cả thảy- quá quen
thuộc với mọi người. Qúi vị có thể tự hỏi," Nếu tôi
có sẵn tâm này, sao tôi không hề hay biết?" Xin trả lời,"
Là vì sự bất tịnh của qúi vị, những vọng tưởng về
bản ngã và các tương duyên với thế giới bên ngoài che khuất
ánh sáng của tâm này." Hãy khởi nghi tình, nghiền nát những
ô nhiễm này. Qúi vị phải liên tục truy tìm cho đến khi
nào tìm ra giải pháp. Chỉ có lúc đó, qúi vị mới có thể
nhìn thấy chân tánh, thấy chính mình trong tâm này và được
tái sinh vào một cuộc đời đích thực là đang sống.
Hãy tự nhắc nhở mình: KHÔNG
là gối của tôi, KHÔNG chiếu của tôi, KHÔNG là thân của
tôi. Và KHÔNG cũng là những gì không phải của tôi. KHÔNG
dường như vừa là vật chất vừa là một phi vật chất.
Về mặt lý luận, nó có vẻ mâu thuẫn, vì thế ở đây nghi
tình lại phát sinh. Hay nếu thích, quí vị có thể trở lại
công án trọn vẹn hơn và tự vấn," Tại sao Triệu Châu đáp
' VÔ!' ( KHÔNG) khi được hỏi,' Con chó có Phật tánh không?'"
Vì kinh Phật dạy rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh,
lời đáp của Triệu châu thật là mâu thuẫn, và nghi tình
phát khởi. Làm cách nào qúi vị đẩy lui nghi tình này? Chừng
nào mà qúi vị đi đến một điểm mà nơi đó không có sự
phân cách, một khe hở dù bằng sợi tóc, giữa qúi vị và
KHÔNG, "câu trả lời" có sẵn nơi đấy, vì câu hỏi và câu
trả lời không phải là hai; chúng chỉ là như vậy đối với
tâm nhị nguyên của qúi vị, nó phân biệt tôi với người
khác, cái này với cái kia.
Thoạt đầu khi thực hành với
công án KHÔNG, bạn giống như một người đang ăn một quả
táo đang đung đưa. Quí vị cố cắn một miếng, nó lại trợt
đi một phía. Quí vị thử lại một lần nữa và mọi việc
y như cũ. Chúng ta thể ăn và nhai táo đến chừng nào cắn
được nó. Cũng giống như vậy, trước khi hỏi,"KHÔNG là
gì?" qúi vị cần có KHÔNG vững chắc trong tâm. Sau khi đã
đi sâu hơn vào câu hỏi, ta không cần phải hỏi nguyên câu,
chỉ cần tập trung đầy đủ vào từ " KHÔNG " hay từ "Ai"
nếu qúi vị đang tham công án "Tôi là ai?" tiếng vang trong
tiềm thức sẽ là "KHÔNG là gì?" hay " Tôi là ai?" bởi vì
câu hỏi đã được trồng sẵn ở đó. Nên nhớ rằng, KHÔNG
không phải là thần chú, nó là sự thâm nhập, xuyên suốt,
một tra vấn mãnh liệt. Nhưng ngay cả ở điểm này, câu hỏi
chỉ là một vết xước nhẹ trên bề mặt, nếu KHÔNG và
AI chỉ lập đi lập lại một cách máy móc. Chỉ một câu
hỏi "KHÔNG" cũng đủ làm cho bạn muốn biết KHÔNG là gì.
Ðiều này giữ cho nghi tình sống động bởi nó được tiếp
sức bởi những chuổi nghi ngờ và sức thuyết phục bạn
có khả năng tìm ra câu giải đáp, tạo sức mạnh cho KHÔNG.
Một người đàn ông ngồi
trong phòng làm việc, chợt ông ta nhận ra cái đồng hồ của
mình đâu mất. Ông nhìn quanh và mong tìm thấy nó ở đâu
đó bên mình nhưng không thấy. Ông phân vân không biết là
ông có mang đồng hồ đến văn phòng hay không hoặc bỏ quên
nó ở một nơi khác? Ông sẽ tìm kiếm qua loa hay nãn chí thôi
không tìm nữa hay không suy đoán đồng hồ nằm ở một nơi
nào khác. Nhưng nếu ông ta không đi đâu và không ai vào đó,
và hơn nữa ông ta biết chắc mình có mang đồng hồ đến
văn phòng, ông càng trở nên bối rối hơn và bắt đầu tìm
kiếm khắp văn phòng. Biết chắc đồng hồ phải ở đấy,
quyết tâm tìm ra và năng lượng đổ dồn vào cuộc truy tìm
sẽ nhiều hơn và mạnh hơn mọi khi cho đến lúc ông ta quên
đi mọi thứ khác. Nó đang khởi lên một nghi tình. Ðây là
cách qúi vị hỏi về KHÔNG.
Nhưng để làm được điều
này cần phải có niềm tin sâu rằng bạn có thể thông suốt
công án này. Và xác tín rằng bằng cách giải quyết công
án này bạn sẽ thấy chân tâm của mình. Như một thiền sư
đã nói," Nghi lớn ngộ lớn; nghi nhỏ ngộ nhỏ; không nghi
không ngộ."
Người ta thường tự hỏi
" căng mọi dây thần kinh" phải chăng là nạt nộ, nghiến
răng và la hét" KHÔNG, KHÔNG?" Có lẽ có nhiều người đã
thử làm như vậy ngay sau đó họ tự nhận thấy điều này
không mang lại kết quả. Căng mọi dây thần kinh có nghĩa
là toàn dụng thân tâm vào tu tập, chứ không có nghĩa ngồi
ngây ra đó để ngủ. Cứ nhìn vào dáng ngồi bất động của
một con mèo đang rình mồi. Khi nó quan sát một con chuột xuất
hiện từ ổ, toàn thân nó như đông cứng nhưng thật ra gần
như đang run lên với sự tập trung cao độ. Ở đây không
có sự tập trung điên cuồng hay hoang dại--chỉ là sự tập
trung căng thẳng vào nhất điểm. Qúi vị cũng nhìn thấy điều
đó nơi hình ảnh một con chó đói giữ cái xương trước
mặt nó. Lúc đó toàn thế giới của con chó là màu sắc và
kích thước của cái xương đó. Và cũng có những người
trong khi ngồi bất động hoàn toàn trong yên lặng đã đổ
mồ hôi trong thời điểm lạnh nhất của mùa Ðông, vì sự
tập trung của họ quá quyết liệt. Trạng thái như-định
này quí vị có thể tự cảm nghiệm qua sự nhất tâm tham
công án.
Cuối cùng: Hãy nhớ rằng những
lời ẩn dụ này chỉ có tính cách giúp đở cho qúi vị--lão
sư và trưởng lớp bằng mọi cách cố gắng tấn, khuyến
khích, và thúc đẩy những điều được coi là thích hợp
với người này lại bất hợp lý với người khác. Do đó,
qúi vị tuỳ nghi lựa chọn và áp dụng những gì được trình
bày ở đây; nếu cảm thấy được, bằng không thì hãy bỏ
đi. Không có cách phải làm, không có cách duy nhất, không
có cách nên làm. Ðừng luôn dựa vào kỹ thuật vì chúng đến
từ bên ngoài. Chúng thuộc về thế giới khoa học kỹ thuật
không thuộc về thế giới tâm linh. Ðể áp dụng đầy đủ
thân tâm, một số qúi vị cần phải quát tháo nếu cảm thấy
tốt cho qúi vị, vì không làm theo cách này khó có thể huy
động năng lượng cần thiết để bứt phá một mức nào
đó. Ðiểm quan trọng là qúi vị phải tìm một lối đi cho
riêng mình.
LỜI BÌNH VỀ
" 'TÔI KHÔNG BIẾT' CỦA BỒ ÐỀ ÐẠT MA"-- CÔNG ÁN 1 CỦA
BÍCH NHAM LỤC
CÔNG ÁN: Chú ý ! Vua Lương
Võ Ðế hỏi Bồ Ðề Ðạt Ma," Chân lý cùng tột của đạo
thánh là gì?" Ngài đáp," Trống rỗng hồn nhiên không gì là
thánh." Vua lại hỏi," Trước mặt trẩm là ta?" Sư đáp," Tôi
không biết."
Lời đáp rõ ràng dễ hiểu
nhưng nhà vua không hiểu. Thấy không thể độ gì cho nhà vua,
Ðạt ma bỏ đi vào đất Ngụy, ẩn ở chùa Thiếu Lâm, chín
năm ngồi xoay mặt vào vách. Sau này vua đem vấn đề này ra
hỏi với Thái tử Chính. Vị thân vương hỏi," Hoàng thượng
có biết vị ấy là ai không?" vua đáp," Trẫm không biết."
Thái tử nói," Vị ấy là Từ bi Bồ tát mang đến nước ta
dấu ấn của Phật-tâm." Lương Võ Ðế lấy làm hối tiếc
muốn sai người đi tìm sư. Nhưng Chính bảo:" Thưa hoàng thượng,
thật là vô ích, cho dù tất cả thần dân đổ xô đi tìm,
đại sư sẽ không bao giờ trở lại."
Ðến đây công án kết thúc.
Bồ Ðề Ðạt Ma là vị tổ
thứ 28 của Phật giáo. Ngài đến miền Nam Trung hoa vào năm
520. Lúc đó ngài đã 109 tuổi. Sau khi thất bại trong việc
thiết lập giáo lý của mình ở miền Nam, sư đi về hướng
Bắc. ( chủ đề của công án này)
Là một vị vua mộ đạo, Lương
Võ Ðế đã xây dựng rất nhiều chùa chiền, ấn tống nhiều
kinh sách đã được dịch từ Phạn ngữ sang tiếng Trung hoa,
khuyến khích dân chúng tu tập, cúng dường vật thực cho tăng
chúng. Dưới ánh sáng của Phật giáo truyền thống thời ấy,
ông tin một cách tự nhiên rằng những công đức như vậy
có thể đưq ông tới sự giác ngộ.
Khi hay tin có một lão tăng
từ đất Phật đến, vua lập tức cho người mời sư đến
hoàng cung. Ðối với Lương Võ Ðế, công đức hữu vi là
tối thượng, vì vậy khi đối mặt với Bồ Ðề Ðạt Ma,
ông đề cập đến những công đức mà ông đã tạo dựng
từ khi mới lên ngôi.
Lương Võ Ðế hỏi: "Từ khi
tức vị đến nay trẩm cất chùa, chép kinh, độ tăng không
biết bao nhiêu mà kể, có công đức gì không?"
Sư đáp " Ðều không có công
đức."
Ðế nói:" Sao không có công
đức?"
Sư nói:" Ðó chỉ là nhâh hữu
lậu chỉ đem đến quả nhỏ của cõi người, cõi trời như
bóng với hình, tuy có nhưng không có thực."
Ðế hỏi," Vậy công đức
chân thực là gì?"
Sư nói:" Trí phải thanh tịnh,
thể phải lắng không, đó là chân công đức, công đức ấy
không thể lấy việc thế gian mà cầu được."
Lương Võ Ðế lại hỏi:" Chân
lý cùng tột của của đạo thánh là gì?"
Sư đáp:" Trống rỗng hồn
nhiên không gì là thánh."
Nhà vua chắc đã choáng váng
biết bao với lời đáp đó. Vì Võ Ðế tin rằng ông ta có
một lối đi riêng có thể sang đến" bến bờ kia", nên không
còn cách nào khác hơn là đứ ra một câu hỏi mỉa mai," Chân
lý cùng tột của đạo thánh là gì?"
Hãy nghiệm lại lời đáp dứt
khoát của sư: " Trống rỗng hồn nhiên không gì là thánh."Thật
từ bi biết bao. Lẽ ra Võ Ðế phải đập đầu tạ ơn mới
phải. Nhưng ông ta bị kẹt cứng trong vỏ giáo điều chính
thống khô khan của thời ấy, nên không kịp nắm bắt được
ý thiền của Ðạt Ma sư tổ.
Tổ nói gì về cái không này?
Nó không phải là lổ hổng lớn trong vũ trụ với?dấu hiệu
của Phật ghi:" Trống rỗng. Không thiêng. Cho phép băng qua."
Cũng không là một cái trống không trừu tượng đối nghịch
với cái đầy đủ cụ thể. Cái không này là gì nếu không
phải là nền tảng mà từ đó tất cả hiện tượng trồi
lên và là nơi chúng chắc chắn sẽ quay trở lại? Sắc tức
thị Không, Không tức thị sắc.
Khi tôi còn ở một thiền viện
tại Nhật, có một giáo viên người Mỹ làm quen với Thiền
qua sách vở, đến ở đây một thời gian ngắn. Ông được
phân một gian phòng nhỏ hơi xa nhà vệ sinh chung. Mỗi khi mắc
tiểu vào lúc nữa đêm, ông đi vào vườn thay vì phải đi
bộ một đoạn khá xa đến nhà vệ sinh. Sau khi ông ta làm
như vậy nhiều đêm, một hôm khi cả ba chúng tôi đang đứng
trong vườn, vị lão sư nói với ông ta:
"Người ta nói anh đi tiểu
trong vườn này, phải không?"
"Ðúng."
" Vườn là nơi thiêng liêng.
Hãy dùng nhà vệ sinh."
" Tại sao vườn thiêng liêng?
Không phải Bồ đề đạt ma đã nói' Hư không bao la không
có gì thiêng liêng?'"
Nghe đến đó, lão sư đập
ông ta," Không được tiểu trong vườn--vào nhà vệ sinh!"
Tại sao lão sư đánh ông ta?
Không phải cái vườn này cũng trống không và không có gì
thiêng liêng sao? Từ cái nhìn phối cảnh của tâm tuyệt đối,
không có cái gì là thiêng liêng, cũng không có gì gọi là
trần tục ca. Ðiều đó hoàn toàn đúng. Nhưng ở mức độ
tương đối của xã hội về mặt đạo đức, quí vị không
được vi phạm những thuần phong mỹ tục, tiêu chuẩn lịch
sự bằng việc tiểu trong vườn của thiền viện, chỉ vì
qúi vị qúa lười không chịu đi đến nhà vệ sinh. Cùng với
sự tuyệt đối hay bình đẳng, khiá cạnh sống của chúng
ta phải được sự nhìn nhận về mặt tương đối. Và ngược
lại, sự nhận thức về những khác biệt tương đối đồng
thời được cân bằng bởi sự bình đẳng.
Ở mộ? xã hội dân chủ như
của chúng ta sự bình đẳng được nhấn mạnh và người
ta có khuynh hướng cho rằng," Tôi cũng tốt như mọi người
khác". Ðiều này dẫn đến hệ qủa là người ta ít tôn trọng
những gì khác biệt với mình. Quan điểm như vậy là một
chiều. Dĩ nhiên, người ta có thể có cùng một mối quan tâm
hay cơ hội như nhau, nhưng như vậy không có nghĩa là mọi
người sinh ra trên cỏi đời này đều phải thông minh, tài
năng và ý chí như nhau hoặc tất cả đều vô minh như nhau.
Công bằng một chiều là sự phân biệt giai cấp được tạo
ra trong các xã hội có phân chia giai cấp. Phật giáo dạy chúng
ta đều có Phật tánh như nhau, chỉ khác nhau ở biệt nghiệp.
Sự giống nhau và khác nhau-- là hai mặt của một vấn đề.
Tôi đã nói "một" phải không? Bỏ nó đi--và bỏ luôn "Phật
tánh." Thế ta còn lại cái gì? [đột nhiên giơ nắm tay đưa
thẳng lên trời.]
Qúi vị nghĩ gì về câu hỏi,"
Ai đang ở trước mặt trẫm?" của Lương Võ Ðế. Có phải
nhà vua quá bối rối hay cố cứu vãn lòng tự cao bị tổn
thương của mình? Dù sao câu hỏi vẫn bao hàm một ý nghĩa
rõ ràng," Làm sao ngươi có thể nói không có gì thiêng liêng
khi ngươi là một thánh nhân? Và rồi lời đáp khó hiểu của
Tổ sư, một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong thiền:"Tôi
không biết." Cho tôi hỏi quí vị: có phải Bồ đề đạt
ma thật sự trả lời câu hỏi của nhà vua hay đang tìm cách
né tránh nó? Nếu đó là câu trả lời, ý của Tổ là gì?
Hiểu biết thông thường phát
sinh từ mối quan hệ chủ thể-đối tượng. Khi qúi vị suy
nghĩ về một đối tượng như công việc làm chẳng hạn,
qúi vị xem xét, phân tích, suy luận rồi đi đến kết luận
về nó. Nhưng phương pháp này thu được những thông tin rất
hạn chế. Ðể thực sự hiểu một điều gì đó một cách
rốt ráo, quí vị phải kinh qua một phạm trù mà trong phạm
trù này trí phân biệt vẫn chưa bắt đầu hoạt động. Ai
có thể nói gì về lĩnh vực này? Không có gì được dạy
hay được đề cập đến, nó cần phải được cảm nghiệm.
Vì bất cứ cái gì mà qúi vị hiểu bằng lý trí chỉ là
một nữa của sự thật; cái mà quí vị không biết là hiểu
thật sự.
"Phàm"và"Thánh "--không phải
sự phân biệt độc đoán này có khuynh hướng tách rời một
cái từ cái đã được đặt tên sao? Thiêng liêng thật sự--
toàn bộ--là không, hư vô, vô ngã, một điều kiện mà trong
đó cái này không thể đứng tách rời mọi thứ khác. Có
một lần thầy tôi nói rằng," Nếu một người có vẻ quá
thánh thiện đến nổi có thể phong ông ta là thánh, thì sự
tu luyện tâm linh của ông chưa viên mãn. Nếu ông ta phát triển
trọn vẹn, sẽ không có gì để qúi vị có thể phát biểu
về ông ta. Ông ta sẽ vượt ra ngoài sự phân loại."
Quí vị có thể hiểu sự vi
diệu "Ta không biết" của Bồ đề đạt ma không? Giả sử
ngài trả lời,"Ðúng, tôi là một thánh nhân." Như vậy ngài
đã khẳng định một sự phân biệt vốn không tồn tại,
phải không? Hơn nữa, tự cao tự đại như vậy sẽ là trái
với" sự thiêng liêng" phải không? Nhưng nếu ngài trả lời,"
Không, tôi không là thánh" ngài đã từ chối một sự hiển
nhiên. Thế ý tổ muốn nói gì trong câu đáp,"Ta không biết"?
Chắc chắn ngài biết rõ khi nào ngài nóng hay lạnh, vui hay
buồn, vì đâu phải ngài không có cảm giác. Nhưng trước
hết, hầu như ngài biết rằng không có gì để biết, vì
theo ý nghĩa sâu thẳm nhất, không có gì có thể biết được;
tri kiến này là tuệ giác tối thượng. Khi tâm vượt qua khỏi
ý niệm phàm thánh, rỗng hay đầy, tôi và người khác, chân
lý luôn biểu lộ; đây là điều then chốt để hiểu tâm
người khác. Ðây là điều kiện của tâm Bồ đề đạt ma.
Nó không thật thánh thiện hay sao?
À, cái " Ta không biết" đó!--nó
chống lại mọi cố gắng của lý trí tìm cách áp đặt lên
nó. Thật sự để nắm bắt nó, qúi vị phải dẹp qua một
bên tất cả khái niệm, lý thuyết và lao thẳng vào chiều
sâu của tâm Bồ đề đạt ma, nơi mà những sóng "biết" và
"không biết" không thể đến được.
Trở lại công án:" Lương Võ
Ðế không hiểu. Thấy không thể độ gì cho nhà vua, Ðạt
ma bỏ đi vào đất Nguỵ", ẩn ở chùa Thiếu Lâm, chín năm
ngồi xoay mặt vào vách. Và chính nơi đây là nơi xảy ra cuộc
hội ngộ đầy ấn tượng giữa Ðạt ma và Thần Quang, người
sau này trở thành đại đệ tử của ngài--và là nhị tổ
của Thiền tông tại Trung quốc.
Ngày nọ, có ông tăng tên là
Thần Quang đến viếng sư, nhiệt thành cầu được khai ngộ
pháp thiền, nhựng Ðạt ma lạnh lùng không thèm đoái hoài
đến. Thần Quang không vì thế mà nãn lòng, lại cho rằng
các bậc chí thánh thuở xưa đều phải trải qua đủ thứ
thử thách chông gai mới thành được bổn nguyện. Một đêm
kia ông đứng dầm mình trong tuyết chờ Ðạt ma lưu tâm ban
pháp từ cho đến khi tuyết rơi đầm đià chôn vùi ông đến
thắt lưng.
Bấy giờ, sư mới quay đầu
lại hỏi"Ông muốn cầu gì?"
Quang đáp, giọng nghẹn ngào
trong nước mắt: Ngưỡng mong Hoà thượng từ bi mở cam lồ,
rộng độ chúng sanh.
Sư nói: Diệu đạo vô thượng
của chư Phật phải nhiều kiếp tinh cần, khó làm, làm được,
khó nhịn, nhịn được, hàng đức nhỏ trí cùn, lòng đầy
khinh mạn, há có thể chịu nổi nhọc nhằn lao khổ cầu pháp
chân thừa hay sao?
Quang nghe quở, bèn rút dao bén
chặt lìa cánh tay trái và đưa lên trước mặt sư. Sư biết
gặp được pháp khí, bèn nói: Chư Phật lúc phát tâm cầu
đạo vì pháp bỏ thân, nay ông chặt tay trước mặt tôi, vậy
muốn cầu gì?
Nói xong, sư bèn đổi tên Thần
Quang ra Huệ Khả.
Khả bạch: Pháp ấn của chư
Phật, có thể nghe chăng?
Sư nói: Pháp ấn của chư Phật
không thể nhờ vào người khác.
Khả bạch: Nhưng tâm con không
an, thỉnh sư làm cho tâm con an.
Sư nói: Ðưa tâm ngươi đây
ta an cho.
Khả bạch: Con kiếm mãi mà
chẳng thấy tâm đâu cả.
Sư nói: Thế là ta đã an cái
tâm ngươi rồi đó."
Quí vị nhận thấy khó tin
phải không? Qúi vị có cho nó là huyền thoại không? Ðược,
cứ cho rằng nó là huyền thoại đi. Nhưng đừng quên huyền
thoại không là một câu chuyện không thực, chỉ vì nó qúa
sâu sắc, qúa tuyệt vời, không bao gồm những sự kiện đơn
thuần. Không hi sinh, không đoạn lià những tư niệm cao ngạo,
những đam mê bất tịnh, quí vị có thể đạt được mục
đích tối hậu --NGỘ --hay không?
3 NGÀY THỨ
SÁU
BÀI THUYẾT KHÍCH
LỆ
Vào giai đoạn này của khóa
nhiếp tâm, thường nghe những người trong buổi độc tham
nói," Dù tôi có làm gì đi nữa, tôi cũng không thể vượt
qua một điểm nào đó. Sự tập trung của tôi rất mạnh nhưng
tôi cảm thấy như đang húc đầu vào tường. Tôi cố gắng
hết sức để vượt qua chướng ngại nhưng không có dấu
hiệu nào tỏ ra thành công. Sau cùng, tôi kết thúc bằng căng
thẳng và kiệt sức. Tôi có thể làm gì hơn nữa? Những người
này có lẽ làm việc chăm chỉ, nhưng không bao giờ có thể
đi hết con đường. Hành động của họ giống hệt một kiểu
như trong những khoá nhiếp tâm trước mà họ từng tham dự-"
luôn luôn chạy đua nhưng không bao giờ tới đích."
Làm thế nào để giải quyết
vấn đề này? Giống như họ đào một giao thông hào nhưng
không dẫn đến đâu cả, không thể di chuyển ra khỏi đó,
sang phải hay sang trái. Nếu qúi vị là người gặp chổ bế
tắc này hết khoá này đến khóa khác, quí vị phải biết
cần phá vỡ lối mòn quen thuộc này và tìm một lối đi mới.
Cụ thể mà nói, nếu qúi vị quen với việc nghĩ ngơi buổi
sáng trong giờ giải lao sau thời gian làm việc, hãy cương
quyết với chính mình thay vì nghĩ nơi là ngồi thiền. Hay
nếu qúi vị thường xuyên ăn ăn một ngày ba bửa trong khóa
nhiếp tâm, thỉnh thoảng thử bỏ đi một bửa ăn và dùng
thời gian đó để toạ thiền. Nếu quí vị chưa bao giờ thức
khuya trể hơn một hay hai giờ sau buổi toạ thiền chính thức
về đêm, quyết tâm ngồi đến ít nhất là nữa đêm và không
từ bỏ vì buồn ngủ. Nếu trong lúc đó, qúi vị thường
ngồi ở thiền đường, thay vì vậy, hãy lấy gối ra ngồi
bên ngoài hay ngược lại.
Ở khoá nhiếp tâm cách đây
không lâu, có một người đã kiến tánh sau nhiều khoá nhiếp
tâm thức khuya và dậy lúc chuông đánh thức gõ, cuối cùng
anh ta thử đi ngủ sớm và thức dậy lúc nữa đêm để thiền.
Dù qúi vị trù tính phá vỡ cách thức trước đây, một khi
qúi vị làm như vậy, năng lượng bắt đầu trôi và qúi vị
tự nhận ra mình đang làm điều mà quí vị không thể làm
ở những khóa nhiếp tâm khác. Nhưng đằng sau quyết tâm phải
là nổ lực phấn khởi và tận tuỵ. Tôi đã từng nói: Ðối
với một người yếu đuối, bức tường là một vách núi
không thể vượt qua. Hãy tự vấn: Liệu một người yếu
ớt trong tình trạng buồn ngủ có thể nào đồng hành với
quí vị không?
Một cách âm thầm phải được
đặc biệt kể tới cái có thể được gọi là ý chủ bại.
Quí vị nào là con mồi của cách này thì phải hiểu là đây
là thời điểm quyết định của khóa nhiếp tâm, khi tâm quí
vị đột nhiên tràn đầy cảm giác bấc lực, quí vị tự
nhủ thầm," Ta thất bại quá nhiều, không có cơ hội kiến
tánh thì có khác gì đâu. Kiến tánh có lợi gì?" Một lần
nữa, hoạt động tinh vi của bản ngã thiết lập mọi loại
chướng ngại để tự bảo vệ nó. Sự hợp thức hoá thái
độ chiến bại này nại ra nhiều lý do. " Nó thật sự không
đáng--Ðiều gì sẽ xãy ra nếu tôi kiến tánh? Tại sao phải
tiếp tục?" Hay nếu quí vị đau chân quá, quí vị tự nhủ
," Nếu ta tiếp tục cố gắng, ta có thể làm cho chính mình
có tật vĩnh viễn. Vậy tốt nhất nên rút lui ngay bây giờ."
Và trong cuộc sống của những người như vậy, nơi mức khởi
hành họ tỏ ra mạnh bạo đi về một hướng nào đó, nhưng
khi ý chủ bại xen vào, sự giải thích bắt đầu hoạt động,
họ sẽ tìm cách thoái thác và kết thúc công việc trong cái
mà chúng ta gọi là thất bại. Ðây đúng là một bản sao.
Một sự không bằng lòng chấp nhận trách nhiệm mà quí vị
mơ ước thành công sẽ mang đến. Quí vị tự dán cho mình
cái nhãn hiệu " Tôi là người không thích hợp", quí vị có
thể từ bỏ công việc đánh thức chân tâm của mình và né
tránh những thách thức khác.
Quí vị, người bị truyền
nhiễm cách sống này, có cơ hội tối thượng để nhổ nó
ra lập tức và trên hết, ở khóa nhiếp tâm này, nơi mà quí
vị có thể rút nguồn năng lượng tinh thần tích tụ của
54 con người khác làm việc cực nhọc suốt ngày đêm. Không
có thời gian nào tốt hơn bây giờ, khi sức mạnh định lực
của tập thể đã kiến lập trong suốt năm ngày rưỡi qua.
Ðây chính là thời gian thử cái để tạo ra một cái gì mới
mẽ, một sự bùng nổ năng lượng mới phá đi chổ dựa của
lề thói cũ. Thiền sư Bạt tuỵ nói," Nếu quí vị đẩy về
phiá trước sức lực cuối cùng ở chính điểm nơi con đường
tư duy của quí vị bị cản trở ,và rồi, cái chướng ngại
hoàn toàn bật ra từ tay quí vị bắn lên trên không và rơi
vào vực thẳm khổng lồ của lửa phiá trước mặt quí vị,
ngọn lửa bất tận của bản tính nguyên thủy của chính
quí vị, rồi tất cả ý thức-ngã, tất cả cảm giác và
tư niệm mê hoặc sẽ chết theo với cái gốc bản ngã của
quí vị, nguồn gốc thật sự của chân tánh sẽ xuất hiện."
Ðiều này có nghĩa là quí vị phải trở nên trần trụi,
quí vị phải hàng phục mọi thứ . Hãy làm điều này và
tất cả sẽ là của quí vị--quí vị sẽ là tất cả!