Có
một lần, có người hỏi đức Phật, tại sao có người sanh
ra lại giàu có trong khi những người khác nghèo khổ, có người
được thân thể khỏe mạnh trong khi kẻ khác lại ốm yếu,
bệnh tật. Tại sao có người lại đẹp đẽ và có người
lại xấu xí? Tại sao có người có đông bạn bè, trong khi
có người lại chẳng có một ai? Cái gì có thể giải thích
được sự sai biệt này giữa mọi người với nhau? Ðức
Phật trả lời rằng mỗi người đều là kẻ thừa kế, thừa
hưởng những nghiệp quả của chính họ đã tạo ra trong quá
khứ. Thật ra, chính vì những việc làm trong quá khứ mà chúng
ta sanh ra trong cõi này. Cuộc sống mà chúng ta đang kinh nghiệm
trong giờ phút hiện tại đây, là kết quả huân tập của
những việc ta đã làm trong quá khứ.
Ðức
Phật còn giải thích thêm những hành động nào sẽ đưa đến
những kết quả ra sao. Ngài nói những ai giết kẻ khác sẽ
bị chết yểu. Những ai phóng sanh sẽ có một cuộc đời
trường thọ. Những người tạo khổ đau cho kẻ khác sẽ
sanh ra ốm yếu bệnh tật. Những ai theo con đường không bạo
động, sẽ có một sức khỏe lành mạnh. Ðức Phật dạy
rằng, những ai tham lam ích kỷ sẽ có một cuộc sống nghèo
khó. Những ai biết bố thí, rộng rãi sẽ được giàu có
sung túc. Ðây chính là sự vay trả luật nhân quả. Mỗi một
hành động sẽ tạo nên một kết quả đặc biệt.
Những
ai buông lỏng trong sự tức giận, luôn luôn sử dụng ngôn
ngữ thô lỗ, sẽ có một bề ngoài khó coi, xấu xa. Còn những
ai thực hành từ bi, ăn nói dịu dàng, sẽ có một bề ngoài
đẹp đẽ, sáng sủa. Chúng ta là những người thừa tự các
kết quả của hành động tạo mình trong quá khứ. Những người
hay có hành động bất hòa, như là tà dâm, trộm cắp, sẽ
bị giao du với những kẻ mê muội, không có bạn bè nhiều
và sẽ không có cơ hội gặp được Phật pháp. Còn những
ai biết giữ giới luật sẽ được gặp những hoàn cảnh
thuận tiện, giao du với những thiện trí thức và được
nhiều sự giúp đở trong cuộc sống. Những ai không bao giờ
biết thắc mắc về cuộc sống này, không hề tìm hiểu tâm
mình, cũng không cần để ý phân tách tự thể của sự vật
chung quanh, sẽ sanh ra ngu si và mê muội. Còn những ai biết
thắc mắc, tìm hiểu, luôn đi tìm câu trả lời cho cuộc sống
này, sẽ sanh ra là một người sáng suốt. Tóm lại, tất cả
chỉ là một sự vận hành của luật nhân quả.
Không
có ai ở trên trời quyết định số mạng, vận mệnh của
ta hết. Hiểu được luật nhân quả, ta sẽ có thể tự tạo
lập số mệnh cho mình. Có những con đường dẫn ta đến
nơi cao thượng, an lạc, cũng có những con đường đưa ta
xuống chốn khổ đau. Khi chúng ta hiểu được điều này,
ta có được hoàn toàn tự do trong sự chọn lựa của mình.
Có
bốn loại nghiệp quả chánh tác dụng đến đời sống chúng
ta. Loại thứ nhất được gọi là Nghiệp tái tạo. Chúng
là sức mạnh tạo bởi những hành động mà ta đã làm, có
thể quyết định được cảnh giới cho kiếp sống tới. Những
hành động này có khả năng dẫn ta tái sinh vào cảnh giới
của người, những cảnh giới thấp hơn, hay cảnh giới của
trời hoặc của A tu la.
Loại
thứ hai là Nghiệp trợ duyên. Ðây là những hành động có
ảnh hưởng duy trì và trợ lực cho nghiệp tái tạo. Thí dụ
như ta có được một nghiệp tái tạo tốt và được sanh
vào cảnh giới người. Ðây là một sự tái sanh tốt, vào
một cảnh giới có hạnh phúc. Nghiệp trợ duyên là những
việc làm giúp cho kiếp sống làm người của ta được thuận
lợi. Chúng duy trì cho nghiệp tái tạo được tốt và trợ
lực cho các hạnh phúc được khởi sanh.
Loại
thứ ba là Nghiệp bổ đồng. Nó có ảnh hưởng ngăn trở
nghiệp tái tạo. Giả sử ta có những thiện duyên và được
tái sanh làm con người, nhưng chúng ta lại bị đủ thứ mọi
khó khăn, đau đớn, khổ cực. Ðó là ảnh hưởng của nghiệp
bổ đồng. Sự tái sanh được tốt. Nghiệp dẫn đến sự
tái sanh có đầy thiện duyên, nhưng chúng bị ảnh hưởng
của nghiệp bổ đồng làm suy nhược và trở ngại, khiến
ta gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nhưng nghiệp bổ đồng
cũng có tác dụng ngược lại. Giả sử có người bị tái
sanh vào cảnh giới súc sanh. Ðây là một nghiệp tái tạo
xấu, vì ta bị sanh vào một cảnh giới thấp hơn. Nhưng nghiệp
bổ đồng khiến cho kiếp thú đó lại trở nên rất dễ chịu,
cũng giống như những con vật được nâng niu, chìu chuộng
trong xã hội Tây phương. Những con vật này đôi khi lại còn
được sung sướng, đầy đủ hơn nhiều người khác trên
thế giới. Loại nghiệp này có tác dụng làm trở ngại nghiệp
tái tạo xấu. Nó có ảnh hưởng hai chiều.
Loại
nghiệp chót được gọi là Nghiệp tiêu diệt. Nó có khả
năng tiêu diệt hoàn toàn năng lực của một nghiệp khác.
Giả sử bạn bắn một mũi tên vào không trung. Mũi tên bay
theo một sức đẩy nhứt định nào đó, và nếu không bị
ngăn trở, nó sẽ tiếp tục bay cho đến khi hết sức rồi
sẽ rơi xuống. Nghiệp tiêu diệt cũng như một chướng ngại
vật chận đứng sức tiến của mũi tên và làm nó rơi xuống
đất. Có những người bị chết sớm. Những người này có
thể có nghiệp tái tạo và nghiệp trợ duyên tốt đệp, nhưng
vì một hành động xấu nào đó trong quá khứ mà nghiệp tiêu
diệt đã làm ngưng đường bay của mũi tên, tiêu diệt mọi
năng lực của các nghiệp tốt khác.
Trong
thời của đức Phật, có một câu chuyện có thể thí dụ
cho ta thấy sự hoạt động của những nghiệp này. Có một
người nọ, ông ta cúng dường thực phẩm đến một vị A
La Hán. Nhưng sau khi dâng thực phẩm lên, ông lại cảm thấy
tiếc rẻ, hối hận. Chuyện kể rằng trong bảy kiếp liên
tiếp, ông ta được sanh ra làm một nhà triệu phú nhờ kết
quả của việc cúng dường. Cúng dường cho một bậc giác
ngộ được phước báu rất lớn. Nhưng kết quả của sự
hối hận, tiếc rẻ là mặc dù ông ta sanh ra giàu có nhưng
lúc nào cũng keo kiệt, hoàn toàn không hưởng được sự sung
túc của mình. Những nghiệp khác nhau đem lại những kết
quả khác nhau, tùy thuộc vào trạng thái tâm của ta lúc ấy.
Nghiệp
tái tạo rất quan trọng và cần được hiểu rõ, vì nó có
tác dụng quyết định cảnh giới tái sanh của ta. Ðây là
loại nghiệp hoạt động rất mạnh trong giây phút cuối cùng
của sự sống. Trong giây phút lâm chung này, có bốn loại
nghiệp có thể khởi lên:
Thứ
nhất là Trọng nghiệp, có thể là thiện hay ác. Trọng nghiệp
thuộc về ác có năm thứ, được gọi là ngũ nghịch đại
tội là: giết cha, giết mẹ, giết một vị A La Hán hay gây
thương tích cho đức Phật và chia rẽ Tăng chúng. Một trong
ngũ tội có khả năng vượt lên trên mọi hành động trong
quá khứ và quyết định việc tái sanh. Chúng chắc chắn sẽ
sanh quả. Những trọng nghiệp thuộc về thiện là kết quả
của người đã đạt được trạng thái thiền định và họ
giữ được cho đến khi lâm chung. Kết quả của nghiệp này
là được tái sinh vào cảnh giới của Trời. Trọng nghiệp
bao giờ cũng giữ một địa vị ưu thế hơn mọi loại nghiệp
khác. Những trọng nghiệp khác thuộc về thiện là kết quả
của những giai đoạn giác ngộ khác nhau. Chúng không quyết
định chắc chắn cảnh giới tái sinh của ta, nhưng điều
chắc chắn là nó se đi lên. Chúng ngăn chận sự tái sanh vào
những thế giới thấp kém.
Những
loại nghiệp không có một trọng nghiệp nào để làm điều
kiện tái sanh thì được gọi là Cận nghiệp, tức là nghiệp
tạo bởi những hành vi cuối cùng trước khi lâm chung. Nói
một cách khác hơn, trong giờ phút lâm chung, nếu ta chợt nhớ
đến những việc làm thiện, hay có ai nhắc nhở ta về những
việc làm thiện, hoặc là ngay trước khi lâm chung ta làm một
điều gì tốt, chúng sẽ trở thành nghiệp quyết định sự
tái sinh của mình. Trong thời đức Phật, có một tên sát
nhận sắp sửa bị treo cổ, lúc ấy hắn chợt nhớ lại trong
đời có một lần hắn đã dâng đồ ăn cho ngài Sariputra,
một đại đệ tử của đức Phật. Tư tưởng chót của anh
ta trước khi chết là về món quà này. Mặc dù trong suốt
cuộc đời, anh ta đã làm biết bao nhiêu điều tội lỗi,
nhưng kết quả của tư tưởng lành cuối cùng đó đã giúp
anh được tái sinh lên cõi trời. Và nó cũng có một tác dụng
ngược lại. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng những nghiệp
thiện, ác tích lũy bấy lâu nay sẽ không theo ta. Nó chỉ có
nghĩa là cận nghiệp, tức những hành động, những tư tưởng
trong giờ lâm chung, có kết quả ưu tiên. Nó quyết định
sự tái sinh của mình. Nhưng thường thì trong giờ phút lâm
chung, tâm ta rất là tán loạn, sợ hãi, tập trung tâm mình
để chỉ nghĩ về những sự việc, hành động thiện của
mình không phải là một chuyện dễ làm.
Nếu
không có cận nghiệp, thì Thường nghiệp sẽ hiện diện.
Những hành động lập đi, lập lại nhiều lần, những thói
quen sẽ xuất hiện trong giờ phút lâm chung. Nếu có một người
nào tạo nhiều nghiệp sát sanh, những tưtưởng ấy sẽ xuất
hiện trong giờ phút cuối, vì là kết quả của thường nghiệp.
Hoặc nếu có một người nào đó đã làm nhiều việc thiện,
rất rộng rãi, hay đã ngồi thiền nhiều lần, trong giờ phút
chót anh ta sẽ có thể nhớ lại những hành động ấy hay
thấy lại một hình ảnh mình đang ngồi thiền trên một tọa
cụ. Và nó sẽ trở thành nghiệp quyết định sự tái sinh
kế tiếp của ta.
Nếu
không có trọng nghiệp, không có cận nghiệp, cũng không có
một thường nghiệp vững mạnh nào thì Nghiệp tích trử sẽ
xuất hiện để hướng dẫn sự tái sinh của mình. Nếu cuộc
đời chúng ta chỉ là một chuỗi dài vô tận của những hành
vi thiện, ác lẫn lộn, thì bất cứ một hành động nào trong
quá khú cũng có thể khởi lên được trong giờ phút lâm chung.
Một
thí dụ cho sự hoạt động của những nghiệp này là một
đàn bò được nuôi lẫn lộn trong một vựa thóc. Buổi sáng
khi mở cửa, con bò ra đầu tiên sẽ là một con bò khỏe mạnh
nhất. Nó chen lấn, thúc đẩy những con khác qua một bên để
được ra trước. Giả sử không có một con bò nào là khỏe
mạnh nhất. Thì con ra trước nhất có thể là một con bò
sữa, đứng cạnh cửa chuồng. Nó chỉ cần nhẹ nhàng tách
mình đi ra. Rồi nếu thí dụ như chẳng có một con nào đứng
gần ở cửa chuồng cả, thì con bò ra trước sẽ là con bò
vẫn có một thói quen hướng dẫn những con khác. Và nếu
như chẳng có con bò nào có thói quen đó, thì bất cứ con
bò nào trong đàn đều có thể là con ra trước. Nghiệp lực
cũng hoạt động tương tự như thế vào giây phút chót: Trọng
nghiệp, Cận nghiệp, Thường nghiệp và Tích trử nghiệp.
Có
một yếutố để giữ chota lúc nào cũng tiến về sự thanh
nhẹ, hạnh phúc và an lạc, đó chính là chánh niệm. Chánh
niệm có ảnh hưởng đến kết quả của Trọng nghiệp, vì
yếu tố giác ngộ. Chánh niệm cũng có ảnh hưởng đến kết
quả ở Cận nghiệp. Nếu chúng ta có ý thức một cách sâu
sắc, thì dù trong giờ phút lâm chung, tâm ta lúc nào cũng được
quân bình và không bị chi phối bởi những sự bất thiện.
Chánh niệm cũng là Thường nghiệp. Nếu chúng ta thực tập
mỗi ngày một cách chuyên cần, chánh niệm sẽ tự động
khởilên trong giây phút lâm chung. Ý thức chánh niệm mà chúng
ta đang tu tập ở đây, nó là một năng lực vô cùng quan trọng.
Chính nó sẽ là một yếu tố quyết định nơi loại nghiệp
hoạt động trong giờ phút lâm chung.
Hỏi:
Những sinh linh ở các cõi thấp hơn chúng ta có tạo nghiệp
không? Thí dụ như một con chó có thể tạo nghiệp vì sự
hiền lành, dễ thương hay hung dữ, bạo động của nó không?
Ðáp:
Ai cũng tạo nghiệp cả, loài thú cũng vậy. Bạn có thể thấy
những con vật rất dữ tợn. Bạn có thể thấy được sự
sợ hãi, giận dữ, thù ghét ở nơi chúng. Cũng có những con
vật rất đẹp, dễ thương, thoải mái. Tất cả đều tùy
thuộc vào phẩm chất của tâm.
Hỏi:
Có nghiệp chung cho một gia đình không?
Ðáp:
Có một loại nghiệp được gọi là Cộng nghiệp. Thí dụ
như một quốc gia theo một chánh sách nào đó, sẽ tạo nên
một cộng nghiệp cho quốc gia ấy. Chúng ta chịu chung nghiệp
với những người khác, nếu chúng ta chấp nhận hành động
của họ. Nếu chúng ta có tư tưởng chấp nhận việc làm
của một người nào, thì nghiệp lực sẽ phát sinh. Bạn có
thể thấy rõ điều này vào thời chiến tranh. Những ai ủng
hộ cuộc chiến sẽ phải cùng nhau chia xẻ nghiệp ấy. Còn
những người không chấp nhận, sẽ tránh khỏi việc chịu
chung cộng nghiệp đó. Khi còn ở Ấn Ðộ, tôi có quen một
người bạn từ Hòa Lan. Anh ta kể lại chuyện gia đình anh
trong kỳ thế chiến thư hai vừa qua. Anh nói rằng, không hiểu
vì sao gia đình anh lúc nào cũng có đầy đủ thực phẩm.
Mặc dù cả nước đang ở trong một tình trạng khủng hoảng,
thiếu thốn thực phẩm, nhưng đây đó vẫn có một số người
không phải chịu chung một hoàn cảnh đó. Bạn có thể thấy
được ảnh hưởng của công nghiệp trên những người không
tham dự hay ủng hộ đường lối bất thiện của một quốc
gia, một nhóm; họ không chịu chung một số mệnh. Và những
người tán thành các hành động, chính sách nhân đạo sẽ
huân tập được những thiện nghiệp về sau.
Hỏi:
Nhiều khi những dành từ và thí dụ ông dùng làm cho tôi lộn
xộn.
Ðáp:
Dẹp qua một bên những thí dụ. Hãy đi thẳng vào mà kinh
nghiệm thế nào là chánh niệm. Khi có một tư tưởng khởi
lên, bạn có hai sự chọn lựa: tư tưởng có thể khởi lên
rồi bạn hoàn toàn bị nó lôi cuốn theo, không còn ý thức
được mình đang nhgĩ gì. Hay là có sự hiện diện của chánh
niệm và ý thức được rằng có một tiến trình tư tưởng
đang hoạt động. Mỗi khi có chánh niệm, đối với tư tưởng
hay bất cứ một đề mục nào, chúng sẽ đến rồi đi, nếu
được ý thức một cách rõ ràng, tâm ta sẽ giữ được quân
bình sau khi đó.
Với
tất cả những danh từ, chữ nghĩa mà tôi dùng có người
lãnh hội được, có người không điều đó không quan trọng.
Hãy dùng những danh từ, ý niệm nào giúp bạn làm sáng tỏ
được vấn đề, còn lại thì cứ bỏ hết. Chỉ có kinh nghiệm
được những gì đang xảy ra mới là quan trọng, chứ không
phải mê tín, chấp nhận vào những điều gì người khác
nói. Trí tuệ phát xuất từ một nội tâm thinh lặng, chứ
không phải qua những lời phân tích, bàn luận về các chuyện
đang xảy ra.
Hỏi:
Nhưng mà nhiều khi người ta ăn một cái bánh vì bề ngoài,
màu sắc của nó.
Ðáp:
Cứ việc dùng bề ngoài, bất cứ màu sắc nào hấp dẫn bạn.
Nhưng nhớ phải ăn cái bánh! Có một câu chuyện sau đây:
Có
một ông giáo sư đại học nọ đi biển trên một chiếc tàu
nhỏ. Một đêm nọ ông đi gặp người thủy thủ già và nói:
- Này
ông già kia, ông biết gì về Ðại dương học?
Người
thủy thủ già thật ra chẳng hiểu danh từ đó có nghĩa là
gì. Ông giáo sư nói:
- Ông
thật đã phí một phần tư cuộc đời mình! Sống cả đời
trên biển mà lại không biết gì về Ðại dương học.
Ðêm
kế đó, ông giáo sư lại đi tìm người thủy thủ già và
nói:
- Ông
già kia! Ông biết gì về Khí tượng học?
Một
lần nữa, ông thủy thủ già cũng chưa từng nghe danh từ đó
bao giờ.
- Môn
học về thời tiết đó!
- Vậy
à, thật ra tôi chẳng biết gì về môn đó cả.
- Vậy
là ông đã phí cả nửa đời mình rồi!