Một
hình ảnh thường được dùng để diễn tả sự tu tập thiền
quán, trí tuệ là một người đang đi trên một sợi dây treo
trên không. Khi chúng ta đi trên một sợi dây treo lơ lững
giữa trời, thì điều cần phải quan tâm là sự cân bằng:
luôn luôn giữ một thái độ ung dung, quân bình. Khi ta đang
đi, sẽ có nhiều sự vật bay ngang qua: những hình ảnh, những
âm thanh, tình cảm, tư tưởng và ý niệm khác nhau. Nếu ta
ưa thích, ta sẽ có khuynh hướng vói ra, cố nắm bắt, muốn
giữ lại. Còn nếu những âm thanh, hình ảnh kia là khó chịu,
bực mình, ta cũng có một khuynh hướng vói ra để xua đuổi,
đẩy chúng đi nơi khác. Trong cả hai trường hợp, ta đều
ngả mình tới, mất đi quân bình và có thể té được.
Cả
hai phản ứng ưa thích và ghét bỏ đều có cùng một nguy
hiểm như nhau. Bất cứ một việc gì, dù có huy hoàng hay ghê
sợ đến đâu, nếu chúng khiến ta mất đi tâm quân bình,
sẽ làm ta ngả. Cho nên lúc nào chúng ta cũng phải cứ tiếp
tục và tiếp tục, đào luyện một tâm an nhiên, không phản
ứng bằng cách nắm bắt hay xua đuổi bất cứ một đối
tượng nào. Hãy tu tập một tâm vô chấp, không dính mắc
vào đau cả, vào bất cứ một chuyện gì, cứ để chúng tự
nhiên đến rồi đi.
Sự
vô chấp phát sinh từ một sự hiểu biết thâm sâu vào lý
vô thường. Trên một bình diện, trí tuệ này nhận thức
được sự cấp bách và tính cách tất nhiên của cái chết.
Trong Áo Nghĩa Thư (Bhagavad-Cita) có câu hỏi: "Trong mọi điều
kỳ lạ tên thế giới này, sự việc nào là kỳ lạ nhất?".
Và câu trả lời: "Ðó là không có một người nào, mặc dù
thấy những người chung quanh mình chết, vẫn không tin rằng
rồi một ngày mình cũng sẽ chết".
Thường
vì thất niệm nơi số phận của mình mà ta thường đi tham
lam thu thập và chiếm hữu, muốn mình trở thành một nhân
vật quan trọng. Chúng ta chấp vào các việc làm của những
tâm ý nhỏ nhen, coi những tham vọng, cái tôi của mình là
quan trọng nhất. Chúng ta đánh mất đi viễn tượng của một
tâm lớn, về một cái chết của mình.
Don
Juan xem cái chết như là một vị thầy; biết ý thức được
cái chết không thể nào tránh khỏi của mình với một thái
độ sáng suốt và chấp nhận, mà không hề hối tiếc, buồn
lo hay sợ hãi. Hồi tưởng về cái chết của mình sẽ đem
lại cho ta một sức mạnh, giúp cho ta biết trân quý và sống
trọn vẹn mỗi giây phút, mỗi hành động.
Trong
tâm thức của mỗi chúng ta đều có những khuôn mẫu, tạo
nên bởi các hành động của mình. Thường thường thì đa
số những hành động là các thói quen xấu như giận dữ,
yếm thế. Nhưng ta cũng có thể đem vào tâm một ý thức về
cái chết, và dùng nó để chiếu soi lên trên mọi sinh hoạt
của mình. Nếu ta biết lấy cái chết làm thầy, chúng ta sẽ
sống mỗi phút thật trọn vẹn và chí tình, như là một nỗ
lực cuối cùng trên quả đất này vậy.
Khi
ta biết giữ cái chết trong tầm tay với, ta sẽ bớt đi đam
mê và quyến luyến những giây phút vui thú, thỏa mản tạm
thời. Vì khi tâm ta không còn bị mê mờ vì ái dục và ảo
tưởng, chúng ta sẽ bớt đi khuynh hướng muốn chiếm hữu
và có thể đem ban bố tình thương và sự độ lượng của
mình. Chánh niệm về cái chết, cho ta một khoảng không gian
sáng tỏ, giúp ta hiểu được thật sự mình là ai và ai là
người sẽ phải chết.
Trên
bình diện này, hiểu được lý vô thường có nghĩa là ý
thức được những giai đoạn chuyển tiếp, tính cách tạm
thời của mọi hiện tượng trong giây phút này sang giây phút
kế. Trong mỗi sát na, tiến trình thân tân, cả vũ trụ này,
đang khởi lên và mất đi, sanh và diệt tiếp nối nhau không
ngừng nghỉ. Sự tu tập của ta là để đào luyện một tâm
tĩnh lặng và an nhiên, không hề xao động trước một sự
thay đổi lớn lao như vậy.
Cả
phương pháp tu tập này bắt nguồn từ một công thức duy
nhất là: giản dị ý thức được những gì đang xảy ra trong
giờ phút hiện tại mà không phản ứng. Một thiền sư ở
Ấn Ðộ có dạy rằng, chúng ta chỉ cần ngồi và ý thức
được rõ ràng là mình đang ngồi, rồi thì cả giáo pháp
sẽ tự nhiên hiển bày. Bạn sẽ thấy được thông suốt
tự tính của vạn vật, và bây giờ giáo pháp sẽ thật sự
trở thành là bạn.
Trong
giai đoạn chuyển hóa này, nhờ ở sự quân bình và vô chấp,
những đức tính tốt đẹp và tự tại của tâm sẽ bắt
đầu hiển lộ. Một trong những đức tính này là lòng Từ
(Metta). Lòng Từ có nghĩa là lòng thương mình, bằng một sự
chấp nhận, không phê phán, giữ một không gian thanh thản
trong tâm; và lòng thương kẻ khác, nhưng không vì lòng quyến
luyến, muốn chiếm hữu. Ðây không phải là một thứ tình
thương có điều kiện - thương người khác vì một đức
tính hay đặc điểm nào đó, và nếu họ thay đổi, tình thương
của ta cũng chấm dứt. Nó không phải là một loại tình thương
"đổi chác" - "Tôi thương bạn nếu bạn thương tôi".
Lòng
Từ phát xuất do trí tuệ là một thứ tình thương vô điều
kiện, một lòng đại từ - một tình thân hữu, ấm áp đối
với mọi loài ở mọi nơi. Tình thương ấy không chỉ có
giới hạn trong những người đang có liên hệ với mình. Nhưng
không phải ta đi tìm kiếm người khác vì nhu cầu, vì mong
muốn, mà do sự phát tỏa tự nhiên của một tình thương
vô bờ bến.
Một
đức tính nữa cũng bắt đầu hiển lộ là đức Bi. Ðức
Bi không phảilà lòng tự thương hại hoặc thương hại người
khác. Nó tức là thấy được sự đau khổ của mình và cảm
nhận được những khổ đau của người khác. Chữ Pali "Kilesa"
thường được dịch ra là những gì bất thiện, nó cũng có
một nghĩa đặc biệt là "khổ tâm". Những sự giận dữ,
tham lam, các tâm bất thiện đều có thể gây ra đau khổ.
Chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của chúng đối với
thân tâm mình, nếu ta biết quán chiếu khi chúng khởi sanh
lên. Một khi chúng ta hiểu sâu giáo pháp, ta sẽ cảm thấy
thương xót chứ không phê phán hay lên án những tính xấu
của mình và ta sẽ thông cảm được nỗi khổ đau của người
khác khi họ bị những trạng thái như vậy. Thấy được tấm
màn lưới chằng chịt của khổ đau mà tất cả chúng ta đang
vướng vào, ta sẽ có lòng thương xót đối với nhau hơn.
Một
biểu lộ cao quí nhất trong những đức tính này là sự phô
bày của một cái rỗng không - vô ngã. Khi đã không còn "Tôi"
thì sẽ không còn "người khác". Không có "ngã" thì cũng sẽ
không có "Nhân". Cảm tưởng phân chia sẽ biến mất. Lúc này
ta cũng sẽ kinh nghiệm được cái Một, sự đồng nhất của
vạn vật.
Albert
Einstein có viét: "Con người là một phần nhỏ của một cái
lớn mà chúng ta quen gọi là vũ trụ, phần nhỏ ấy bị giới
hạn bởi thời gian và không gian. Anh ta kinh nghiệm mình, tư
tưởng của mình, cảm giác của mình như là những gì riêng
biệt với tất cả, đây chỉ là một loại Vọng tưởng.
Vọng tưởng này là một thứ ngục tù của chúng ta, giới
hạn ta vào một số tham vọng cá nhân và tình thương đối
với một số người lân cận. Phận sự của ta là tự giải
thoát mình ra khỏi ngục tù này, bằng cách mở rộng lòng
Từ Bi ra để ôm trọn mọi sinh linh, mọi loài và toàn cõi
thiên nhiên trong vẻ đẹp vô cùng của nó".
Ánh
sáng của đức Từ Bi trong tâm ta bấy lâu nay bị tham, sân,
si che phủ. Khi chúng ta phá tan những đám mây mù này bằng
sự quán chiếu của trí tuệ, thì đức tính từ bi sẽ lại
bắt đầu chiếu soi một cách tự tại như xưa.
Ðức
Phật có dạy cho ta một phương pháp tu tập, để khai triển
mạnh mẽ những dức tính này trong đời sống của mình. Pháp
tu này được gọilà "Metta Bhavana" hay là Từ Bi Quán. Thực
hành phương pháp này sẽ làm cho thiền Vipassana được thêm
phong phú, vì khoảng không gian thênh thang và sự nhẹ nhàng
trong tâm mà nó có thể tạo nên. Nó củng cố khả năng quan
sát mà không phê phán và giúp cho ta tránh được một khuynh
hướng thường tình trong con đường tu tập, và mong muốn
được trở thành một nhân vật nào khác.
Trên
suốt con đường tu tập, bạn sẽ nhận thấy rằng phương
tiện và mục đích chỉ là một. Muốn đạt đến một mục
đích an lạc, chánh niệm và tình thương, ta phải biết tập
cách thực hiện nó trong mỗi giây phút hiện tại.
Thường
thường thì chúng ta thực hành Từ Bi Quán khoảng chừng năm
hay mười phút trước hoặc sau, đôi khi cả hai, mỗi lần
ngồi thiền. Vào những giờ trước khi ngồi thiền, nó sẽ
tạo nên một khoảng không gian cởi mở mà ta có thể đem
áp dụng vào sự chú ý đơn thuần, và vào cuối giờ thiền
thì những tư tưởng Từ Bi có một ảnh hưởng rất mạnh
vì tâm ta lúc đó đã được định.
Phương
pháp này rất giản dị. Ngồi lại trong một vị thế cho thoải
mái. Trước hết, chúng ta phải giải thoát tâm mình ra khỏi
mọi sự căng thẳng hay thù hận, nếu có, bằng cách xin và
ban bố sự tha thứ: "Nếu tôi đã từng làm ai đau khổ hay
thương tổn bằng tư tưởng, lời nói hay hành động, tôi
xin được tha thứ. Và tôi cũng hoàn toàn tha thứ cho những
ai đã từng làm tôi đau khổ hay tổn thương". Lập đi lập
lại câu này trong im lặng, chừng một hai lần là một phương
pháp hiệu quả, để gột rửa tâm mình không còn những cặn
bả của niềm hận thù hay tức giận.
Tiếp
đó chừng trong một vài phút, hãy hồi hướng những tư tưởng
tốt lành đến cho mình: "Xin cho tôi được hạnh phúc, xin
cho tôi được an lạc, xin cho tôi được thoát ra những khổ
đau. Xin cho tôi được hạnh phúc, xin cho tôi được an lạc,
xin cho tôi được thoát ra những khổ đau". Tập trung vào ý
nghĩa của những câu ấy. Chúng ta không thể nào thật sự
thương một người khác được, nếu ta không thể chấp nhận
và thương chính mình. Những danh từ, cách dùng chữ không
quan trọng. Bạn hãy chọn những câu nào có thể gây một
sự rung động trong bạn. Biến chúng trở thành một câu thần
chú của tình thương.
Tiếp
tục thực hành, bắt đầu phóng những tư tưởng và cảm
tình này đến những người khác: "Cũng như tôi muốn được
hạnh phúc, cầu xin cho tất cả mọi loài được hạnh phúc.
Cũng như tôi muốn được an lạc, cầu xin cho mọi loài đều
được an lạc. Cũng như tôi muốn được thoát ra khỏi khổ
đau, cầu xin cho mọi loài đều được thoát ra sự khổ đau".
Lập lại câu này trong đầu vài lần, rồi bắt đầu phóng
tư tưởng Từ Bi đến những người khác. Những câu ấy có
thể được rút gọn lại một cách nhịp nhàng và ta có thể
tụng torng vòng năm hay mười phút: "Xin cho tất cả được
hạnh phúc, an lạc và không bị khổ đau".
Bạn
cũng có thể hướng những tư tưởng này đến một số người
chọn lọc nào đó, có thể là những người thân mà bạn
đang mến yêu, hay là những người mà bạn đang tức giận
hay có một mối hiềm thu, như là cách cởi mở ra với lòng
nhân hậu. Hãy tưởng tượng ra họ trong đầu khi bạn niệm
những lời này. Và sau cùng hết, một lần nữa, phóng tâm
từ đến với mọi loài ở mọi nơi.
Những
lúc đầu, phưong pháp này có vẻ như là máy móc, nhưng khi
bạn thực tập đều đặn, cố gắng tập trung vào ý nghĩa
của những lời ấy, vào sự chúc lành của bạn đến kẻ
khác, dần dần tâm Từ Bi sẽ phát triển và trở nên vững
mạnh.
Hỏi:
Xin ông vui lòng giải thích thêm về sự liên hệ của Từ
Bi và Trí Tuệ?
Ðáp:
Sự phát triển tâm Từ là một loại thiền định, làm cho
tâm ta tập trung vào một điểm duy nhất là tình thương. Nó
hoạt động trên một bình diện thuộc về khái niệm, với
một khái niệm "trở thành". Ðây là một phương pháp sử
dụng khái niệm vô cùng thiện xảo, và nó tạo nên một khoảng
không gian, nhờ đó mà chánh niệm có thể hoạt động hiệu
quả hơn. Nói tóm lại nó sử dụng Ðịnh để đem lại một
sự yên nhẹ trong tâm, nhờ đó ta có thể đi sâu hơn vào
một bình diện trí tuệ khác.
Hỏi:
Ông có thể nói thêm một chút về vấn đề sáng tỏ được
không?
Ðáp:
Trong những giờ ngồi thiền, có thể bạn đã có những kinh
nghiệm là đôi khi tâm mình rất sắc bén và sáng suốt, nó
có thể ý thức được mọi chuyện đang xảy ra trong mỗi
giây phút. Và cũng có những lúc tâm bạn bị mù mờ, lộn
xộn, không nhận diện được sự việc một cách rõ ràng,
mọi vật có vẻ mơ hồ. Nó cũng giống như một căn phòng
tối lờ mờ, nếu chúng ta vặn đèn lên, thì mọi vật sẽ
trở nên rõ rệt và sáng tỏ hơn. Khi tâm ta không có đủ
ánh sáng, ta không thể nào thấy rõ sự vật được, ta có
thể thấy lờ mờ bóng dáng của chúng, chứ không thấy những
chi tiết được. Còn khi tâm ta có đủ ánh sáng, mọi vật
đều có thể được phân biệt rõ ràng và nhờ vậy mọi
tiến trình đều trở thành sáng tỏ, dễ hiểu. Ánh sáng đó
chính là ánh sáng của ý thức và chánh niệm.
Hỏi:
Nhưng rồi ta có bị chấp vào sự sáng tỏ đó không?
Ðáp:
Bạn có thể lắm chứ. Ta gọi đó là sự hư hoại của trí
tuệ. Bạn phải ý thức được tự thân của sự sáng tỏ,
để khỏi phải bị vướng mắc hay chấp cho nó là mình. Bởi
vì sự sáng tỏ cũng chỉ là một phần của tiến trình. Khi
chánh niệm và định lực mới bắt đầu phát triển, người
ta thường tưởng rằng lúc này là mình đã được giác ngộ,
đã đến đích rồi, không còn gì nữa để làm. Bởi vì lúc
ấy ta cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng, an lạc và hạnh phúc
lắm. Lúc ấy vai trò của vị thầy rất là quan trọng, ông
chỉ khuyên: "Hãy cứ tiếp tục ngồi thiền".
Hỏi:
Sự sáng tỏ ấy ở với ta qua mọi giai đoạn hay là chúng
cũng chỉ đến rồi đi như những hiện tượng khác?
Ðáp:
Khi ta tu tập tiến bộ, nó ở với ta lâu hơn, mặc dù không
phải là mãi mãi. Nó là một tâm hành phát triển mạnh theo
sự thực hành của mình. Bạn sẽ trải qua những giai đoạn
tiến bộ của sự sáng tỏ, cho dù ở những giai đoạn này
ta không còn cảm thấy vui thú hay hỷ lạc nữa. Trong những
trạng thái khổ đau cũng vẫn có thể có sự sáng tỏ. Bạn
sẽ trải qua những giai đoạn mà bạn kinh nghiệm một sự
khổ đau vô bờ cũng như niềm an lạc bất tận. Trong cả
hai trạng thái đều có một sự sáng tỏ. Con đường, như
Don Juan đã nói, là để đạt đến một sự toàn vẹn của
con người. Không phải chỉ để kinh nghiệm một khía cạnh,
nhưng là để kinh nghiệm niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau, sự
trong sáng, tất cả. Thấy được một cách trọn vẹn ta là
ai.
Hỏi:
Có phải Từ Bi chỉ ảnh hưởng tới tâm của mình mà thôi?
Ðáp:
Sức mạnh của một tâm từ khi được trợ lực bởi sự
tập trung của tâm ý thì tất là mãnh liệt. Có một câu chuện
về đức Phật và người em họ của ngài là Ðề Bà Ðạt
Ða, ông này muốn giết Phật để trở thành giáo chủ của
Tăng đoàn. Ðề Bà Ðạt Ða biết rằng ông không thể nào
giết Phật một cách đường hoàng được, nên ông sắp đặt
để cho một con voi điên cuồng chạy xuống chỗ đức Phật
đi khất thức. Ông nghĩ rằng, một là đức Phật sẽ sợ
hãi bỏ chạy, như vầy thì uy tín của ngài sẽ bị tiêu tan;
hai là nếu ngài ở lại thì sẽ bị con voi điên kia giày xéo
chết. Ngày hôm sau, khi đức Phật đang đi khất thực trên
con đường nhỏ hẹp, Ðề Bà Ðạt Ða thả con voi điên ấy
ra. Ðức Phật không hề hoảng sợ hay bỏ chạy. Ngài vẫn
đứng đấy điềm nhiên, với một tâm định kiên cố, ngài
phóng những tư tưởng từ bi đến con voi điên ấy. Kinh kể
lại, tâm của con voi bị tâm Từ của đức Phật biến trở
thành hoàn toàn lặng lẽ, và con voi từ từ quỳ xuống khuất
phục dưới chân ngài.
Hỏi:
Tâm Từ biểu lộ ra bằng cách nào?
Ðáp:
Lòng Từ Bi không nhất thiết phải theo một luật hành động
nhất định nào. Nó chỉ có nghĩa là cố hết sức của mình
để hành động bằng tình thương, bằng tâm từ qua những
phương thức thích hợp với hoàn cảnh. Ðiều quan trọng là
không nên tìm kiếm một công thức hành động nhất định
để đem áp dụng cho mọi hoàn cảnh, vì bạn phải rất là
thành thực với chính mình, với những gì mình đang cảm nghĩ.
Trong giai đoạn đầu thì cách thực hành Từ Bi Quán rất là
máy móc. Tâm Từ là một tâm hành của ta, nó không phải là
một cái gì huyền bí mà ta nghĩ rằng mình có hay không có.
Trên phương diện này, nó cũng giống như là chánh niệm, tâm
định, trí tuệ hay là tham, sân. Nếu ta biết trau dồi, nó
sẽ phát triển, còn nếu bỏ quên, nó sẽ héo hon đi. Lúc
đầu thì nó không có vẻ tự nhiên, nó đòi hỏi một sự
cố gắng, nhưng khi luyện tập tiến bộ ta sẽ trở thành
thông thạo và tâm Từ sẽ tự nó phát khởi lên.