Hỏi:
Tại sao nói pháp tham Tổ Sư Thiền là pháp xuất thế gian?
Đáp:
Đối với thế gian thì nói xuất thế gian, sự thật thì pháp
thế gian và xuất thế gian chẳng khác. Do người ta có bệnh
chấp sai lầm về thế gian, muốn ra khỏi sai lầm đó mới
nói là xuất, chứ thế gian và xuất thế gian không khác. Tại
sao? Vì tâm chẳng có khác, người thế gian cũng là cái tâm
này, người nói tu xuất thế gian cũng là cái tâm này. (Sư
phụ giải thích tâm như hư không trống rỗng vô sở hữu,
lược qua.)
Hỏi:
Thế nào là hỏa Tam muội, tánh Tam muội? Và cách ngồi kiết
già do Phật Thích Ca hay Thiền sư nào đặt ra?
Đáp:
Tất cả đều do người ta đặt ra tên gọi, chứ Phật Thích
Ca đã nói vô thỉ vô sanh, vô sanh thì chẳng thể đặt ra,
hễ đặt ra là có sự bắt đầu rồi. Người ta đặt ra thiền
quán, quán lửa thì gọi là hỏa tam muội, quán thủy thì gọi
là thủy tam muội… ấy là do người bày đặt. Còn Tổ sư
thiền là chẳng có gì cả, chỉ do Tổ sư từng đời truyền
xuống, miễn cưỡng gọi là Tổ sư thiền, chứ không có tên
gọi, luôn cả thiền cũng không, vì trống rỗng vô sở hữu,
chẳng thể kiến lập.
Lời
tác bạch của thầy Trụ trì chùa Tam Bảo:
Nam
mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kính bạch Sư phụ: Con cúi
đầu đảnh lễ Sư phụ, khi con được gặp ngài, con quyết
lòng tin pháp môn đây là của Đức Thích Ca truyền dạy, Sư
phụ dạy lại. Từ đó đến nay mười mấy năm, con quyết
chí công quả cho Tam bảo, để thành tựu cho tất cả chúng
sanh, như Sư phụ dạy, nam là cha, nữ là mẹ của mình. Con
nguyện đời nào trở về cõi Ta Bà này cũng theo Sư phụ để
đền ơn cho Phật và Sư phụ, và tất cả đều thành Phật.
Hôm
nay mọi người về đây, cùng nhau tu hành, thương nhau như
con một cha, nhà một nóc, chúng con thực mừng vui, nguyện
đem hết tấm lòng để phục vụ. Nay con cúi đầu lạy hết
tất cả chúng Tăng Ni, Phật tử, như lời Sư phụ dạy, con
không dám kể lể, chỉ công quả phục vụ đến ngày cuối
cùng mà thôi.
Mà
chẳng biết là do con ham công quả cho đại chúng thành Phật,
hoặc do con lo hoài nên chẳng biết con có tu hay không, thành
ra công phu con cũng ít, lâu lâu nhớ, lâu lâu quên, mà ham làm
lắm, làm đến chết cũng được. Cho nên, hễ có điều chi
sai xót, xin Sư phụ thông cảm.
Đáp:
Bây giờ mình có tu thì tự nhiên mới hưởng được sự cúng
dường của thí chủ, nếu không tu, như bài kệ:”Hạt gạo
của thí chủ, lớn như núi Tu di, nếu không tu giải thoát,
mang lông đội sừng trả.”Thí chủ cúng dường là cho mình
tu, mỗi người phải tự giác, phải cảnh sách mình.
Tôi
đi nhiều chỗ, ít gặp một người Trụ trì nào như thầy
Trụ trì ở đây, tất cả đều là phương tiện cho chúng
để tu, chỗ ăn chỗ ở, luôn cả phục vụ điểm tâm, cung
cấp đầy đủ. Cho nên, đại chúng phải tự hỏi tự xét,
để không phụ lòng thầy Trụ trì lo cho mình tu.
Còn
tôi thì nóng tánh, tự biết lỗi mà sửa còn chưa được,
ấy là tập khí từ lâu đời, thành ra tôi chẳng dám trách
người khác không sửa. Cho nên, mỗi mỗi hãy tự sửa, mới
gọi là tu.
Hỏi:
Chết rồi, thiêu xong, Phật tánh ở chỗ nào?
Đáp:
Phật tánh là tâm, vì tâm có tánh giác ngộ nên gọi Phật
tánh. Phật tánh cũng là bản tâm, khắp không gian thời gian
nên không có chết. Phật tánh khắp không gian nên chẳng khứ
lai, gắn tên gọi Như lai, là đúng như bản lai, chẳng khứ
lai thì làm sao có chết rồi đi đâu và ở đâu? Nếu có chỗ
thì chẳng phải Phật tánh, vì không cùng khắp vậy. Do người
hỏi chấp thật sanh tử nên có câu hỏi này.
Hỏi:
Tổ Đạt Ma có Kinh Lăng-già để ấn chứng hậu học, Lục
Tổ có Kinh Pháp Bảo Đàn, ngài Lai Quả có Thiền Thất Khai
Thị Lục, Nguyệt Khê có Tuyệt Đối Luận, vậy sau này nếu
Sư phụ tịch, chúng con sẽ căn cứ vào đâu?
Đáp:
Tôi là người chưa kiến tánh. Ngài Lai Quả, ngài Nguyệt Khê
là người đã kiến tánh, hồi xưa Tổ kiến tánh đã bảy
ngàn vị, nhưng người lưu lại kinh luận rất ít, chứ chẳng
phải Tổ nào cũng lưu lại, huống là tôi chưa kiến tánh
! Tôi chỉ là người nuốt nước miếng của chư Tổ truyền
lại rồi đem dạy lại cho quí vị thôi, chứ tự mình tôi
có gì đâu !
Thực
tế bản tâm của mọi người là trống rỗng vô sở hữu,
Lục Tổ đã nói:”Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần
ai.” nghĩa là xưa nay đã chẳng một vật thì lấy gì để
dính bụi trần ! Không có một vật là trống rỗng vô sở
hữu, nên gọi Tánh không, tánh không thì chẳng chỗ trụ,
nên gọi Vô trụ, ngài Lục Tổ nói “Lấy vô trụ làm gốc,”
nay nói lưu lại cái gì là có sở trụ rồi. Cũng như Phật
Thích Ca, đâu có để lại cái gì, đến sau này đệ tử kết
tập lại mới thành kinh.
Hỏi:
Sư phụ có dạy: “Hành giả dụng công tham thiền, giữ nghi
tình không hiểu không biết để đưa mình đến kiến tánh
thành Phật.”Nhưng cuối cùng Sư phụ lại nói “không có
Phật để thành.” Vậy với người đời không dụng công
tham thiền, cũng không thành Phật, hai việc này giống nhau
chăng?
Đáp:
Chưa kiến tánh thành Phật thì nói muốn thành Phật, đến
khi kiến tánh rồi mới biết chẳng có Phật để thành, vì
đã thành sẵn rồi, nay chưa hiện ra được là bởi kiến
lập tri kiến, bị tri kiến che khuất. (Sư phụ thí dụ quặng
vàng trong Kinh Viên Giác, lược qua.) Nên Kinh Lăng Nghiêm nói:”Tri
kiến lập tri, tức vô minh bổn,” nếu chẳng kiến lập tri
kiến là Niết bàn. Chẳng kiến lập thì vô thỉ vô sanh, tức
không có sự bắt đầu và sanh khởi. nói đi nói lại cũng
chỉ có bao nhiêu đó thôi.
Hỏi:
Thế nào là tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt?
Đáp:
Tất cả duy tâm tạo, Phật cũng là tâm tạo, chúng sanh cũng
là tâm tạo, nên chẳng có sai biệt.
Hỏi:
Người xưa nói “Cửa biết là cửa tai họa,” nếu như không
biết thì làm sao có thể dịch kinh được?
Đáp:
Cái biết là biết của bộ não, có cái không biết để đối
đãi, còn cái biết của Phật tánh không được gọi là biết,
vì không có sự đối đãi, gọi là “vô duyên tri.”
Hỏi:
Trong lúc con tham thiền, có một giai đoạn rỗng rang không
sanh khởi, rồi con tự đề lên câu thoại đầu, đề riết
cũng không tìm ra vấn đề gì, cũng không nhìn thấy gì?
Đáp:
Có tìm đã sai lầm rồi, tham thiền là muốn chấm dứt cái
biết, tìm hiểu biết, ghi nhớ biết, tùy duyên biết …đều
phải chấm dứt, nay dùng cái tìm hiểu làm công phu thì không
đúng . Chỉ là hỏi và nhìn đi song song để giữ cái không
biết của nghi tình, chứ chẳng phải đi tìm hiểu, nay chẳng
những không chịu chấm dứt, còn đi tìm hiểu là nghịch với
tham Tổ sư thiền.
Hỏi:
Con cũng không thèm suy nghĩ, chỉ giữ cái ý đó, chuẩn bị
khởi lên mà không thèm khởi nữa.
Đáp:
Không cho khởi cũng không được, khởi với không khởi đều
không biết. Do có biết mới nói là khởi với không khởi,
đã không biết thì làm sao biết khởi và không khởi?
Hỏi:
Vậy chứ cái nghi tình cứ đưa lên hoài !
Đáp:
Chẳng có đưa lên đưa xuống, không biết tới, không kiến
lập, không bày đặt gì cả, chỉ là hỏi và nhìn đi song
song.
Hỏi:
Thế nào là người trí, người ngu? Thế nào là người mê,
người ngộ?
Đáp:
Chấp thật là ngu, là mê, phá chấp thật là trí, là ngộ,
chỉ là vậy thôi.
Hỏi:
Sao gọi là pháp của mình?
Đáp:
Phật pháp chẳng có của mình hay của ai. Tất cả Phật pháp
đều nói về cái tâm, tâm thì trống rỗng vô sở hữu, chẳng
phải thuộc về ai. nếu nói của ai thì ai cũng có đầy đủ.
Hỏi:
Thế nào gọi là phương tiện?
Đáp:
Phương tiện là tùy duyên, như pháp Tứ nhiếp của Bồ tát
là phương tiện: Ấy là bố thí, ái ngữ, đồng sự, lợi
hành, đều là phương tiện để độ chúng sanh. Về bố thí,
ái ngữ, lợi hành thì các tôn giáo khác cũng thực hiện được,
duy có pháp đồng sự thì chỉ Phật giáo mới làm được,
ví như muốn độ con heo phải đầu thai thành con heo, muốn
độ người ăn xin phải làm kẻ ăn xin, đó là phương tiện.
Hỏi:
Thế nào là phân biệt tất cả pháp, chẳng khởi phân biệt
tưởng?
Đáp:
Phân biệt tất cả pháp, ví như biết chén này là chén cơm,
chén kia là chén nước, phân biệt rõ ràng, nhưng chẳng khởi
phân biệt tưởng, chỉ biết cơm là cơm, không phân biệt
cơm ngon cơm dở; chỉ biết nước là nước, không phân biệt
nước trong nước đục v.v…chứ chẳng phải không phân biệt
giữa cơm với nước. Tức là: Phân biệt tất cả pháp, nơi
đệ nhất nghĩa mà chẳng động, chỉ có thế lưu bố tưởng
mà chẳng có trước tưởng.
Hỏi:
Sư phụ nói thời gian không có sự bắt đầu thì làm sao có
con quỳ nơi đây để hỏi pháp?
Đáp:
Ấy là do bệnh chấp, do cảm giác sai lầm. Trong Bát Nhã Tâm
Kinh Lược Giải, tôi có thí dụ: Do cái tâm hoạt động thì
phải thấy có sanh tử, tâm hoạt động phải thấy căn nhà
xoay. Căn nhà xoay là sanh tử luân hồi, căn nhà ngưng xoay là
cứu cánh Niết bàn, nhưng căn nhà có xoay hồi nào đâu mà
nói căn nhà ngưng xoay ! Đó là do thân mình cứ xoay mãi thì
căn nhà đâu thể ngưng xoay được? Phải thấy căn nhà xoay
thôi, khi nào thân mình ngưng xoay rồi mới thấy căn nhà ngưng
xoay. Cũng như tâm của thầy đang hoạt động, dùng tâm hoạt
động để hỏi tôi thì sanh tử làm sao lìa?
Hỏi:
Khi đề câu thoại đầu lên, là chỉ hỏi một cách nhẹ nhàng
thôi, hay quyết tâm phải tìm cho ra câu trả lời?
Đáp:
Nếu tìm cho ra câu trả lời là sai lầm,, là dùng bộ não
đi tìm hiểu. Đã muốn chấm dứt sự tìm hiểu còn đi tìm
là nghịch với tham Tổ sư thiền, hỏi câu thoại chỉ là
kích thích một niệm không hiểu không biết, chỉ nhìn và
hỏi chỗ không hiểu không biết mà thôi. Không hiểu không
biết thì không có chỗ, nhìn mãi vẫn là không hiểu không
biết, cứ giữ mãi cái không hiểu không biết sẽ đưa hành
giả đến chỗ kiến tánh thành Phật, rất giản dị.
Hỏi:
Tất cả cuộc sống của chúng con đều ở trong mở mắt chiêm
bao. Khi chúng con tham thiền đến thức tỉnh từ mở mắt chiêm
bao, có còn chịu ảnh hưởng trong mở mắt chiêm bao không?
Ví như những cảnh mừng giận buồn vui chẳng hạn?
Đáp:
Nếu người ấy tập khí sạch như Đức Phật thì không bị
ảnh hưởng, nếu người đó tập khí vẫn còn thì phải bị
ảnh hưởng, cho nên, Lục Tổ kiến tánh rồi vẫn phải mười
lăm năm bảo nhiệm để dứt tập khí, cả tập khí thế gian
và xuất thế gian.
Theo
Giáo môn giải thích, Bồ tát Thập địa còn tập khí xuất
thế gian rất vi tế như chấp thật có sở ngộ, có sở chứng,
có Niết bàn, có giải thoát v.v…, đến Đẳng giác sạch
rồi mới lên Diệu giác, rồi quả vị Phật. Cho nên, Thiền
tông muốn dứt sạch tập khí xuất thế gian, nói “Cái hầm
sâu giải thoát rất đáng sợ.”
Ai
cũng muốn tu giải thoát, tại sao lại sợ giải thoát?
Vì hễ chấp vào cái giải thoát đó tức tập khí xuất thế
gian chưa sạch, chẳng thể đến quả Phật được. Do đó,
ngài Lục Tổ nói “Thiền định giải thoát chẳng phải Phật
pháp,” vì có thiền định là có tán loạn, có giải thoát
tức có trói buộc, còn tương đối, Niết bàn cũng vậy, Niết
bàn là ngộ, hễ chấp có Niết bàn tức còn mê.